Vấn nạn chuyển giá ở doanh nghiệp FDI

Thứ hai, 04/11/2013 13:26

BÀI 1: “LÀM XIẾC” ĐỂ LỖ

 (Cadn.com.vn) - Tổng cục Thuế vừa kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra chuyển giá, giảm lãi tại một số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc 23 địa phương trên cả nước giai đoạn từ 2007-2012. Đà Nẵng cũng là địa phương có nhiều DN FDI thuộc diện thanh tra, kiểm tra.

Thực tế, một số DN FDI trên địa bàn Đà Nẵng hoạt động kinh doanh tốt nhưng báo cáo sổ sách với cơ quan thuế đang kinh doanh lỗ, thậm chí có DN lỗ triền miên năm này qua năm khác. Ngân sách TP thất thu vì các DN FDI “làm xiếc” để lỗ này.

Đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng có khoảng 157 DN FDI hoạt động (không kể các nhà thầu), trong đó có nhiều DN có giao dịch liên kết, chuyển giá, kê khai lỗ nhiều năm. Trong đó, có đến 69 DN thường xuyên “kê khai” lỗ; đặc biệt có một số DN có số lỗ vượt quá vốn pháp định của DN nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, mở rộng đầu tư sản xuất với quy mô ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, có một số DN kê khai có lãi nhưng vẫn có các giao dịch liên kết, hoặc một số trường hợp xuất khẩu tại chỗ cũng có giao dịch liên kết và cho thấy có dấu hiệu chuyển giá.

 Cũng trong năm 2012, Cục Thuế TP đã tiến hành xử lý đối với 10 DN FDI, trong đó có 1 DN chuyển giá và 9 DN có sai phạm trong việc kê khai lỗ không đúng, tức là giảm lỗ lên đến con số “khủng” 338,68 tỷ đồng, buộc phải truy thu thuế GTGT, TNDN, TNCN, tiêu thụ đặc biệt lên đến 3.917 tỷ đồng và số tiền phạt trên 230 tỷ đồng.

Điển hình, Cty TNHH ITG Phong Phú từ năm 2006 đến năm 2010 số lỗ lũy kế hơn 995,4 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ được xác định là do giá mua nguyên vật liệu, phụ kiện khá cao, chuyển thu nhập cho phía nước ngoài (Cty mẹ) thông qua việc phát sinh các khoản chi hộ như chi phí marketing, chi phí môi giới, chi phí nghiên cứu và phát triển... không có đủ hồ sơ pháp lý; một khoản trích lập dự phòng không có đầy đủ hồ sơ và không có cơ sở pháp lý; chi phí quản lý DN cũng bất hợp lý.

Cụ thể, chi cho bộ phận quản lý người nước ngoài quá cao so với quy định tài chính và lao động trong nước mặc dù DN này thường xuyên trong tình trạng lỗ nặng. Bên cạnh đó, qua thanh tra, Cục Thuế còn phát hiện Cty này có vay của Cty mẹ (gọi là giao dịch liên kết) với lãi suất cao hơn lãi suất bình quân trên thị trường (tương đương 11,036 tỷ đồng)... Do đó, ITG Phong Phú buộc phải xử lý truy thu thuế và phạt 21,192 tỷ đồng, thu hồi thuế GTGT đã hoàn 9,255 tỷ đồng, giảm lỗ 343,517 tỷ đồng.

Cty ITG Phong Phú (KCN Hòa Khánh) bị xử lý chuyển giá trong năm 2012 nhưng nay toàn bộ máy móc đang đắp mền.

Một “đại gia” khác cũng nằm trong “làn sóng” lỗ là Cty TNHH Daiwa Việt Nam chuyên sản xuất các loại cần câu cá. Được cấp phép từ tháng 9-2005, Daiwa Việt Nam là Cty con của Tập đoàn Daiwa Seiko (Nhật Bản) được coi là thế hệ FDI tiên phong và lớn ở Đà Nẵng.

Tháng 6-2008, Daiwa Việt Nam đã khánh thành giai đoạn 2 nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao lớn nhất thế giới của Tập đoàn Daiwa tại KCN Hòa Khánh với vốn đầu tư 35 triệu USD. Ban đầu, ai cũng tưởng DN này sẽ đóng góp lớn cho ngân sách Đà Nẵng, nhưng trong giai đoạn 3 năm 2007-2009, DN này đã có số lỗ lũy kế hơn 319 tỷ đồng.

Sau khi cơ quan thuế thanh tra mới té ngửa nguyên nhân gây lỗ là do sản phẩm cần câu cá của Cty chủ yếu bán bao tiêu cho “anh em” một nhà (đều là các Cty trong cùng một tập đoàn), giá bán cũng theo quy định của tập đoàn (thấp hơn giá thị trường để kê khai lỗ tại Cty con ở Việt Nam nhưng lợi nhuận tại Cty mẹ).

Ngoài ra, các loại tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất đều được Daiwa Việt Nam nhập từ chính các Cty “anh em” cùng Tập đoàn. Toàn bộ hoạt động của Cty được xác định là giao dịch liên kết.

Cái khó ở chỗ, tại Việt Nam, chưa có cơ sở nào sản xuất loại hàng “đặc hiếm” này, kể cả sản xuất nguyên phụ liệu, thậm chí đến cả các cửa hàng kinh doanh thương mại bán cần câu cá cũng không bán loại tương tự sản phẩm của Daiwa để làm cơ sở so sánh giá mới xác định được hành vi chuyển giá.

Điều đáng nói là cuộc điều tra chuyển giá tại Cty này tưởng chừng bế tắc thì “may mắn” thay, khi soi kỹ hàng núi hồ sơ tài liệu, đoàn thanh tra đã “bắt” được chứng cứ quan trọng, đó là Daiwa Việt Nam đã từng chuyển một lô hàng cho Cty TNHH Daiwa Đài Loan và sau đó, lô hàng này lại giao tay ba, tức là bán cho 1 DN khác tại TPHCM với giá cao hơn rất nhiều lần.

Trước chứng cứ này, cơ quan thuế đã ấn định lại giá và DN này đã không thể chối cãi, buộc phải chấp nhận giảm lỗ 15,707 tỷ đồng, chịu án truy thu và phạt 233 triệu đồng.

Cũng chiêu bài tương tự, Cty TNHH LesGans Việt Nam, một DN Nhật Bản sản xuất găng tay chơi golf và chơi bóng chày cũng bị Cục Thuế Đà Nẵng phát hiện chuyển giá khi giá bán găng tay cho Cty mẹ thấp hơn từ 36-44% so với giá bán cho các Cty khác. Vì vậy, từ con số lỗ gần 21 tỷ đồng đã phải “sửa” lại cho đúng là lãi hơn 24 tỷ đồng.

Một “đại gia” khác cũng cần phải được xem xét đó là Tập đoàn CocaCola. Vào cuối năm 2012, Tập đoàn này cử 3 đại diện lãnh đạo Cty đến Đà Nẵng làm việc với lãnh đạo thành phố với mục đích xin mở rộng nhà máy CocaCola tại Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, đại điện CocaCola đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng “cấp” thêm 4.700m2 để mở rộng quy mô sản xuất của Nhà máy. Tuy nhiên, “soi lại” thì CocaCola hoạt động tại Đà Nẵng từ năm 1998 nhưng đã qua 15 năm chưa có năm nào báo lãi, chỉ từ lỗ đến lỗ. Động thái này khiến người ta không khỏi nghi ngờ.

(còn nữa)

Xuân Đương