Vay nóng - vòng xoáy ngầm và hệ lụy (3)

Thứ tư, 05/04/2017 10:42

* Kỳ cuối: Làm gì để hạ nhiệt vay nóng?

(Cadn.com.vn) - Trước diễn biến phức tạp của tình trạng cho vay nóng và đòi nợ thuê, thời gian qua, lực lượng CATP Đà Nẵng đã chủ động vào cuộc và có nhiều giải pháp kiềm chế. Từ năm 2010, Giám đốc CATP Đà Nẵng ban hành Kế hoạch chuyên đề 562/KH-CATP-PV11 về đấu tranh triệt phá băng, nhóm tội phạm chuyên cố ý gây thương tích, bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản… Theo đó, lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) CATP Đà Nẵng và CA các đơn vị, địa phương chủ động vào cuộc xác minh, cương quyết không để các loại tội phạm này gây bất ổn xã hội.

Thống kê mới nhất, trong 2 năm (từ 16-5-2014 đến 31-7-2016), lực lượng CATP Đà Nẵng đã phát hiện, làm rõ 33 vụ vi phạm pháp luật do các băng, nhóm gây ra, trong đó có 3 vụ liên quan đến vay mượn tín dụng đen. Điển hình là tháng 7-2016, CAQ Thanh Khê (Đà Nẵng) làm rõ nhóm 7 đối tượng có hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản” và “Không tố giác tội phạm” gồm: Trương Quang Vinh (1984, trú Q. Thanh Khê), Ngô Duy Khương (1993), Nguyễn Hữu Lợi (1993), Lâm Mạnh Cầm (1992), Nguyễn Hữu Hoàng (1994, cùng trú H. Đắc Pơ, Gia Lai), Hồ Văn Nhã (1992, trú H. Phong Điền, TT-Huế) và Lê Duy Khánh (1990, trú Đắc Lắc). Theo hồ sơ, Vinh và Hoàng Đức Phúc (trú TT-Huế) có mối quan hệ thân quen. Ngày 26-7-2016, Phúc gặp Vinh cùng Khương, Lợi, Khánh tại quán cà-phê và nói với nhóm Vinh rằng anh Đoàn Chí Hiếu (1983, trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê) nợ Phúc 180 triệu đồng thua độ bóng đá, cứ hứa hẹn mãi không trả. Biết anh Hiếu hành nghề làm biển quảng cáo nên Phúc bàn với nhóm Vinh giả vờ gọi điện cho anh Hiếu đến nhà Vinh tại số 32-Dũng Sĩ Thanh Khê (Q. Thanh Khê) làm biển quảng cáo. 17 giờ 15 ngày 27-7-2016, anh Hiếu đến nhà thì Vinh dẫn anh lên tầng 2 rồi gọi cho Phúc. Sau đó, Phúc cùng Khương, Cầm, Lợi, Khánh, Hoàng đến. Tại đây, các đối tượng thay nhau đánh anh Hiếu và dùng roi điện hù dọa. Quá hoảng sợ, anh Hiếu xin được viết giấy nợ Phúc 188 triệu đồng. Viết giấy xong, nhóm Phúc ép anh Hiếu lên xe để Khánh chở ra Huế.

Trên đường đi, cả nhóm nhiều lần đánh anh Hiếu và ép gọi điện về cho vợ, nói thu xếp gấp 100 triệu đồng. Vợ anh Hiếu sau đó vay mượn được 90 triệu đồng thì Phúc gọi điện cho Nhã và Trần Ngọc Quý (1990, trú TT-Huế) đến nhà lấy tiền. Lấy xong, Phúc gọi điện cho Nhã yêu cầu vợ anh Hiếu viết giấy nợ 98 triệu đồng, hẹn 3 ngày sau phải trả. Sau khi biết Nhã nhận được tiền, nhóm Phúc dừng xe lại đoạn TT Lăng Cô (H. Phú Lộc, TT-Huế) rồi bắt xe khách cho anh Hiếu vào Đà Nẵng. Sau khi Nhã đem tiền ra Huế, nhóm Phúc tiếp tục gọi điện cho vợ anh Hiếu và sai Nhã đến lấy số tiền còn lại. Khi Nhã và Trần Ngọc Quý đến nhà anh Hiếu nhận tiền thì bị CAQ Thanh Khê bắt quả tang.

Cơ quan CAQ Hải Châu đọc lệnh bắt một đối tượng đòi nợ thuê.

