Vang mãi bài ca anh hùng

Thứ năm, 18/03/2021 17:11

Trong không khí tự hào kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971,  Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng"Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971, Giá trị lịch sử và hiện thực" sẽ diễn ra tại TP Đông Hà vào ngày 19-3 này. Đây là hội thảo có giá trị lịch sử, khẳng định và làm rõ vai trò của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đối với QĐND Việt Nam trong việc thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam và hai nước Lào - Campuchia đi đến thắng lợi. 

Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực phục vụ bộ đội giải phóng.

Đã có hàng chục bài tham luận gửi đến hội thảo đề cập toàn diện các lĩnh vực, đánh giá đầy đủ, đúng tầm vóc, ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Qua đó, làm rõ sự thất bại của đế quốc Mỹ trong chiến lược  "Việt Nam hóa chiến tranh"; khẳng định sự chủ động, sáng tạo, kiên quyết, kịp thời của Đảng và Quân ủy Trung ương trong chỉ đạo phản công, chống địch mở rộng chiến tranh, đánh ra Đường 9 - Nam Lào; bổ sung và phân tích thêm những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam; và nêu bật vai trò của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đối với sự phát triển của QĐND Việt Nam cũng như tôn vinh, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước; khơi dậy niềm tự hào dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 

Dịp này, nhiều cựu chiến binh cũng như đông đảo người dân khắp nơi đã về với Quảng Trị. Từ Cửa Việt lên Đông Hà, qua Cam Lộ, Đầu Mầu, đến Đakrông rồi dọc dài Khe Sanh, Tà Cơn, Hướng Hóa, đường 9 thênh thang đón người về thăm trong nhiều bồi hồi, xúc động. Hướng sang phía bên kia bạn Lào, dường như niềm vui cũng đã dậy lên rộn rã. Ai nấy càng phấn khởi bởi sự khởi sắc đầy ấn tượng trên những vùng đất đã từng bị bom đạn cày xới.Nhìn đồi núi xanh mướt, ngút ngàn các loại cây trồng giá trị kinh tế cao và từng đoàn xe container nối đuôi chở hàng lên vùng biên giao thương nhộn nhịp ở cửa ngõ hành lang Kinh tế Đông - Tây, người cựu binh già đến từ Hà Thành lại miên man trong hồi tưởng về mùa xuân 1971. Từ cuối năm 1970, Mỹ và chính quyền Sài Gòn quyết định tập trung lực lượng mở đồng thời 3 cuộc hành quân quy mô lớn đánh phá tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam của cách mạng 3 nước Đông Dương trong mùa khô 1970 - 1971, trong đó cuộc hành quân mật danh "Lam Sơn 719" đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào có quy mô lớn nhất nhằm phá hành lang chiến lược của ta, "bóp nghẹt từ cuống họng" đường chi viện vào Nam, đồng thời thử thách khả năng quân ngụy Sài Gòn trong thực hiện công thức "Bộ binh ngụy + hỏa lực Mỹ" và lập tuyến ngăn chặn cắt đôi chiến trường Đông Dương. Địch dự kiến sẽ thực hiện cuộc tiến công và các hoạt động đánh phá liên tục trong vòng hơn 3 tháng (từ tháng 2 đến đầu tháng 5 năm 1971). 

Hiện vật máy bay CH - 47 (Chinook) lên thẳng, vận tải hạng nặng của lục quân Mỹ trưng bày tại Di tích sân bay Tà Cơn.

Đánh giá đúng bản chất hiếu chiến, phiêu lưu và âm mưu thủ đoạn mới của Mỹ - Ngụy trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", Bộ Chính trị mở một chiến dịch phản công tiêu diệt lớn quân địch ở khu vực Đường 9 - Nam Lào. Trung ương Đảng kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Đường 9 - Nam Lào: "Trận này là một trận có ý nghĩa về chiến lược. Quân đội ta nhất định phải thắng". Lực lượng tham gia chiến dịch gồm nhiều đơn vị chủ lực mạnh với 5 sư đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo phòng không, một số tiểu đoàn đặc công cùng lực lượng tại chỗ của các mặt trận B4 (Quân khu Trị - Thiên), B5 (Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị), Đoàn 559. Ngoài ra, chiến dịch còn có sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ từ nhân dân các bộ tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Nam Lào, nhất là tại tỉnh Savannakhet. Chiến dịch phản công bắt đầu từ ngày 30-1-1971, diễn ra vô cùng quyết liệt, từng bước bẻ gãy các cánh quân của địch. Từ ngày 12-3 đến 23-3, quân ta phối hợp với cùng Quân Giải phóng Lào tiếp tục tiến công tiêu diệt địch ở phía Nam đường 9, tập trung lực lượng vây ép Bản Đông (Lào). Trong khi đó, lực lượng B5 phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Đường 9 - Nam Lào liên tiếp tập kích, pháo kích vào các căn cứ hậu cần, sở chỉ huy quân địch ở Khe Sanh, Sa Mưu, Đông Hà, Cửa Việt... gây cho địch nhiều tổn thất đáng kể về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Ở huyện miền núi Hướng Hóa, hầu hết bộ đội, du kích đều được huy động làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. 

Sau 53 ngày đêm ngoan cường chiến đấu, ngày 23-3-1971, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2 vạn quân chủ lực địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh và vũ khí, đập tan hoàn toàn cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Lần đầu tiên, ta thực hành thắng lợi một chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đánh tiêu diệt một tập đoàn quân chủ lực tinh nhuệ của địch.Từ đây, địch không còn khả năng mở các cuộc tiến công quy mô lớn ra vòng ngoài, mà buộc phải quay về phòng ngự bị động.

Nhìn lại chiến thắng Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, chúng ta càng nhận thức rõ hơn về sức mạnh đoàn kết liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, từ đó trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử trong thời kỳ mới, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác xây dựng khu vực hòa bình, phát triển. 

BẢO HÀ