Về nơi tri ân

Thứ hai, 12/04/2021 20:25

Những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi trở lại xóm An Dương (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) - một trong những vùng hoạt động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 - Khu II Hòa Vang (tỉnh Quảng Đà cũ) trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước và được nghiêng mình trước Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm trong trận đánh “Cắm cờ giữ đất” trầm mặc khói hương, chúng tôi hiểu rằng linh hồn các liệt sĩ đã trở thành bất tử, hóa thân vào núi sông để Tổ quốc ngàn đời mãi khắc ghi…

Bia chiến tích tri ân 3 nữ chiến sĩ hy sinh trong trận đánh “Cắm cờ giữ đất” tại xóm An Dương.

Theo tư liệu, Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm tiền thân là trung đội nữ trực thuộc Huyện đội Hòa Vang, được thành lập vào năm 1967. Ban đầu trung đội gồm 30 cán bộ, chiến sĩ do chị Trần Thị Sốt làm Trung đội trưởng, chị Trần Thị Nguyệt làm Chính trị viên… Tháng 2-1972, để đáp ứng nhu cầu diệt ác, phá kèm trong tình hình mới, Khu ủy Khu II tái thành lập trung đội nữ gồm 28 người, do chị Nguyễn Thị Xuân Mai làm Trung đội trưởng. 3 tháng sau, trung đội nữ đổi tên thành Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm…

Sau khi Hiệp định Paris ký kết 1 ngày, địch liền huy động nhiều đơn vị nghĩa quân, địa phương quân có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ, tấn công vào các điểm chốt của cách mạng. Từ sáng đến chiều tối 28-1-1973, các tổ giữ chốt của đơn vị phản kích trên 20 đợt tấn công của địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch để giữ vững trận địa. Sau đó, một số điểm chốt rút về Nam Thành, Khương Mỹ, riêng tổ chốt án ngữ trên tuyến Dương Lâm - An Tân được 3 cán bộ, chiến sĩ nữ Nguyễn Thị Xuân Mai (1949, quê xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), Hồ Thị Hồng Vân (1954, quê xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), Ông Thị Minh Nguyệt (1957, quê xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đảm nhận vẫn kiên cường giữ chốt. Các chị đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, diệt thêm hàng chục tên địch. Nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên sau 5 đợt phản kích, các chị hết đạn, đành đập gãy súng và anh dũng hy sinh.

Từ khi trung đội nữ Đại đội 2 - Khu II Hòa Vang ra đời và kết thúc chiến tranh là gần một thập kỷ đầy biến động trong lịch sử đất nước. Tổ quốc trải qua những ngày tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất, nhưng các chị vẫn kiên trì bám trụ trên vành đai diệt Mỹ. Trận đánh “Cắm cờ giữ đất” của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm đã gây được tiếng vang trên các mặt trận. Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà đánh giá cao chiến công này và tặng danh hiệu “Tổ chiến đấu anh dũng Nguyễn Thị Xuân Mai”… Nằm lại chiến trường khi tuổi xuân vẫn còn phơi phới, các chị Mai, Vân, Nguyệt đã trở thành những đóa hoa “bất tử”, mãi mãi ghi danh vào lịch sử của quê hương Hòa Vang anh dũng, kiên cường.

Chiến tranh đã lùi xa 46 năm, nhưng khắc khoải về mất mát hy sinh thì chưa bao giờ nguôi ngoai, nhất là những người từng vào sinh ra tử. Còn với người dân địa phương, ngày đó, khi xảy ra trận đánh giữa Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm với địch, nơi đây còn là cánh đồng heo hút với hơn 10 hộ dân. Đây là vùng giáp ranh giữa hai thôn An Tân và Dương Lâm nên người dân ghép hai địa danh này thành xóm An Dương. “Sau ngày đất nước thống nhất, hằng năm đến ngày 23 tháng Chạp là bà con trong vùng sắm hương hoa, trà quả để thắp nén hương tưởng niệm 3 nữ chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch ở căn hầm cuối cùng mà các chị trú ẩn, chiến đấu và cùng nhiều người dân vô tội khác tử nạn vì bom đạn chiến tranh. Bây giờ, nơi các chị hy sinh đã được lãnh đạo địa phương xây dựng Bia chiến tích để tri ân các chiến sĩ nữ năm xưa và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay phải sống, cống hiến góp phần xây dựng quê hương sao cho xứng đáng”, lão nông Nguyễn Khá (thôn An Tân) trải lòng.

Đi dọc vùng nông thôn mới An Tân - Dương Lâm, giờ đây cây cối đang lên xanh, đường quê, ngõ xóm đã được bê-tông hóa, cuộc sống ấm no trù phú lộ rõ trên những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, nhưng đâu đó dưới các gốc tre già, một thời loang lổ hố bom vẫn lặng lẽ nhắc nhở mỗi người dân nơi đây về một mảng ký ức đầy máu và nước mắt của chiến tranh. Sống trên mảnh đất đã từng thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi tin rằng, hơn ai hết, người dân xã Hòa Phong hôm nay từ các em học sinh đến các cụ già, mỗi người đều cảm nhận một điều thiêng liêng luôn hiện hữu trong từng tấc đất ở quê mình.

VY HẬU