Ngoài CAQ Thanh Khê, lực lượng CAQ Hải Châu, CAQ Cẩm Lệ, CAQ Ngũ Hành Sơn, CAQ Liên Chiểu và Phòng CSHS cũng đã lập được nhiều chiến công xuất sắc trên lĩnh vực đấu tranh với tội phạm cho vay nóng, đòi nợ thuê. Theo TS Phòng CSHS CATP Đà Nẵng, hiện nay, ngoài các nhóm cho vay tiêu dùng với số lượng nhỏ, việc tiếp cận nguồn tín dụng đen của các doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng lo ngại. Cụ thể, khi có nhu cầu cần gấp một lượng tiền lớn để kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chấp nhận vay nóng lãi suất cao. Một khi chậm trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, không ít trường hợp phá sản, bị  các đối tượng xấu đến gây áp lực làm mất ANTT.

Thêm nữa, hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng xuất hiện một số Cty chuyên hoạt động trên lĩnh vực đòi nợ thuê. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, hoạt động theo khuôn khổ của Nghị định 104/CP năm 2007. Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề, những Cty này liên tục có các sai phạm, ảnh hưởng không tốt đến tình hình ANTT tại địa phương. Đơn cử như trường hợp của Cty Cổ phần thu hồi nợ Khánh Hóa có Chi nhánh tại Đà Nẵng (Cty Khánh Hóa - Đà Nẵng). Ngày 26-10-2015, Cty bị Phòng CSQLHC về TTXH CATP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt 7 triệu đồng về hành vi “Quảng cáo tại mặt sau của phương tiện giao thông” theo điểm a, khoản 1, điều 61, NĐ158/CP. Ngày 9-11-2015, Cty này tiếp tục bị UBND Q. Hải Châu ra quyết định xử phạt 20 triệu đồng về hành vi “Hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT”.

Tiếp đến, ngày 26-10-2016, một nhóm nhân viên Cty Khánh Hóa - Đà Nẵng đến trụ sở Cty Cổ phần Bình Trung (số 80-Trần Nguyên Đán, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) do ông Võ Văn Tường (1964, trú Q. Sơn Trà) làm giám đốc để đòi số tiền nợ 99,395 triệu đồng. Đây là số tiền nợ mà Cty Cổ phần Vinaconex 25 ủy quyền cho Cty Khánh Hóa - Đà Nẵng được thu hồi thông qua Hợp đồng ủy quyền số 37/HĐQU/2015 ngày 26-11-2015. Tuy nhiên qua xác minh, việc đòi nợ này là sai, bởi vì đây là khoản nợ đã có Bản án số 01/2015 ngày 17-7-2015 của TAND Q. Liên Chiểu có hiệu lực pháp luật. Thêm nữa, khi thực hiện thu hồi nợ, Cty Khánh Hóa - Đà Nẵng không gửi thông báo bằng văn bản cho CAP Hòa Minh. Vậy nên trong quá trình hành nghề, số nhân viên này bị người quen với ông Tường sử dụng rựa đuổi đánh, phải gọi điện cầu cứu đến CAP Hòa Minh.

Một nhóm đối tượng dính líu đến một vụ án đòi nợ tại cơ quan CA.

Trong quá trình thu thập tư liệu cho bài viết này, chúng tôi nhận thấy, việc cho vay nóng có chiều hướng “nở rộ” trong thời gian vừa qua khởi nguồn từ việc các đối tượng cho vay đánh trúng vào tâm lý tiêu dùng của người dân. Với các hộ dân có mức thu nhập trung bình, một khi cần một khoản tiền từ 5 đến 10 triệu đồng thì thường có tâm lý ngại tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, các đối tượng cho vay nóng lúc nào cũng sẵn sàng, thủ tục nhanh gọn, “tiền tươi thóc thật” tại chỗ. Thêm nữa, việc cho vay nặng lãi diễn ra khá phổ biến, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đòi nợ thuê, xiết nợ, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… do các băng, nhóm gây ra, song quy định tội cho vay nặng lãi còn chung chung, khó có thể xử lý hình sự được. Đó là chưa kể đến việc các đối tượng cho vay lách luật bằng cách yêu cầu người vay ghi giấy biên nhận nợ dưới hình thức nhận tiền để mua hộ tài sản.

Theo Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng, để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến đòi nợ thuê, cho vay nóng lãi suất cao, lực lượng CA các quận, huyện, phường, xã cần tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động của các băng, nhóm tội phạm để có kế hoạch đấu tranh phù hợp. Thêm nữa, cần phải tăng cường công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện tập trung theo đúng quy định pháp luật nhằm làm sạch địa bàn, nhất là với số đối tượng nằm trong băng nhóm, đường dây tội phạm. Quản lý chặt chẽ các loại đối tượng tù đặc xá, nhân hộ khẩu, tạm trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội hoặc lẩn trốn, nhất là đối với số đối tượng từ các tỉnh phía Bắc đến Đà Nẵng hoạt động. Đặc biệt, trong công tác đấu tranh, cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng các vụ án có nguyên nhân từ đòi nợ thuê và cho vay nặng lãi, phối hợp với VKSND và TAND đưa ra xét xử công khai nhằm răn đe và phòng ngừa chung.

Nguyên Thảo - Hoàng Nam