Về làng An Xá hôm nay
(Cadn.com.vn) - Tôi về làng An Xá, xã Lộc Thủy, H. Lệ Thủy (Quảng Bình) vào ngày 4-10, nơi vừa bị cơn bão số 10 tàn phá nặng nề. Người dân nơi đây vẫn chưa nguôi nỗi sợ cơn bão số 10 khi hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, 4 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, cả vạn cây trồng bị gãy đổ…. Con sông Kiến Giang đang ngầu đục, chảy xiết, nước có nơi vẫn đang vỗ tràn bờ, thì tối 4-10 một “cơn bão” khác đi nhanh hơn, lan truyền nhanh hơn là thông tin “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con của quê hương An Xá đã qua đời” làm cả làng như chết lặng. Nỗi buồn ập xuống ngôi làng, nơi sinh ra vị tướng tài ba của đất nước Việt Nam, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam .
Tiếp chúng tôi vào sáng 5-10, Bà Hoàng Thị Thảo, ở Đội 1, thôn An Xá, nói như khóc “Nghe tin bác Giáp mất tôi cứ ngỡ nghe nhầm. Biết người nào rồi cũng phải bước vào cõi vô cùng nhưng sao tin Bác ra đi ai cũng nhói lòng…”. Bà cho biết thêm, cả làng dọn bão trong nhà chưa xong nhưng bây giờ theo chỉ đạo của Hội Phụ nữ xã, toàn thể chị em tập trung phát dọn đường quang, hè thoáng, làm sạch con đường dẫn về Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đón khách đến thăm khi nghe tin Đại tướng mất.
Người dân làng An Xá nâng niu di ảnh Đại tướng. Ảnh: Văn Tuân |
Nhớ chỉ cách đây hơn tháng khi tôi về Lệ Thủy xem lễ hội đua ghe truyền thống hàng năm vào ngày 2-9. Nhưng năm nay, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng, cuộc đua năm nay có ý nghĩa hơn là mở đầu cho Lễ kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (kéo dài từ 2/9/2013 đến 4/2014) và chào mừng đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh nhật lần thứ 103. Những ngày đó, tôi đi đến đâu, từ chợ Tréo- thị trấn Kiến Giang đến Phong, An, Mỹ…. lên xã vùng núi Sơn Thủy hay dọc theo con đường “Ông Giáp” (tên người dân huyện Lệ Thủy đặt cho con đường bê tông rộng hơn 10 mét từ cầu Phong Liên đến thôn An Xá- xã Lộc Thủy dẫn về quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp), khắp nơi như vào hội. Cả huyện Lệ Thủy như chuẩn bị cho màn “đại đồng diễn” văn nghệ, thi đấu bóng chuyền…
Đặc biệt con sông Kiến Giang dậy sóng vì hàng chục chiếc ghe bơi, thuyền đua, của các thôn trong toàn huyện. Đúng như anh Trần Tiến Dũng, cũng là người con của thôn An Xá, khẳng định “Không khí này chỉ có ở Kiến Giang”. Như câu ca dao lưu truyền trong dân gian lâu nay: “Dù ai đi Tây, về Đông/ Mồng hai tháng chín cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay...”.
Men theo con đường làng hai bên đồng ruộng còn ngập nước trắng xóa, tôi trở lại thăm ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng nằm khuất trong một xóm nhỏ. Ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái trông thật hiền hòa giữa một khu vườn nhiều cây xanh đang xơ xác vì cơn bão số 10. Nhiều người đang tập trung quét dọn, trong tiếng khóc tấm tức. Ông Hoàng Văn Hoảnh, cựu Thanh niên xung phong thời chống Mỹ, ở Đội 5 thôn An Xá kể cho tôi nghe về việc làm nhà lưu niệm Đại tướng vào dịp chuẩn bị đón “Cụ” vào thăm năm 2004. Ngày đó, với suy nghĩ, muốn tạo cảm giác “tiện nghi” cho Đại tướng khi về thăm lại ngôi nhà xưa bên bến nước Kiến Giang, nên con cháu và chính quyền địa phương cùng chung sức tu sửa, nâng cấp ngôi nhà. Nhiều người đã đưa thêm nhiều đồ nội thất hiện đại vào nhưng khi về thăm, Đại tướng đã không đồng ý vì “không phải ngôi nhà xưa của tôi". Thế là, tất cả được tháo ra, mang đi trả lại nguyên trạng như xưa.
