Về miền chân sóng

Thứ bảy, 31/12/2016 11:59

Hương rừng về biển

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi dừng chân  trước trang trại nằm bên miền chân sóng Tân Mạch, xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từng đàn gà lôi dạn dĩ cứ vờn lấy chân khách. Bên trong, bầy heo bản miệt mài đào ổ, cát vun lên từng đụn như những lâu đài lắm kiểu dáng. “Đúng là trang trại của kiến trúc sư”, một người thốt lên khi phát hiện thêm đàn dê núi bất chợt  xuất hiện sau hàng phi lao, ngó nghiêng khách lạ...

 Anh Ngô Thế Thanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái phấn khởi cho biết đó là mô hình chuyển đổi sinh kế của ngư dân Nguyễn Hữu Giáp (28 tuổi) sau sự cố môi trường biển gây thiệt hại nặng nề cho 4 tỉnh bắc miền Trung. “Cậu ấy là ngư dân, mà cũng là dân kiến trúc nữa đó”, vị lãnh đạo giới thiệu như khoe. Ô hay, nào là ngư dân, nào là kiến trúc sư, bây chừ là người nuôi đặc sản núi, ngạc nhiên khiến chúng tôi không thể trì hoãn tìm gặp nhân vật này. Chờ đợi khá lâu vì Giáp bận đi thu gom bèo và rau muống biển về làm thức ăn cho trang trại, đến gần trưa chúng tôi mới được gặp. Sự thông minh và khát vọng tuổi trẻ vẫn lấp lánh sau vẻ lam lũ, quần áo dính đầy bùn cát, Giáp khiến chúng tôi đi từ bất ngờ đến thán phục. Sau khi tốt nghiệp ngành Kiến trúc, Giáp vào TPHCM tìm việc và nhanh chóng có nơi làm ổn định, lương cao. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau, khi vợ ở quê nhà chuẩn bị sinh con đầu lòng, Giáp quyết định từ bỏ công việc nhiều người mơ ước về Vĩnh Thái, cũng là để gần gũi chăm sóc cha mẹ già. Vừa về quê, chưa kịp nghỉ ngơi, Giáp đã theo tàu ra biển làm công. Tận tụy với đời ngư dân nặng nhọc nhưng phóng khoáng, rộng rãi như chất nghệ sĩ len lỏi trong tâm hồn của chàng kiến trúc, nhiều người cảm thấy vui hơn trên mỗi chuyến tàu có Giáp cùng ra khơi. Bất ngờ sự cố môi trường biển ập đến vào giữa tháng 4–2016 khiến hàng trăm tàu thuyền của Vĩnh Thái bị “xô” lên bờ, trong đó có tàu cá Giáp đang làm thuê. Nhà nhà hoang mang lo lắng, Giáp cũng không tránh khỏi tâm trạng ấy. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, Giáp bắt đầu nắm bắt tình hình và quyết định thực hiện một kế hoạch táo bạo: lập trang trại tổng hợp chăn nuôi heo, gà, dê.

“Thực ra em cũng mong muốn lập trang trại từ trước nhưng chính hoàn cảnh đã thôi thúc em không thể chần chừ hơn nữa”, Giáp kể. Được xã tạo điều kiện cho mượn 1ha đất trong thời hạn 5 năm, vợ chồng Giáp rút hết toàn bộ tiền dành dụm lâu nay và vay mượn thêm để triển khai dự án. Giáp ra tận Hải Phòng mua giống gà lôi, ngược lên rẻo cao Đakrông, Hướng Hóa mua giống dê núi, lợn bản. Kiến thức về kỹ thuật Giáp cũng đã chủ động tích lũy học tập trong thời gian khá dài nên không hề bỡ ngỡ. 6 tháng kiên trì, bám sát trang trại, gà lôi lẫn heo bản và dê núi đều đã lần lượt cho thu nhập, giá thành cao. “Hiện trang trại đang xây 5 chuồng chuẩn bị cho heo bản sinh sản”, Giáp chỉ tay về công trình xây dựng đang tiến hành dở dang ở phía trước. Ngoài 3 đặc sản trên với hàng trăm con, trang trại của Giáp còn có heo nhà được chăn thả trên cát có thịt săn chắc, ngon, thơm gần như heo bản. Thức ăn là bèo, rau muống biển nên sản phẩm từ trang trại của vợ chồng Giáp hoàn toàn sạch, nhiều nhà hàng tận TP Đông Hà biết tiếng ra đây đặt hàng. “Bước ra từ giảng đường đại học và va chạm nơi đất khách quê người giúp cho em một cách nhìn thoáng hơn với cuộc sống. Tính đến thời điểm này, tổng đầu tư lên gần 800 triệu đồng, bước đầu đã thu về 100 triệu đồng”, Giáp kể.

