Về Quảng Trị Mùa Tri ân

Thứ hai, 25/07/2022 17:16
Tháng 7, trời nắng như đổ lửa nhưng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Thành Cổ Quảng Trị cùng nhiều di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lúc nào cũng tấp nập từng dòng người từ mọi miền đất nước về dâng hương tri ân, tưởng nhớ các Anh hùng, Liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.
Đoàn về nguồn Quận Thanh Khê thắp hương trên mộ các Liệt sĩ trong khuôn viên dành riêng cho Quảng Nam-Đà Nẵng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Đoàn về nguồn Quận Thanh Khê thắp hương trên mộ các Liệt sĩ trong khuôn viên dành riêng cho Quảng Nam-Đà Nẵng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Sau khi dâng hương ở Đài tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn cùng với các thương binh, bệnh binh, người có công tiêu biểu của quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) trong cuộc hành quân về nguồn kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27-7 (1947 – 2022) do Quận ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam quận Thanh Khê tổ chức, chị Trần Thị Kim Thanh đã tìm đến phần mộ của người anh ruột - Liệt sĩ Trần Tiến Dũng trong khuôn viên quy tập mộ liệt sĩ của Quảng Nam - Đà Nẵng trân trọng đặt những cành hoa, thắp lên mộ phần người thân nén hương trong buổi chiều muộn. Chẳng biết có phải vì khói hương hay vì một lý do nào khác mà mắt ai nấy đều thấy cay xè khi thắp lên mộ phần của 10.263 ngôi mộ được quy tập tại đây những nén nhang lòng...

Rời Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đoàn về nguồn Q.Thanh Khê đến dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị. Trên mình mang đầy thương tích qua các cuộc chiến tranh nhưng các thương binh 1/4 Hồ Ngọc, Trần Văn Pháp, Nguyễn Xuân Ánh vẫn cố gắng cùng cả đoàn leo từng bậc tam cấp để dâng hương tại Tượng đài trung tâm và vào thăm Bảo tàng Thành cổ. Đến đây, ai nấy đều rưng rưng xúc động nghẹn ngào khi nhớ đến sự kiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1972, Thành Cổ Quảng Trị là nơi được cả thế giới biết đến với lòng ngưỡng mộ, khâm phục bởi những chiến công hiển hách, những tấm gương anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ của quân và dân ta.

Nhiều báo chí phương Tây hồi ấy bình luận và so sánh rằng, số bom đạn Mỹ ném xuống Quảng Trị khoảng 328.000 tấn tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki (Nhật Bản) năm 1945. Thị xã Quảng Trị có khoảng 1 vạn ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Ngay tại Thành Cổ Quảng Trị, địch đã dội không biết bao nhiêu bom đạn mỗi ngày, trung bình một chiến sĩ ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Có ngày như ngày 25-7-1972, địch xả vào Thành Cổ 5.000 quả đạn. Vậy mà các chiến sĩ giải phóng quân đã bám trụ, chiến đấu hàng tháng trời để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Thành Cổ vừa được giải phóng…

Chị Nguyễn Thị Kim Dung- hướng dẫn viên các đoàn đến tham quan Thành Cổ khi kể về câu chuyện quá khứ đã nghẹn ngào, xúc động cho biết: “Lập nên những chiến công vang dội đó, nơi đây đã thấm đẫm máu của hơn 1 vạn chiến sĩ cả nước cùng với quân dân Quảng Trị. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt trong 81 ngày đêm đánh địch tái chiếm, thị xã Quảng Trị đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Đi giữa một không gian rộng lớn, đầy bóng mát cây, cỏ xanh tươi dưới bầu trời Thành Cổ tháng 7, có ai biết rằng dưới lớp cỏ non tơ ấy đã có bao chiến sĩ đã ngã xuống. Bến sông Thạch Hãn, nơi xuất quân qua tiếp viện cũng bị bom đạn địch tàn phá, cướp đi sinh mạng của biết bao chiến sĩ. Để hôm nay có người cựu chiến binh về thăm, thắp hương cho đồng đội, nghẹn ngào thốt lên: “Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…”(Lê Bá Dương).

Cũng thông qua hướng dẫn viên Nguyễn Thị Kim Dung, được biết, Thành Cổ Quảng Trị và không gian diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm đã trở thành không gian thiêng liêng trong lòng người dân Quảng Trị nói riêng, đồng bào cả nước; là nơi hành hương cho hàng chục vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước hàng năm về đây dâng hương, thả hoa tri ân, tưởng nhớ hơn 1 vạn cán bộ, chiến sĩ và quân dân Quảng Trị đã anh dũng chiến đấu, nằm lại trên mảnh đất này.

Phương Kiếm