Về đâu những làng lụa xứ Quảng?

Thứ năm, 12/03/2015 09:17

(Cadn.com.vn) - Vùng đất Đại Lộc, Duy Xuyên (Quảng Nam) bao đời  được mệnh danh là quê hương của lụa. Có biết bao bài hát, bài thơ về xứ lụa quê hương với những ca từ tha thiết ngọt ngào. “Trồng dâu ta nuôi tằm, tằm ăn cho tằm lớn, lớn lên tằm vàng ươm bóng tơ...”. Câu hát quen thuộc ấy đã ngấm vào huyết mạch của bao người con đất Quảng. Thế nhưng, nghiệt ngã làm sao khi những hình ảnh đẹp đẽ, thân thương ấy giờ đây chỉ còn là ký ức!

Trồng dâu ta nuôi tằm

Dọc theo con sông Thu Bồn, tôi tìm về làng Đại Hòa (H. Đại Lộc) nơi từng là trung tâm trồng dâu nuôi tằm của cả tỉnh Quảng Nam. Từ phía bên bến đò Giao Thủy hỏi đường đến Nhà máy Ươm tơ Giao Thủy ai cũng lắc đầu như chưa từng nghe qua. Mãi một lúc sau mới có một cụ già cho tôi hay: “Hỏi mấy đứa thanh niên nớ hắn làm chi mà biết được. Nhà máy nớ đó kìa”. Theo hướng tay chỉ tôi nhìn sang bờ bên kia sông, Nhà máy Ươm tơ Giao Thủy chỉ còn là một đống sắt hoen gỉ nhô lên nền trời lấp ló sau những bãi ớt, thuốc lá. Vào bên trong nhà máy tuy đã phủ bụi thời gian nhưng tôi vẫn kịp nhận ra dáng dấp của sự phồn hoa vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhà máy gồm 5 dãy nhà nay dùng để... nuôi bò. Một phần còn lại được thuê lại để làm lưới. Thấy tôi loay hoay chụp hình, một người dân gần đó cho biết: “Chụp gì thì lo mà chụp đi chứ vài bữa nữa không còn để mà chụp đâu”.

Nhà máy ươm tơ Giao Thủy sầm uất một thời nay tiêu điều, hoang phế.

Tìm đến UBND xã Đại Hòa, bà Nguyễn Thị Thuận, Chủ tịch UBND xã, bùi ngùi: “Nhà máy bị bỏ hoang từ năm 1998 đến bây giờ. Hiện nay trên địa bàn xã không còn ai theo nghề này nữa. Nguyên nhân chính cũng vì đất đai ven sông bị sạt lở hết cả”. Bà Thuận cho biết khi còn là Chủ tịch Hội LHPN xã đã nhiều lần đứng ra giúp cho chị em vay vốn ngân hàng để khôi phục nghề truyền thống tuy nhiên không có đất thì không biết lấy gì để sản xuất. Hiện nay số đất còn lại cũng chỉ được người dân tận dụng trồng ớt, đậu. Cây dâu và con tằm trên vùng quê Đại Hòa xem như đã tuyệt chủng.

Gần 20 năm trôi qua, không chỉ mất đi một cái nghề mà kéo theo đó văn hóa của cả một vùng quê cũng mất đi. Trước đây khi còn nghề ươm tơ, hằng năm, người dân đều tổ chức những buổi lễ cầu kén nhộn nhịp ven sông Thu Bồn. Từ sau khi nhà máy bỏ hoang không ai còn nhớ đến những nét đẹp văn hóa ấy nữa. Hiện nay một phần của nhà máy được Công ty sản xuất lưới Sadavi thuê lại, giải quyết cho 400-500 lao động địa phương. Những người làm nghề ươm tơ trước đây cũng tha phương làm ăn. “Có lẽ đây là lần cuối cùng Nhà máy Giao Thủy còn tồn tại và được nhắc đến bởi hiện nay dự án cầu Giao Thủy sắp tiến hành. Mố cầu được đặt ngay tại nhà máy nên sắp tới nhà máy sẽ phải dỡ bỏ. Tiếc lắm nhưng cũng đành vậy thôi”, bà Thuận tâm sự.

Trở lại bên này sông Thu Bồn, tôi tìm đến xã Duy Trinh (H.Duy Xuyên) từng nổi tiếng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa. Những năm phồn thịnh, bến đò Giao Thủy tấp nập người qua kẻ lại trao đổi tơ lụa giữa Đại Hòa và Duy Trinh. Thế nhưng giờ đây cùng chung số phận với Nhà máy Ươm tơ Giao Thủy, nghề trồng dâu nuôi tằm nơi đây cũng đang hấp hối. Cả xã hiện chỉ còn 4 hộ làm nghề ươm tơ, số người dệt lụa truyền thống hầu như không còn, đa số đều dệt bằng máy kiếm. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Duy Trinh thừa nhận: “Mặc dù có nhiều biện pháp để phục hồi làng nghề nhưng bà con cũng không còn thiết tha bởi lớp trẻ hiện nay không biết gì về nghề truyền thống. Chúng tôi đã hỗ trợ vài hộ trồng được hơn 4 ha dâu tằm. Tôi nghĩ chỉ có cách đưa nghề truyền thống vào làm du lịch thì may ra mới giữ được làng nghề”.

