Vẹn nghĩa tình đồng đội

Thứ ba, 03/12/2019 18:00

Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, những người lính C2 - Khu II Hòa Vang (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) với tất cả nhiệt huyết tuổi thanh xuân ngày nào, giờ cũng đã lên chức "ông, bà". Thế nhưng, tình cảm đồng đội trong họ vẫn còn nguyên vẹn như xưa.

Cựu binh C2 tưởng niệm các đồng đội tại Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm.

Mỗi người lính, khi ở trong mưa bom bão đạn sẽ cảm thấy cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến đánh quân thù, còn khi trở lại với cuộc sống đời thường, nghĩa tình đồng đội là điều cháy bỏng nhất trong mỗi trái tim họ. Đó là một thứ tình cảm cao cả không thể nói hết bằng lời", ông Lê Phú Tháo (trú xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) - nguyên Chính trị viên trưởng C2 khẳng định.

Đầu năm 2019, tại lễ tưởng niệm và tri ân các liệt sĩ Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm hy sinh trong Chiến dịch "Cắm cờ giữ đất" thi hành Hiệp định Paris ngày 28-1-1973, các cựu binh C2 đã vỡ òa trong cảm xúc dạt dào. Những giọt nước mắt cứ giàn giụa trên các gò má già nua, teo tóp... Trong giây phút thiêng đó, nhiều cựu binh ngậm ngùi chia sẻ: "Nằm lại chiến trường khi tuổi xuân còn phơi phới, các chị Nguyễn Thị Xuân Mai (quê xã Điện Tiến, TX Điện Bàn, Quảng Nam), Hồ Thị Hồng Vân (quê xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang), Ông Thị Minh Nguyệt (quê xã Hòa Châu, H. Hòa Vang) đã trở thành những đóa hoa "bất tử", mãi mãi ghi danh vào lịch sử của quê hương anh hùng. Để ghi công các chị và giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, lãnh đạo H. Hòa Vang đã chọn nơi các chị hy sinh để xây dựng Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm với kinh phí hơn 600 triệu đồng"... Theo ông Trần Chiến Chinh (trú P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) - nguyên Đại đội trưởng C2, những chiến sĩ nữ trong đơn vị còn sống sau chiến tranh phần lớn bị thương tật, đau ốm triền miên, hoàn cảnh rất khó khăn, như trường hợp chị Đặng Thị Lan (trú xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ và phải chuyển ra Bắc điều trị. Hiện chị Lan là thương binh hạng 3/4, bệnh binh đặc biệt và không thể có cho riêng mình một gia đình hạnh phúc. Song, chị vẫn cố gắng vượt qua để luôn tự hào về một thời cầm súng và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.

Bàn giao ngôi nhà đồng đội cho cựu binh Đinh Văn Ép.

Chiến tranh kết thúc, hầu hết những người lính C2 trở về với đời thường, nhưng trong tâm khảm của họ đều muốn vẹn toàn nghĩa tình đồng đội. Ai cũng mong tìm nhau để "sống thì thăm, chết thì viếng". Nhiều người trong số họ đã đi gần tới chặng cuối cuộc đời. Trăm mảnh đời, trăm nẻo sống với bộn bề những lo toan. Bên cạnh đó, việc tìm hài cốt đồng đội, động viên giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật cũng là việc làm thường xuyên, thắm đượm nghĩa tình của họ. Câu chuyện về cựu chiến binh người dân tộc H're Đinh Văn Ép (trú xã Ba Vinh, H. Ba Tơ, Quảng Ngãi) là một điển hình. Năm 1971, sau khi rời khỏi trại giam ở Đà Nẵng, ông Ép không trở về quê mà liên lạc với cơ sở cách mạng, gia nhập C2. Năm 1973, trong một lần được cử đi trinh sát vùng xuôi để chuẩn bị cắm cờ giữ đất, ông bị địch bắn trọng thương, 3 ngày sau mới về đến căn cứ. Ngày đất nước thống nhất, theo chủ trương chung, đơn vị giải thể, mỗi người đi mỗi ngả trong điều kiện còn thiếu thông tin liên lạc. Mãi đến nhiều năm sau, khi Ban liên lạc truyền thống C2 thành lập, nhiều cựu binh ấp ủ tâm nguyện tìm về quê đồng đội Ép. Ngày 1-3-2014, đông đảo đồng bào H're và chính quyền địa phương chứng kiến lễ bàn giao ngôi nhà đồng đội cho ông Ép; trong đó nhóm cựu binh C2 đóng góp, hỗ trợ 80 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, ngày 7-8-2015, sau nhiều năm tìm kiếm, các cựu binh C2 cũng đã phát hiện và đưa hài cốt đồng đội Lê Hữu Dũng về quê trong nỗi khắc khoải, chờ mong của gia đình...

Ai đó đã nói rằng "giữa dòng chảy vô tận của thời gian chỉ có tình người luôn là bờ bến". Đúng chỉ có tình người luôn đọng mãi cho dù cuộc sống có đổi thay. Con người sống với nhau vẫn cần sự thủy chung, vẹn nghĩa, vẹn tình; nhất là đối với những người trong gian khó đã trọn tình, trọn nghĩa với quê hương, đất nước. Không biết bao lần nhìn mái tóc pha sương của các cựu binh trong hành trình "Thăm lại chiến trường xưa", lòng chúng tôi lại trào dâng niềm tự hào về lớp lớp cha anh đã có một thời hoa lửa để độc lập tự do được kết trái trên Tổ quốc thân yêu, là những bài học về tình yêu, sự hy sinh cho đất nước, là những tấm gương không chịu phai mờ dù trong mưa bom, lửa đạn hay trong cuộc sống xây dựng, phát triển đất nước hôm nay.

VY HẬU