Vén màn hoạt động gián điệp tại Bắc Cực

Thứ ba, 17/06/2014 07:20

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 3, một chiếc tàu bí ẩn có kích thước bằng chiếc phà chở khách lớn rời bến ở Romania, lướt qua eo biển hẹp Bosporus ngăn cách Châu Âu và Châu Á, mang theo nhiều toan tính hướng đến Scandinavia.

Khoảng một tháng sau, Cơ quan tình báo quân sự Na Uy tiết lộ danh tính con tàu. Đó là con tàu gián điệp trị giá 250 triệu USD, mang tên Marjata, được trang bị các cảm biến và các công nghệ khác nhằm theo dõi các hoạt động của Nga tại Bắc Cực vào năm 2016. Rõ ràng, ngay trong lòng Bắc Cực xa xôi, các hoạt động gián điệp vẫn nóng hơn bao giờ hết.

Vị thế của Bắc Cực

Các quốc gia Bắc Cực đang tìm kiếm bí mật trong cuộc đua gián điệp giữa phương Đông và phương Tây. Việc tìm kiếm này có vai trò quan trọng đối với quân sự, song hiện nay, khía cạnh kinh tế cũng chịu ảnh hưởng, khi mà các nước muốn có một chân trong cuộc cạnh tranh tìm nguồn tài nguyên dầu và khí đốt tiềm năng, cùng với các tuyến đường hàng hải mới có thể tiếp cận các vùng đánh bắt thủy sản.

Ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hợp tác giữa Nga và phương Tây trong các cuộc tập trận quân sự chung ở Bắc Cực bị ngừng lại. Canada cũng không tham dự cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm môi trường Bắc Cực tại Moscow hồi tháng 4, bởi các quốc gia phương Tây trong khu vực cáo buộc Nga và Trung phát động cuộc tấn công mạng và các hoạt động gián điệp khác.

Một năm trước, tại Canada, một sĩ quan hải quân bị kết án 20 năm tù vì làm gián điệp cho Nga. Vào tháng 12-2013, cảnh sát bắt giữ một nhân viên của Lloyds Register có trụ sở tại Toronto với cáo buộc cung cấp thông tin nhạy cảm về các kế hoạch chế tạo tàu tuần tra Bắc Cực của Canada cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này.

Bắc Cực - bao quanh bởi Mỹ, Canada, các nước Bắc Âu và Nga - là khu vực luôn có các tàu ngầm của Liên Xô và NATO do thám trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sau một thời gian tạm lắng sau sự sụp đổ của Bức Màn Sắt, Bắc Cực đang lấy lại tầm quan trọng chiến lược bởi sự nóng lên của khí hậu khiến khu vực này dễ tiếp cận hơn.

Một tàu của Na Uy đi qua eo biển Bosporus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Mỹ tụt lại, Nga tiến lên

Nhiều người cho rằng, Mỹ đang tụt lại phía sau trong cuộc đua ở Bắc Cực. Một báo cáo biến đổi khí hậu gần đây của nhóm các tướng lĩnh về hưu cho thấy, mặc dù có nhiều kế hoạch, Washington hạn chế khả năng hoạt động ở Bắc Cực. Cảnh sát biển Mỹ chỉ có một tàu phá băng và Hải quân chỉ có vài tàu chống băng có thể hoạt động ở Bắc Cực.

Trong khi đó, hồi tháng 4, Nga đã khai thác mỏ dầu đầu tiên trong vùng biển Pechora, bước đột phá mà Tổng thống Vladimir Putin mô tả là “bước đi đầu tiên của chúng tôi trong việc phát triển thềm biển Bắc Cực”. Moscow khẳng định quyền kiểm soát Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) với việc triển khai hải quân và mở lại một căn cứ quân sự trên quần đảo New Siberia.

Tuy nhiên, Moscow bị cáo buộc sử dụng nhiều phương tiện để thu thập các kế hoạch bí mật tại Bắc Cực và các hoạt động của “đối tác” phương Tây. Tại Đan Mạch, 2 năm trước đây, giáo sư khoa học chính trị Timo Kivimaki phải chịu hơn 2 tháng quản thúc tại gia vì phạm luật hoạt động gián điệp của Đan Mạch.

Ông bị bắt trên đường đến một cuộc họp với một nhà ngoại giao Nga, mang theo một chiếc cặp chứa các tài liệu công khai mà các chuyên gia Đan Mạch nghiên cứu chính sách ở Bắc Cực. Tuy nhiên, ông Kivimaki nói rằng, ông muốn thúc đẩy quan hệ hòa bình giữa các bên liên quan ở Bắc Cực và bác bỏ cáo buộc làm gián điệp. Cơ quan tình báo nội địa Đan Mạch (PET) từ chối bình luận về vụ việc.

Tại Na Uy, các tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden công bố khiến nước này cởi mở hơn về các hoạt động gián điệp. Một tài liệu NSA, ghi ngày 17-4-2013 cho biết, Cơ quan Tình báo Na Uy giúp NSA tiếp cận “mục tiêu của Moscow tại bán đảo Kola” - nhà của Hạm đội Biển Bắc của Nga - cũng như các báo cáo về chính sách năng lượng của Nga.

Grandhagen, giám đốc Cơ quan Tình báo Na Uy, từ chối bình luận nhưng cho biết chẳng có gì bí mật khi Na Uy đang hợp tác tình báo với Mỹ. Ông Grandhagen nói cũng cho rằng, Nga có bộ máy tình báo hiện đại có thể giám sát hoạt động của chúng tôi.

Bộ Ngoại giao Nga và Cơ quan tình báo nước ngoài (SVR) từ chối bình luận về vấn đề trên.

An Bình
(Theo AP)