Nguyễn Hữu Giáp đang chăm sóc đàn heo bản.

Tha thiết với vùng chân sóng

Với một tinh thần vượt khó đáng nể sau bộn bề khó khăn sự cố môi trường biển, Giáp cùng với ngư dân dọc dải biển Quảng Trị đang nỗ lực, chủ động tìm hướng đi mới để xây dựng quê hương với sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền. Mang theo niềm lạc quan của Giáp, chúng tôi trở vào vùng chân sóng xã Gio Hải (H. Gio Linh), vợ chồng bà Trần Thị Trước vốn kinh doanh bãi tắm xúc động cho biết vừa trồng thí điểm một mẫu Nén (người dân Quảng Trị còn gọi là Ném). Việc trồng loại cây này chưa từng xảy ra trên triền cát Gio Hải nhưng sau khi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh về hướng dẫn, giúp đỡ, bà con đã mạnh dạn triển khai. “Bà con các thôn được cán bộ Lộc, cán bộ Nhung tận tình hướng dẫn kỹ thuật để cây đạt năng suất cao, ném trên đất cát thơm và ngon hơn, chính vì rứa mà bà con rất hy vọng”, bà Trước chia sẻ. Không chỉ gia đình bà Trước, hàng trăm hộ dân khác của 16 xã thị trấn bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển đã được 40 kỹ sư nông nghiệp về tận nơi nghiên cứu, giúp đỡ chuyển đổi sinh kế. Trồng cây gì, con gì, hay vay vốn nâng cấp tàu thuyền vươn khơi cho phù hợp.

CAH Vĩnh Linh giúp đỡ cụ bà hoàn thiện các bước thủ tục tại buổi nhận tiền chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Theo chân Chủ tịch UBMTTQVN xã Triệu An ( H. Triệu Phong) Võ Văn Tráng, chúng tôi lại chứng kiến một sự nỗ lực vươn lên đáng khâm phục của gia đình anh Nguyễn Văn Triều tại thôn Tường Vân. Trước khi xảy ra sự cố môi trường biển, anh Triều nuôi hai hồ tôm với diện tích 6.000m2. Tuy nhiên, chỉ trong mấy ngày, toàn bộ tôm đã phơi bụng vì nguồn nước ô nhiễm. Vợ chồng anh như chết trân trước khối tài sản không nhỏ này. Khốn đốn nhưng không thể bó gối kêu than, gia đình anh Triều xoay hướng chuyển đổi sinh kế. Được tư vấn của cán bộ chuyên trách, anh Triều đã vay mượn nuôi 600 con gà thịt và hơn 1.000 con vịt để kịp tiêu thụ đúng dịp Tết này. Nhưng mong muốn nhất của anh vẫn là trở lại nghề nuôi thủy sản, bởi đó là thế mạnh mà anh đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và gắn bó lâu nay. Cũng như anh Bùi Đình Châu (32 tuổi, xã Gio Hải), khao khát lớn nhất bây giờ là được vay vốn để đầu tư tàu vươn khơi. “Di sản ba tôi để lại là chiếc tàu dưới 20CV, anh em chúng tôi sẽ không bao giờ rời biển, quyết bám khơi đến cùng. Hy vọng ban ngành giúp đỡ để chúng tôi sớm tiếp cận được vốn vay để đầu tư nâng cấp tàu công suất lớn”, anh Châu tha thiết nói về quyết tâm của mình.

Tết đã cận kề, những khoản tiền bồi thường đầu tiên cũng đã đến tận tay ngư dân. Với sự giúp đỡ hướng dẫn của đội ngũ kỹ sư chuyên trách và chính quyền, ngư dân Quảng Trị sẽ không rơi vào cảnh lúng túng trong sử dụng, đầu tư cho kế hoạch sắp tới. “Với khoảng 64 triệu đồng, gia đình tôi sắm thêm ngư lưới cụ, lại ra khơi, nhớ biển lắm rồi. Một phần để vợ ở nhà trồng Ném, sả, chăn thêm con gà”, thuyền trưởng Vũ Hào gan ruột.

L.H