Về A Riêu...
(Cadn.com.vn) - Hơn 10 năm trước, khi huyện miền núi biên giới Tây Giang, Quảng Nam tái lập, tách ra từ huyện Hiên cũ, cánh báo chí đặt cho Bhriu Liếc-Bí thư Huyện ủy, khi đó là Chủ tịch UBND H. Tây Giang cái tên: “ông Chủ tịch đi bộ”. Gặp tôi, ông cười khà khà: “Mấy anh chỉ khéo đặt tên, có người không hiểu, lại tưởng H. Tây Giang nghèo đến nỗi UBND huyện không có nổi cái ô-tô...!. Nhưng mà cả cái huyện miền núi, 11 xã, gần 80 thôn bản đồng bào Cơ Tu này lúc ấy không có nổi 1 mét đường giao thông, thì cán bộ muốn đến với dân, chẳng đi bộ thì đi bằng cái gì...!?”.
Sau hơn 10 năm, bây giờ Tây Giang đã có đường ô-tô đến trung tâm tất cả các xã vào mùa khô, chỉ còn 4 thôn bản chưa có đường giao thông. Ai chưa đến Tây Giang chưa hiểu, thế đã là một “kỳ tích” rồi đấy. Là một trong những huyện khó khăn nhất của cả nước, Tây Giang đã có một xã A Nông, là xã “Nông thôn mới” điểm của 6 huyện miền núi, biên giới tỉnh Quảng Nam từ năm 2014, “dám quyết tâm” đến năm 2020, là huyện nông thôn mới. Cái quyết tâm ấy, chính là từ cái việc “đi bộ” không riêng gì ông Bhriu Liếc, mà cả trăm cán bộ các ban ngành, đoàn thể của Tây Giang...
Cán bộ huyện Tây Giang họp dân bàn chuyện mở đường lên thôn A Riêu. |
Cuối tháng 10-2016, Bhriu Liếc rủ tôi: “Lên Tây Giang, đi bộ lên làng chơi đi...”. Đã lâu không “phượt” chuyến nào, tôi nhận lời ngay. 5 giờ sáng, xuất phát từ trung tâm H. Tây Giang, vượt hơn 30km đường đèo dốc lên trung tâm xã Trhy, từ đây sẽ phải đi bộ chừng 4 giờ đồng hồ, đích tới là thôn A Riêu, 1 trong 4 thôn còn chưa có đường giao thông của Tây Giang. Thật may, cán bộ xã thông báo, con đường công vụ đã mở từ năm 2015, có thể đi được ô-tô khoảng 6km, vậy là chúng tôi sẽ bớt được gần 2 giờ đi bộ. Đứng từ điểm rời xe ô-tô, nhìn rõ làng A Riêu từ phía bên kia sườn núi, nhưng A Rất Lúi-Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang báo trước, phải chuẩn bị sức khỏe, sẽ còn lâu nữa mới đến làng đấy. Người miền núi ở đâu cũng thế, nếu đi đường mà cứ hỏi bao giờ tới, sẽ nhận được câu trả lời: “Sắp đến rồi, cứ đi khắc tới...”.
Cái sự trả lời “2 vế” ấy, làm người hỏi vừa mừng, lại như tạo được sự kiên nhẫn đối với người đi đường rừng. Thế nhưng, đi được chừng 2 giờ đồng hồ, xuống dốc, lên dốc theo con đường mòn quanh sườn núi, đầu gối tôi đã nghe “lọc cọc”, bắp chân căng cứng, cơ chừng muốn vỡ ra, trời thì lúc mưa, lúc nắng khiến người bức bối... tôi đã thầm “oán trách” đề nghị của ông Bhriu Liếc khi nhìn đằng xa, làng A Riêu vẫn còn bên kia khe núi...!. Phía trước, Bhriu Liếc, cùng mấy anh cán bộ các ban ngành của huyện vẫn thoăn thoắt bước, vừa đi vừa ngắm cảnh núi rừng, thỉnh thoảng lại mở bản đồ ra định vị bàn tán..., thì ra các vị này đang xác định vị trí để tiếp tục mở đường lên A Riêu...
