Vệ sinh an toàn thực phẩm: Báo cáo nào cũng “tròn”, sao người dân luôn lo lắng?

Thứ bảy, 07/05/2016 11:22

(Cadn.com.vn) - Tại cuộc họp chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, sau khi nghe cơ quan chuyên môn báo cáo kết quả, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đặt vấn đề: Báo cáo nào cũng tròn, cũng yên tâm hết, vậy thì vì sao người dân luôn lo lắng, bất an với mỗi bữa ăn?

Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng củng hỏi thẳng: “Người dân lo sợ thực phẩm bẩn trong khi kết quả kiểm tra có 97% cơ sở dịch vụ ăn uống đủ điều kiện ATTP. Vậy họ đủ điều kiện về giấy tờ hay về chất lượng thực tế?”.

Ông Đặng Ngọc Hùng nói, các cơ sở đạt chuẩn hay không là do cảm quan của đoàn kiểm tra. Ảnh: C.K

Đạt chuẩn hay không cũng theo... cảm quan!

Theo ông Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, thời gian qua, việc giết mổ gia súc, gia cầm, tiêu thụ sản phẩm từ động vật đã có những chuyển biến tích cực, điều kiện ATTP tại các bếp ăn tập thể trong các Cty, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, chế xuất, trường học đã được cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu chế biến thực phẩm. Các nhà hàng, khách sạn đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến nên cơ bản đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP. Đáng chú ý, báo cáo do ông Hồng nêu ra cho thấy tỷ lệ các cơ sở, dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt tới 97,9%. Các cấp quận huyện cũng đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 1.504 (tỷ lệ 96,2%).

Tất cả nhà máy có xả thải phải lắp đặt hệ thống quan trắc độc lập

ĐÀ NẴNG- Tại cuộc làm việc với các cơ quan, ban ngành về chủ đề VSATTP sáng 6-5, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Điểu khẩn trương làm việc với các cơ quan liên quan để tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tại nhà máy xử lý nước thải Hòa Xuân.

Sau khi ông Điểu giải thích là chưa thể triển khai do còn vướng một số thủ tục và phải chờ, ông Thơ kiên quyết là không có chờ nữa, chỗ nào xả thải thì lắp hệ thống quan trắc ngay chỗ đó. Ông Thơ nêu vấn đề, lúc lắp đặt, thiết kế nhà máy xử lý nước thải Hòa Xuân thì chính quyền không giám sát được bằng thiết bị tự động đối với hoạt động xả thải. Giờ phải đặt ngay một thiết bị kiểm tra việc xả thải, giữ chìa khóa lại và tiến hành kiểm tra độc lập. Nếu không giám sát, chỉ cần doanh nghiệp xả thải trộm không xử lý thì một đêm có thể kiếm lợi hàng tỷ đồng.

Về lâu dài, Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo, tại tất cả các nhà máy có xả nước thải phải lắp đặt hệ thống quan trắc độc lập, chỉ những người có thẩm quyền mới có chìa khóa và tiến hành kiểm tra khi nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm. Riêng nhà máy xử lý nước thải Thọ Quang cũng phải lắp thiết bị quan trắc này trước khi đưa vào hoạt động.  

Công Khanh 

Sau khi nghe báo cáo đánh giá về những ưu điểm và tồn tại trong công tác đảm bảo ATTP cũng như sự phối hợp giữa các ngành Y tế, NN&PTNT, Công Thương, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đặt vấn đề: Các ngành báo cáo rất “tròn”, thấy cái nào cũng chuyển biến, cũng yên tâm hết, nhưng vì sao người dân lại luôn lo lắng về chất lượng bữa ăn. Nhắc lại các vụ việc măng tươi, dưa cải có chất Vàng Ô, chế biến mỡ bẩn, chả có phèn chua, bơm nước vào bò để tăng trọng lượng..., ông Thơ cho rằng những con số thống kê là chưa chính xác so với thực tế.