Ông Võ Đại Hàm, người cháu được Đại tướng cưu mang từ nhỏ đang trông giữ Nhà lưu niệm, kể với chúng tôi ngày Đại tướng về thăm quê, nhìn thấy ngôi nhà xưa cũ Đại tướng căn dặn con cháu: "Phải cố gắng giữ gìn ngôi nhà của ông bà mình để lại. Phải làm sao để ngôi nhà và vườn tược luôn có bàn tay chăm sóc của con người để khi bà con đến thăm người ta không cảm thấy nó lạnh lùng”. Rồi Cụ quay sang dặn: "Khi khách đến, cháu phải đón tiếp niềm nở, tận tình. Những gì cháu biết chính xác thì nói, những gì chưa biết chính xác thì không nên nói".
Ông Hàm kể tiếp: “Mỗi lần Cụ về quê, nơi đầu tiên Cụ đến là nghĩa trang liệt sĩ huyện, nơi những người con Lệ Thuỷ đã nằm xuống khi đi theo Cụ suốt hai cuộc kháng chiến, trong đó có liệt sĩ Võ Quang Nghiêm,người cha kính yêu của Cụ; đến thắp hương trên mộ mẹ và những người thân trong gia đình đã khuất. Trở về ngôi nhà nhỏ, Cụ thắp hương cho tổ tiên, ông bà, cho người vợ-người đồng chí thân yêu, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Cụ hỏi thăm những người bạn thuở thiếu thời xem ai còn ai mất, Cụ bắt tay từng người bà con, làng xóm. Ra vườn, Cụ đến thăm từng gốc cây, từ cây mít bao lần bị bom đạn cày xới vẫn còn đó; cây khế sau nhà đã hơn 100 năm tuổi…
Mấy năm sau này sức khoẻ không cho phép Cụ về thăm quê thì Cụ luôn gọi điện về thăm hỏi, nhất là khi có lụt lớn đổ về, giọng của Cụ đầy lo lắng: "Bà con làng xóm thế nào, có bị thiệt hại chi không? Nhà mình có sao không, cây cối trong vườn có bị đổ không?". Khi tết đến, dù không có Cụ nhưng ngôi nhà vẫn rất ấm cúng vì ba ngày tết, ngày nào cũng có bà con làng xóm đến thăm nhà, y như đang có Cụ ở nhà vậy. Biết vậy, tết năm nào Cụ cũng gửi cả bánh chưng, mứt tết từ Hà Nội vào để mời bà con làng xóm. Không vào được Cụ nhắc nhở cô Hồng Anh, chú Điện Biên, con của Cụ và các cháu thay nhau về quê, thắp hương tổ tiên, ông bà.
Kể về Cụ, ông Hoàng Văn Hoảnh bồi hồi cho biết, mỗi lần về quê, Đại tướng thể hiện quan tâm đặc biệt về nghề làm chiếu truyền thống ở An Xá. Đại tướng luôn căn dặn phải cố giữ lấy nghề này và phải làm tốt hơn nữa, phải làm được chiếu hoa chứ không phải cứ làm mãi loại chiếu trơn như vậy!. Đứng trong sân Nhà lưu niệm Đại tướng, ông Hoảnh xúc động cho biết: :Có phải trùng hợp không, ngày “cậu bé” Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời đúng mùa mưa lũ (ngày 2 tháng 7 năm Tân Hợi, dương lịch là ngày 25-8-1911), trong một cái chòi cao cất tạm dưới gốc cây mít cổ thụ sau vườn nhà để tránh mưa to nước lớn. Và bây giờ ngày Đại tướng ra đi cũng đúng lúc quê hương Quảng Bình vào mùa nước lũ!
