Về với Nam Trà My
“Nghĩa tình Nam Trà My", chương trình thiện nguyện mang ý nghĩa cao đẹp được lãnh đạo Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (CTĐ và CTCT), CATP Đà Nẵng lên ý tưởng và chuẩn bị ngay trong những ngày giông bão Covid-19. Chuyến đi để đáp nghĩa nhân dân Nam Trà My bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng, vượt qua đoạn đường hơn 150km đường đèo dốc, những chiếc xe ì ạch leo qua những đoạn đường quanh co, hiểm trở của núi rừng, mang theo hơn 3 tấn hàng hóa và tình cảm nồng nàn của người miền xuôi gửi cho miền ngược nghĩa tình.
Niềm vui của các em nhỏ Nam Trà My. |
Đến điểm Trường Tiểu học bán trú Trà Tập khi mặt trời đã đứng bóng, hơn 260 em học sinh đang xếp hàng chuẩn bị ngồi vào bàn ăn cơm trưa. Thấy đoàn lên, các em hào hứng reo lên, nhiều em chạy đến ôm vai các cô chú Công an như người quen lâu ngày. Đại tá Lê Văn Sinh- Trưởng phòng CTĐ và CTCT chia sẻ, thời điểm gần 2 tháng qua, Đà Nẵng căng mình chống dịch. Trước tình hình đó, chính quyền Nam Trà My đã phát động chương trình "Hướng về đồng bằng- Chia sẻ yêu thương" và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, các dân tộc anh em ở Nam Trà My. Hình ảnh nhân dân mang từng bó rau rừng, búp măng, búp chuối, quả bí, trái cà để gửi về miền xuôi đã khiến nhiều người xúc động. "Cảm kích trước hành động đó, chúng tôi phát động trong cán bộ chiến sĩ ngay sau dịch chúng ta phải làm việc gì đó để cảm ơn và trả nghĩa cho đồng bào Nam Trà My. Trong hơn 1 tháng kêu gọi, rất nhiều mạnh thường quân đã liên hệ để cùng đồng hành với chương trình", Đại tá Lê Văn Sinh cho biết.
Là người xây dựng ý tưởng cho chuyến đi, Đại tá Sinh cũng cho biết thêm, trong chiến tranh đồng bào các dân tộc Nam Trà My đã chở che cho cách mạng, cho lực lượng Công an Quảng Nam- Đà Nẵng. Trong đợt dịch này, một lần nữa có những nghĩa cử cao đẹp đối với nhân dân Đà Nẵng. Người dân Đà Nẵng sẽ không bao giờ quên hình ảnh cậu bé 8 tuổi Hồ Văn Khiết với đôi chân trần, vác theo búp măng để ủng hộ cho nhân dân Đà Nẵng.
Đợt này, đoàn thiện nguyện đã vận động được số hàng hóa là các nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập cho các em học sinh với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Trong 2 ngày, đoàn đã tổ chức trao quà trung thu cho hơn 460 em học sinh tại trường Tiểu học bán trú Trà Lập, trao 30 suất học bổng tiếp sức đến trường cho học sinh có kết quả học tập tốt hỗ trợ bếp ăn nhà trường 1 tấn gạo, bếp gas, nồi cơm điện... Cũng tại xã Trà Tập, đoàn đã tặng quà cho 160 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Lưu Thị Nghĩa- Phó Hiệu trưởng vui mừng và cảm ơn tấm lòng của các mạnh thường quân ở TP Đà Nẵng đã không quản ngại đường sá xa xôi để đến tận nơi giúp đỡ. Cô cho biết, trường có hơn 460 em học sinh tại 11 điểm trường.Trong đó có hơn 260 em học bán trú. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên điều kiện học tập của các em đã được cải thiện rất nhiều. Nói về chương trình "Hướng về đồng bằng- Chia sẻ yêu thương", cô Nghĩa miêu tả đó như một ngày hội, người dân, các em học sinh ai cũng phấn khởi hưởng ứng để ủng hộ xuống miền xuôi.
Ai cũng vui mừng khi gặp lại cậu bé Hồ Văn Khiết. |
Ông Hồ Văn Lâm- Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam xã Trà Tập nói, những món quà giản dị nhưng ý nghĩa tinh thần rất lớn, mong muốn chia sẻ, giúp đỡ cho bà con ở Đà Nẵng vượt qua đại dịch. Ông cũng cảm thấy rất vui mừng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và cảm động hơn khi hay tin nhiều đoàn thiện nguyện đã liên hệ lại với địa phương để giúp đỡ, hỗ trợ tiếp sức học sinh đến trường.
Xuyên suốt chương trình, đoàn cũng đã trực tiếp đến 2 điểm nóc Tu Gia, Mô Rỗi để tặng quà cho 65 em học sinh tại đây và tổ chức chương trình Trung thu tại trường mầm non Phong Lan, H. Nam Trà My. Cô giáo Lê Thị Hòe điểm nóc Tu Gia cùng 30 học sinh rất cảm ơn tình cảm của các CBCS CATP Đà Nẵng. "Sắp đến ngày trung thu, giúp các em đến trường được ấm áp và đầy đủ hơn", cô Hòe xúc động.
Diễn ra trong 2 ngày, "Nghĩa tình Nam Trà My" khép lại bằng những nụ cười của các em nhỏ. Tiếng trống múa lân rộn vang một khoảng trời cùng ánh mắt long lanh của các em học sinh khi chào tạm biệt đoàn. Cảm ơn đồng bào Nam Trà My đã chia ngọt sẻ bùi với người dân Đà Nẵng trong lúc khó khăn. Hình ảnh em Hồ Văn Khiết và những bà mẹ gùi bó rau, quả chuối sẽ còn in đậm mãi trong trái tim mỗi người. Hy vọng, sẽ có nhiều chuyến thiện nguyện, những chuyến xe yêu thương nữa để khoảng cách của hai miền xuôi ngược không còn xa.
MAI VINH