Về với đất Mẹ

Thứ hai, 23/07/2018 14:23

Chiều 21-7, hành trình đưa 10 hài cốt liệt sĩ (HCLS) quê H. Đại Lộc (Quảng Nam) thuộc Trung đoàn 96 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam về đến quê nhà. Đây là 10 trong tổng số 35 HCLS quê các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, TX Điện Bàn được quy tập lần này từ nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) các tỉnh, thành phía Nam và Tây Nguyên. Được biết, năm 2017, Ban liên lạc CCB Trung đoàn 96 Quảng Nam cũng đã phối hợp với các địa phương quy tập 64 HCLS cùng quê...

Năm 2017, CCB Trung đoàn 96 Quảng Nam quy tập 17 HCLS quê Đại Lộc.

Lần giở trích ngang của từng LS quê Đại Lộc, chúng tôi biết ngoài các LS Đoàn Ngọc Sơn (quê xã Đại Thạnh), Lê Bằng (xã Đại Hòa), Trần Em (xã Đại Phong), Trần Sáu (xã Đại Thắng), Nguyễn Thắng Lợi (xã Đại Lãnh), Nguyễn Nhị (xã Đại Quang), Đào Văn Phu (TT Ái Nghĩa) hy sinh năm 1978, thì các LS Trần Bảy (xã Đại Thắng), Doãn Thanh Việt, Lê Văn Báng (cùng quê xã Đại phong) hy sinh sau ngày thủ đô Phnom Penh giải phóng (7-1-1979). Tuy không tường tận được mặt trận các anh chiến đấu, hy sinh nhưng với tư cách là đồng đội, chúng tôi cũng hiểu được phần nào sự gian khổ của các anh. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi tưởng rằng chiến tranh chỉ còn lại trong ký ức và chỉ còn tồn tại trong tâm thức của những người lính năm xưa. Song lúc đó, cũng giống như Trường Sơn đại ngàn trước kia, lá đỏ các khu rừng khộp trút xuống rực màu lửa, hòa lẫn những sắc xanh của đoàn quân tình nguyện hối hả xung trận, giành giật sự sống cho người dân xứ sở Chùa Tháp. Thoát khỏi nạn diệt chủng, đất nước Campuchia từng bước hồi sinh, nhưng bọn tàn quân Pôn Pốt vẫn lẩn khuất hoạt động phá hoại. Những người lính tình nguyện phải thường xuyên sống dưới những căn hầm ẩm thấp, nằm sâu trong các khu rừng già vừa giúp nhân dân bạn làm lại nhà cửa, ổn định đời sống; vừa bảo vệ cho người dân tăng gia, sản xuất. Những trận đánh nhỏ lẻ với đám tàn quân vẫn tiếp tục xảy ra... Có lẽ, cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc của các anh và chúng tôi chưa ác liệt, khắc nghiệt như thế hệ cha anh đi trước nhưng cũng có rất nhiều người không trở về. Và, biết bao người cha, người mẹ tuổi xế chiều đã không đợi được đến ngày đón hài cốt con mình để thắp nén hương trước khi về với cõi vĩnh hằng.

Có mặt trong đợt quy tập HCLS ở các tỉnh, thành phía Nam lần này, ông Phạm Đăng Tiến (quê H. Duy Xuyên) - Phó Ban liên lạc CCB Trung đoàn 96 cho biết: "Vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, các anh đã rời xa gia đình, người thân hơn 40 năm. Trong khi, chúng tôi đã được trở về gia đình đoàn tụ thì các anh vẫn còn nằm lại nơi đây, chúng tôi và bà con quê nhà nhớ các anh lắm. Đất nước hòa bình thống nhất từ lâu, nhưng nhiều gia đình còn khó khăn, lại xa xôi cách trở nên mãi đến bây giờ mới có điều kiện cùng chúng tôi vào đón các anh về"... Và, các CCB Trung đoàn 96 Quảng Nam hôm nay đang thực hiện hành trình "Nghĩa tình đồng đội", quyết tâm huy động nguồn lực xã hội để tìm kiếm và đưa bằng được hài cốt của đồng đội trở về. Hành trình ấy sẽ được tiếp nối nhằm tri ân những người đã ngã xuống cho quê hương, đất nước.

Anh Lương Thanh Lạc (trú thôn Tam Mỹ, xã Đại Phong) - cháu gọi LS Trần Em bằng cậu ruột cho biết, kể từ ngày nhận tin cậu Em hy sinh, người thân cứ đau đáu ước nguyện sớm đưa được hài cốt cậu trở về. Tháng 6 vừa rồi, nhờ sự giúp đỡ của các CCB Trung đoàn 96, gia đình mới hay hài cốt cậu Em đã được quy tập về NTLS thị xã An Khê (Gia Lai) trong sự chăm sóc, chở che của cán bộ, nhân dân địa phương. Anh Lạc nghẹn ngào: "Giờ gia đình tôi rất thanh thản, không niềm vui nào bằng, bởi ước nguyện đưa hài cốt cậu mình về quê đã trở thành hiện thực"... Những người lính tình nguyện ở tuổi mười tám  đôi mươi năm xưa đã tạm biệt quê hương, gia đình lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc, nhiều người trong các anh chưa kịp có mái ấm hạnh phúc riêng tư, chưa kịp có mối tình đầu. Lúc ra đi, các anh xác định cái chết nhẹ như "lông hồng" và  hương hồn cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn vì từ nay, các anh đã thật sự được trở về với đất Mẹ.

VY HẬU