Vấn nạn chuyển giá ở doanh nghiệp FDI (2)

Thứ ba, 05/11/2013 10:49

* Bài cuối: “Lỗ hổng” trong công tác quản lý

(Cadn.com.vn) - Chuyển giá là thủ thuật của Cty mẹ ở nước ngoài. Cty mẹ này sẽ thành lập một Cty con ở nước khác, sau đó, Cty con sẽ mua nguyên vật liệu với giá cao ngất ngưởng. Các Cty con sau khi sản xuất ra sản phẩm lại bán về giá thấp cho Cty mẹ.

Kết quả là Cty con sẽ bị lỗ dẫn đến không đóng thuế thu nhập DN. Còn Cty mẹ thì mua được hàng giá rẻ và bán với giá bằng giá thị trường nước ngoài kiếm lãi khủng. Trường hợp khác là Cty mẹ bán tài sản máy móc, thiết bị hoặc cung cấp nguyên vật liệu cho Cty để Cty con nâng khống tổng giá vốn lên xem như tài sản cố định trong hoạt động SXKD để tính khấu hao và báo cáo lỗ “ảo” qua mặt ngành Thuế gây thất thu ngân sách cho Nhà nước...

DN FDI “làm xiếc” báo lỗ để “né” thuế nhưng lại mở rộng quy mô và tăng doanh thu diễn ra khá phổ biến gây thất thoát nguồn thu cho Nhà nước. Người ta thừa biết DN FDI chuyển giá để né thuế nhưng việc kiểm tra, thanh tra để chứng minh thì không hề đơn giản.

Thực tế, để thanh tra, kiểm tra tại các DN có dấu hiệu chuyển giá là rất dài, nhưng thời gian theo quy định hiện nay của Tổng Cục thuế là quá ngắn. Vì thế, phát hiện sai phạm đã khó, buộc các Cty, DN này “tâm phục khẩu phục” lại càng khó.

Theo Tổng Giám đốc Cty Điện tử Foster thì mỗi tai nghe điện thoại xuất khẩu chỉ có giá khoảng 14.000 đồng nhưng mỗi tai nghe ĐTDĐ trôi nổi trên thị trường
cũng có giá 50.000 đồng -
Ảnh chỉ có tính minh họa.

Thực tế tại Đà Nẵng, các DN FDI luôn báo lỗ nhưng để kiểm tra, xác minh thật không hề dễ dàng. Theo ông Kiều Thế Phong - Phó Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, các DN FDI đóng trên địa bàn TP, phần lớn là sản xuất, gia công, kinh doanh các mặt hàng đặc chủng, không có sản phẩm cùng loại để so sánh và chưa hình thành các cụm DN SXKD cùng mặt hàng, không có bán trong nước để có cơ sở so sánh.

Có thể kể ra đây như DN sản xuất cần câu cá, sản xuất găng tay đánh golf, gậy đánh bóng chày... thì toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu bán cho Cty mẹ ở nước ngoài, không có giá độc lập để so sánh để xác minh DN chuyển giá hay không. Các thiết bị máy móc hầu hết được các DN FDI nhập khẩu làm tài sản cố định với giá mua rất cao từ các Cty mẹ nhưng không có căn cứ để xác định giá thực của tài sản.

Sẽ đóng mã số thuế đối với DN FDI vắng chủ

Theo Dự thảo về phương án giải quyết các DN FDI vắng chủ được Bộ KH&ĐT xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ, một trong những giải pháp xử lý tình trạng chủ DN, DA có vốn đầu tư nước ngoài bỏ về nước, không liên lạc được (gọi chung là DN FDI vắng chủ), cơ quan Thuế, Hải quan cần tạo mọi điều kiện để DN thực hiện việc quyết toán thuế; đồng thời thực hiện đóng mã số thuế cho các trường hợp này.

Theo thống kê của các Sở KH&ĐT, BQL các KCN cấp tỉnh, tính đến tháng 5-2013, cả nước có trên 500 DA, DN đầu tư nước ngoài vắng chủ. Tình trạng này đã có những tác động ảnh hưởng đến KT-XH, trật tự quản lý Nhà nước và môi trường đầu tư.

Thực trạng này yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương cần tăng cường công tác hậu kiểm, giám sát đối với các DN đầu tư nước ngoài; Cơ quan Thuế, BHXH cần tập trung kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng tồn đọng, kéo dài việc nợ thuế và BHXH.

Cũng theo ông Phong, quan trọng nhất của việc xác minh DN có hành vi chuyển giá là phải có giá giao dịch trên thị trường để so sánh làm cơ sở xác định nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ cơ chế phối hợp hoặc quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác trên địa bàn như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an... để hỗ trợ xác minh về giá trị thị trường nhằm đảm bảo khách quan trong khâu xử lý vi phạm chuyển giá. “Nhưng, quan trọng nhất vẫn là cơ quan thuế phải có được các chứng từ, hóa đơn giao dịch chứng minh DN đã làm sai luật, nếu không, dù có kiện ra tòa, ngành Thuế cũng khó thắng” - ông Phong nhấn mạnh.

Các chuyên gia ngành Thuế thừa nhận, chuyện lòng vòng dàn xếp giá giữa công ty mẹ và công ty con gần như rất phổ biến trong nhiều DN FDI. Đây là mánh khóe gây lỗ ảo dễ dàng và phổ biến nhất.

Trong khi đó, việc xâm nhập mối quan hệ "kín như bưng" giữa tập đoàn mẹ ở nước ngoài và Cty con ở Việt Nam lại vô cùng khó khăn, có nhiều lúc đi vào ngõ cụt. Không phải lúc nào, cơ quan thuế cũng kiếm được chứng cứ vững vàng, khi mà các tiểu xảo phù phép chuyển giá ngày càng tinh vi.

Theo các nhà chuyên môn, trong vấn đề này, các cơ quan hữu quan cần phải xem xét lại tính công khai minh bạch của các “đại gia” nước ngoài. Nếu phát hiện ra sai phạm, cần xử lý theo đúng quy định để làm gương cho các DN khác.

Bên cạnh đó, để có tính răn đe, các cơ quan Nhà nước cần xử phạt gấp nhiều lần số thuế thu nhập DN mà các cơ quan này phải nộp. Bởi khi vào Việt Nam, các đại gia FDI này đã được hưởng rất nhiều ưu đãi của Chính phủ, của các địa phương về giảm thuế, giãn thuế. Tại Đà Nẵng, thành phố đã và đang nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư là những DN FDI với hàng loạt chính sách ưu đãi thuế thông thoáng.

Trong khi đó, tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm, khai báo nộp thuế đúng và đầy đủ ở nhiều DN FDI chưa cao như kỳ vọng của TP. Cuộc chiến chống chuyển giá ngày càng cam go hơn, vì vậy việc hậu kiểm, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách lại trở thành một nhiệm vụ nặng nề mà ngành Thuế phải đảm nhận.

Xuân Đương