Venezuela chưa thoát khủng hoảng chính trị
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela đang trở thành tâm điểm đáng lo ngại của các nước Châu Mỹ Latinh, nhất là Mỹ - cường quốc số 1 trong khu vực.
An ninh được thắt chặt ở trung tâm thủ đô Caracas hôm 5-8, thời điểm Tổng Chưởng lý Luisa Ortega bị phế truất. Ảnh: AFP |
Việc Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) quyết định đình chỉ vô thời hạn tư cách thành viên của Venezuela đã làm gia tăng thêm áp lực lên chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.
Ngoại trưởng các nước Argentine, Paraguay, Uruguay và Brazil ra tuyên bố quyết định tại Sao Paulo, kêu gọi ông Maduro ngay lập tức bắt đầu quá trình chuyển đổi chính trị, dỡ bỏ Quốc hội lập hiến (ACN) vừa được thành lập. Chính phủ Venezuela bác bỏ quyết định này. Mercosur không có điều khoản khai trừ thành viên. Hồi tháng 12-2016, Mercosur đình chỉ tạm thời tư cách thành viên của Venezuela vì không tuân thủ các quy định của khối này.
Vụ “tấn công khủng bố” tại Valencia đã được kiểm soát Ngày 6-8, Phó Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền Diosdado Cabello cho biết, “một tình hình bất thường” mà ông có đủ bằng chứng để gọi là “cuộc tấn công khủng bố” tại thành phố Valencia đã được kiểm soát. Trước đó, một đoạn băng được đăng tải cho thấy nhóm đàn ông mặc quân phục nói rằng đang tiến hành cuộc nổi dậy tại Valencia nhằm chống lại Tổng thống Nicolas Maduro. Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy nhiều tiếng súng trong suốt đêm 5-8. |
Tranh cãi quanh quyết định phế truất Tổng chưởng lý
Khi lệnh đình chỉ được thông báo, Quốc hội lập hiến vừa thành lập của Venezuela đã phế truất Tổng Chưởng lý Luisa Ortega và thay thế bằng ông Tarek William Saab, một thanh tra viên. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Venezuela bao vây văn phòng của bà Ortega, người từng trung thành nhưng sau đó bất ngờ chống đối Tổng thống Maduro.
Tuy nhiên, trong thông cáo đưa ra sau đó, bà Ortega tố cáo các giới chức nước này vượt quyền trong việc phế truất bà. Bà cáo buộc tại Venezuela đang diễn ra một cuộc đảo chính Hiến pháp. Ông Julio Borges, Chủ tịch Quốc hội, hiện do phe đối lập chiếm đa số, khẳng định cơ quan duy nhất có quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm Tổng chưởng lý đó là Quốc hội. Tuy nhiên, phe chính phủ Venezuela khẳng định bà Ortega đồng lõa với những hành vi bạo loạn, gây bất ổn tình hình đất nước hơn 4 tháng qua làm hơn 120 người thiệt mạng.
Venezuela bầu Quốc hội lập hiến hôm 30-7. Theo thống kê của Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela, số cử tri đi bầu Quốc hội lập hiến lên đến hơn 8 triệu người, tương đương 41,5%. Tuy nhiên, phe đối lập lại phản đối Quốc hội lập hiến này. Phe này cáo buộc chính phủ vi phạm quy tắc tam quyền phân lập và kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục các cuộc biểu tình trên đường phố phản đối cơ quan hành pháp này.
Mỹ bận tâm với Venezuela, vì sao?
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela đang trở thành điểm chú trọng của các nước Châu Mỹ Latinh, nhất là Mỹ - cường quốc số 1 trong khu vực. Có nhiều lý do để giải thích cho việc vì sao Washington bận tâm đến cuộc khủng hoảng lần này ở Venezuela.
Thứ nhất nếu không giải quyết, cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp. Lạm phát và giá lương thực tăng cao khiến đời sống khó khăn. Tỷ lệ người Venezuela bị suy dinh dưỡng đang tăng lên nhanh chóng. Tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, giá cả tăng vọt, bất ổn chính trị buộc hàng chục ngàn người Venezuela ra đi. Thứ hai, nó có thể làm tăng tư tưởng chống Mỹ trong khu vực. Những người Mỹ Latinh nhạy cảm với chính sách “đế quốc” đến từ Washington, khiến các nhà lãnh đạo các nước luôn đặt niềm tin vào Venezuela hơn Mỹ. Và cuối cùng, sự xáo trộn ở Venezuela khiến người Mỹ phải suy nghĩ đến vấn đề nhạy cảm: dầu mỏ. “Mỹ là khách hàng mua dầu mỏ chính của Venezuela, vì vậy có một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa cả hai chính phủ về vấn đề này”, CNN dẫn lời một chuyên gia cho biết.
Đã có nhiều giả thuyết đưa ra trong khả năng phản ứng của Mỹ đối với vấn đề này, nhất là khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela. Tuy nhiên, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ McMaster đã loại trừ khả năng này. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình MSNBC, ông McMaster khẳng định không thấy bất cứ khả năng nào về việc các nước can thiệp quân sự vào Venezuela. Mỹ cũng có thể trừng phạt kinh tế Venezuela nhưng rồi động thái này sẽ làm tổn thương cả hai.
KHẢ ANH