Kể về thuở thiếu thời của Đại tướng hầu như cả xã Lộc Thủy này đều như nhớ nằm lòng.
Nhà Lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở lãng An Xá. |
Phải nói là tôi đã nhiều lần đến thăm Nhà lưu niệm của Đại tướng. Đối với tôi, thôn An Xá, xã Lộc Thủy là địa chỉ quá quen thuộc. Tôi thuộc từng ngõ ngách, biết khá nhiều người ở nơi đây. Tôi đã từng theo chân nhiều vị lãnh đạo tỉnh, huyện đến thăm từng ngôi nhà có công, nói chuyện với các cụ tiền bối, cựu chiến binh, thanh niên xung phong… ở quê hương vùng đồng trũng Lệ Thủy này. Thế mà hôm nay khi nghe tin vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp mất, đứng trước Nhà lưu niệm của Đại tướng tôi cứ bồi hồi ngỡ như lần đầu mình đến thăm. Nhìn vườn cây đang xơ xác sau bão, như thể chúng cũng đau buồn không kém khi “chủ nhân” cuả chúng vừa ra đi về cõi vĩnh hằng. Tôi muốn như truyền thống dân tộc xưa, cột lên các cây xanh trong vườn nhà Đại tướng những băng tang trắng. Đó là những cây mít, cây dừa, cây khế trên 100 tuổi mà Đại tướng chăm sóc từ bé. Là cây tùng đỏ, cây bách xanh và nhiều cây quý khác do các tỉnh thành khác mang tặng.
Rời Nhà lưu niệm, lên xe trở về lại Huế, tôi còn nhớ như in lời của ông Bùi văn Đức, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy: “Làng An Xá bùn lầy xưa, bây giờ là làng văn hóa. Các đường làng ngõ xóm đều bê tông hóa. Người dân An Xá trước đây chỉ “ăn nhờ uống chịu” dòng nước Kiến Giang nhưng từ tháng 5/2010 đã có nước sạch về làng. Niềm mong đợi của 1.126 hộ với trên 5.000 nhân khẩu của người dân Lộc Thủy hàng trăm năm qua đã trở thành sự thật. Họ không còn phải uống nước phèn, chắt bóp từng giọt nước mưa khi mùa hè đến”. Tuy vậy, nói như Anh Võ Văn Tuấn, Chủ nhiệm HTX An Xá, một thành niên còn rất trẻ vẫn còn lắm trăn trở: “An Xá tuy có phát triển. Nhiều nhà cao tầng bề thế mọc lên bên con sông Kiến Giang. Tuy vậy, quê hương Lộc Thủy, làng An Xá vẫn còn nghèo lắm…”
Còn tôi, chia tay An Xá tôi mang theo dòng suy nghĩ: Quảng Bình còn “nợ” Đại tướng nhiều lắm. Khi An Xá vẫn còn lắm khó khăn, chưa thể làm giàu trên đồng ruộng quê mình. Nghề dệt chiếu truyền thống như Đại tướng mong ước chưa trở thành hàng hóa, con đường được người dân Lệ Thủy đặt tên là “Võ Nguyên Giáp” vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng là “tuyến giao thông huyết mạch” mùa mưa lũ… Vì luôn bị chìm trong mùa lũ!.
Vĩnh biệt Đại tướng, vĩnh biệt người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam… Với tấm lòng kính yêu “Vị đại tướng của nhân dân” tôi cho rằng không riêng chi Quảng Bình, đứng trước tài năng, đức độ của người học trò giỏi do Bác Hồ đào tạo nên; một vị tướng tài ba, nhà văn hóa lỗi lạc- Võ Nguyên Giáp, tất cả chúng ta phải nói rằng: Còn nợ NGƯỜI nhiều lắm…
An Xá, Lộc Thủy ngày 5 tháng 10 năm 2013
Trần Vỹ Dạ