Anh Nhẫn-một doanh nghiệp, chuyên mở đường ở các địa bàn miền núi cùng đi cho tôi biết, Tây Giang có địa hình đồi núi hiểm trở, mở một km đường trên này phải tốn đến hơn 1 tỷ đồng, nếu không xác định đúng tuyến, đúng vị trí thì sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều, vì thế chuyến đi này là một chuyến khảo sát mở đường. Ông Liếc quả là người rất yêu rừng, chẳng thế mà Tây Giang là huyện miền núi đầu tiên và có lẽ là duy nhất cả nước còn đến hơn 70 diện tích rừng nguyên sinh, mới năm nay vừa đón nhận bằng công nhận hẳn một rừng hơn 1.500 cây pơ mu và 2 cây đa sộp ở A Xan là di sản Việt Nam. Sự kiện làm cả nước và cả thế giới biết đến này cũng chính là nhờ những chuyến “đi chơi” của các cán bộ vùng cao biên giới này đây. Hôm nay, tôi lại chứng kiến cái sự yêu rừng của ông, đang đi bắt gặp 2 cây đa khổng lồ, đường kính mỗi cây phải mười mấy mét, tán rộng hàng trăm mét rừng, ông Liếc mừng rú lên, rồi đề nghị mọi người cùng phát dọn sạch sẽ cây dại xung quanh 2 gốc đa. Ông hể hả: “Đợt tới này, sẽ làm hồ sơ đề nghị công nhận cây di sản cho 2 cây đa này nữa, mình không đi thì làm sao biết được chuyện này...”.
Đoàn cán bộ huyện Tây Giang đi bộ khảo sát làm đường lên thôn A Riêu. |
Xế trưa chúng tôi đến làng A Riêu, thấy bà con đã tập trung ở nhà Trưởng thôn A Lưng đón khách. Thôi thì nào là mía tươi, chuối chín, cam được bà con mang ra đãi khách. Già A Păn giục chúng tôi ăn trái cây, giới thiệu: “Trái cây này bà con trồng trên rẫy, rất sạch và ngon, không hề có thuốc trừ sâu, hay thuốc kích thích như ở dưới xuôi đâu...”. Trưởng thôn A Lưng cho biết, làng có 50 hộ dân, nằm giữa rừng già, không đường, không điện, không trạm y tế, chỉ có một điểm trường tiểu học, một cô giáo dạy chung hơn 10 em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 4. Bà con đã biết làm ruộng lúa nước từ lâu, vẫn làm rẫy, nhưng nghe các cán bộ huyện, xã tuyên truyền, từ lâu đã không còn chặt phá rừng. Dân làng rất đoàn kết, tình hình ANTT rất tốt, thời gian gần đây, khi phát hiện một số người lạ từ khu vực thủy điện Sông Bung 2, H. Nam Giang xâm nhập để săn bắn, đặt bẫy thú rừng, đào đãi vàng trái phép, dân làng đã báo chính quyền huyện, xã truy quét, ngăn chặn kịp thời. Khó khăn nhất của làng những năm qua là không có đường giao thông, vì vậy việc đi lại, giao lưu, mua bán các sản phẩm từ ruộng rẫy, con gà, con heo từ chăn nuôi của bà con rất khó khăn.
Mỗi khi trong làng có người đau ốm, phụ nữ sinh khó phải khiêng theo đường rừng hàng mấy giờ đồng hồ mới ra tới trạm y tế xã. Khổ nhất là các em nhỏ, phải đi bộ cả ngày đường để đến trường trung tâm xã, trường nội trú, cả tuần mới được về với cha mẹ một lần, bao nhiêu năm nay, A Riêu không có em học sinh nào học tới Đại học, cao đẳng. Nếu có đường giao thông, A Riêu sẽ phát triển hơn nhiều, bà con sẽ không khổ nữa, Trưởng thôn A Lưng khẳng định. Một cuộc họp dân làng do Bí thư huyện Bhriu Liếc chủ trì diễn ra ngay tại nhà A Lưng. Bà con đều nêu những khó khăn như Trưởng thôn A Lưng đã nói, đề nghị nhà nước đầu tư trước mắt làm con đường lên A Rieu. Bà con đều thống nhất với phương án nhà nước và nhân dân cùng làm, tức là nhà nước đầu tư làm đường, nhưng bà con không đòi hỏi phải đền bù khi dự án ảnh hưởng tới diện tích ruộng, rẫy. 100% bà con đều nhất trí với phương án, chỉ mong sao con đường sẽ đến thôn trong thời gian sớm nhất.
Xong cuộc họp, dân làng ai cũng mời các cán bộ huyện phải về nhà mình ăn cơm. Những ống cơm lam, xiên thịt heo nướng cùng rượu tà đin, thứ rượu đặc sản Trường Sơn được dọn ra, hết nhà này lại sang nhà khác. Trong ánh chiều tà Trường Sơn, Bhriu Liếc tâm sự cùng tôi, để mở được hoàn chỉnh con đường, kéo điện lưới đến làng A Riêu, sẽ còn phải nhiều chuyến “đi chơi” như thế này nữa. Hơn 10 năm qua, các cán bộ H. Tây Giang đã phải “đi chơi” hàng trăm lần để đến hơn 70 thôn bản. Cán bộ “đi chơi” để dân bớt khổ, có đường giao thông, có điện, có nhà cửa ổn định, con em được tới trường, thì thật là ý nghĩa làm sao...
Bút ký: Hồng Thanh