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng truy vấn: “Người dân luôn lo sợ thực phẩm bẩn trong khi số liệu của cơ quan chức năng cho rằng có hơn 97% cơ sở ăn uống đạt chuẩn. Vậy chuẩn ở đây là điều kiện đảm bảo về giấy tờ, hồ sơ hay là đạt chuẩn về thực tế?”. Ông Đặng Ngọc Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP trả lời: “Tiêu chí đạt hay không đạt là do... cảm quan của từng đoàn kiểm tra!” khiến cả hội trường ồ lên. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng, các cơ quan liên quan không nên nặng công việc báo cáo mà nên tăng cường đi kiểm tra thực tế, bắt đầu từ các cơ sở ăn uống rồi truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xử lý căn cơ. “Các sở đã bao giờ múc nước phở, nước bún về thử làm xét nghiệm chưa? Có cán bộ ra chợ mua rau, mua cá về lấy mẫu xét nghiệm làm cơ sở để điều tra, phát hiện, xử lý chưa? Ngộ độc tức thời thì sợ đã đành nhưng ngấm từ từ mới đáng sợ hơn”, ông Thơ nói.

Theo báo cáo của ngành chức năng, từ năm 2011-2015, toàn thành phố xảy ra  13 vụ ngộ độc thực phẩm với 163 người mắc. Trong đó 38,5% số vụ là do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật, 15,4% do thực phẩm có độc tố tự nhiên và 46,1% vụ không xác định được nguyên nhân. Đại diện Chi cục ATVSTP cho hay, ngoài các vụ việc phát hiện chất Vàng Ô trong măng tươi, dưa cải muối, bơm nước vào bò, kinh doanh mỡ bẩn, trong thời gian qua cơ quan chuyên môn cũng đã phát hiện 4 vụ sử dụng hàn the trong chả. Thậm chí có vụ truy xuất ra nguồn gốc bắt đầu từ một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm.

“Phạt như gãi ngứa thì không ăn thua”

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, lâu nay các ngành chỉ mới kiểm tra và xử lý phần ngọn chứ chưa giải quyết được tận gốc để đảm bảo tính triệt để, lâu dài, chưa truy được tận gốc thực phẩm bẩn. Điều quan trọng không phải là phát hiện cơ sở kinh doanh vi phạm ATTP thì xử lý hành chính cơ sở đó rồi thôi, mà từ đây phải lần ra nơi cung cấp thực phẩm, phụ gia... để xử lý thật nặng. “Mình la om sòm lên nhưng không bắt được ông nào. Phải bắt làm sao họ tâm phục khẩu phục, phạt thật nặng và bêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chứ phạt như gãi ngứa thì không ăn thua”, ông Thơ nói.

Với việc yêu cầu các cơ quan chuyên môn mà đặc biệt là ngành Y tế, Công Thương, NN&PTNT cùng vào cuộc một cách đồng bộ để xử lý triệt để thực phẩm bẩn, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu: Việc đầu tiên là các ngành phải lên danh sách các cơ sở sẽ đi kiểm tra nhưng không công bố lịch cụ thể. Thậm chí cứ viết tên các cơ sở đó lên, trước giờ kiểm tra thì bốc thăm, trúng tên cơ sở nào sẽ kiểm tra ở đó, làm nhanh gọn, bất ngờ, không báo trước, như thế mới khách quan.

Ngay tại cuộc họp, Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cũng đã chính thức công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP do Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ làm trưởng ban. Một tổ công tác về ATTP cũng đi vào hoạt động do ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Chánh văn phòng UBND thành phố làm tổ trưởng. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về VSATTP trên địa bàn thành phố, ông Thơ yêu cầu Ban Chỉ đạo, tổ công tác đơn vị, ban ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. “Thực trạng về công tác đảm bảo VSATTP hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay. Chính vì vậy, công tác thanh kiểm tra phải được tăng cường, thường xuyên và liên tục. Có vấn đề vướng mắc hay xảy ra vụ việc, các bộ phận giúp việc báo cáo hàng ngày về thường trực Ban Chỉ đạo để giải quyết nhanh chóng”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo.

Công Khanh