Cả xứ lụa giờ đây chỉ còn vài người biết quay tơ truyền thống.

Nhận diện thử thách

Hơn 10 năm trước, làng dệt lụa Mã Châu và Duy Trinh  (H.Duy Xuyên) lúc nào cũng rộn rã tiếng thoi đưa, những chuyến xe chở vải ra vào tấp nập. Chỉ cần nghe tiếng khung cửi dệt vải cũng có thể cảm nhận được khung cảnh ấm no của làng nghề. Thế nhưng đó nay chỉ là dĩ vãng. Nhiều bà con làng dệt vẫn không quên ký ức về đợt suy thoái kinh tế khiến làng dệt lâm vào tình cảnh khó khăn năm 2008. Chỉ trong một thời gian ngắn, gần 3.000 khung cửi gỗ đã phải bán tháo bán lỗ. Trước đây hơn 70% dân số sống bằng nghề dệt nhưng kể từ sau “đại nạn” ấy làng dệt đìu hiu.  Ông Cả (người dân làng Mã Châu) nhớ lại: “Chỉ trong vòng 1 tháng giá sợi tăng từ 25 lên 35 nghìn đồng/ký. Trong khi ấy đầu ra không có. Đợt ấy nhiều gia đình khuynh gia bại sản đành phải bán cả khung cửi bù lỗ”. Gia đình ông Cả khi ấy là một cơ sở sản xuất có 3 khung cửi. Sau khi bán khung cửi ông vẫn còn nợ ngân hàng hơn 50 triệu đồng. Ông bỏ hẳn nghề dệt còn các con đi làm công nhân xí nghiệp.

Còn ông Trần Túc, khối phố Hòa Mỹ hiện nợ ngân hàng 300 triệu đồng. Ông Túc cho biết phải cố gắng lắm gia đình ông mới gồng gánh để giữ lại được ngôi nhà sau khi vỡ nợ vì đầu tư xưởng dệt. Năm 2000, ông Túc vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng đầu tư mở xưởng dệt lớn. Từ khi mở đến năm 2007, xưởng của ông sản xuất ổn định nhưng từ năm 2008-2011 thì bắt đầu gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng quá cao (15 đến 18%). “Sản xuất ra không đủ nuôi lãi ngân hàng nên năm 2012 tôi quyết định bán xưởng để trả nợ. Sau khi bán xưởng trả được một ít nợ và đầu tư vào tiệm Internet, đến nay vẫn nợ tiền gốc 500 triệu đồng, không biết đến khi nào mới xong đây”–ông Túc thở dài. Khốn khổ nhất là doanh nghiệp tư nhân Thái Dương. Chủ doanh nghiệp hiện đã bán tất cả tài sản để vào TPHCM lập nghiệp vậy mà đang nợ ngân hàng gần 5 tỷ đồng…

Hiện tại, làng nghề Mã Châu và Duy Trinh bước đầu đang được khôi phục tuy nhiên vẫn không thể hưng thịnh như trước. Số hộ kinh doanh còn lại cũng thấp thỏm từng ngày bởi hiện nay hàng lụa Trung Quốc tràn ngập thị trường. Ông Nguyễn Văn Chiến than vãn: “Ngành dệt đòi hỏi vốn lớn để mở rộng nhưng phải chịu lãi suất quá lớn khi vay khiến doanh nghiệp kiệt sức. Thêm vào đó, nhân công ngành dệt hiện nay rất khó kiếm bởi do thu nhập ít nên thợ đã chuyển sang làm công nhân may công nghiệp”. Trong khi làng dệt vẫn loay hoay tìm hướng đi thì hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá thành lại rẻ hơn khiến mặt hàng của Mã Châu càng thêm ế ẩm. Một nguyên nhân nữa được nhiều người làng nghề nhận định là sợi nguyên liệu nhập về với giá thành cao mà phải trả tiền ngay, còn sản phẩm bán ra thì trao hàng trước rồi chờ lấy tiền sau nên ngành dệt vì thế mà đuối sức. Phải làm thế nào để có thể vực dậy một nghề truyền thống đã có tuổi đời hàng trăm năm vẫn còn là câu hỏi khó?

…Sinh ra và lớn lên ở quê lụa, ngày nhỏ tôi từng chân đất chạy rông khắp bãi dâu tìm bứt ăn những quả dâu chín mọng. Cảm giác ram ráp của lá dâu cọ vào da thịt, hình ảnh những nong tằm óng mượt dưới nắng vàng giờ chỉ còn là dĩ vãng. Quê lụa ngày  nào giờ chỉ còn trong những câu ca…

Hà Dung