Venezuela giữa tâm bão

Thứ sáu, 03/05/2019 08:01

Venezuela đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn chưa từng có, với những lời kêu gọi biểu tình, đảo chính từ phe đối lập cùng với những áp lực từ bên ngoài, nhất là từ Mỹ.

Cho đến cuối ngày 1-5 (giờ địa phương), hàng ngàn người biểu tình xuống đường theo lời kêu gọi của thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido. Tuy nhiên, lực lượng quân đội phớt lờ kêu gọi của vị tổng thống tự xưng này về một cuộc đảo chính lan rộng, và thay vào đó là giải tán đám đông bằng hơi cay.

Tổng thống Maduro phát biểu trước người dân hôm 1-5. Ảnh: Reuters

Cuba khẳng định không có quân đội ở Venezuela

Ngày 1-5, Bộ Ngoại giao Cuba tiếp tục khẳng định nước này tuyệt đối không có quân đội hay lực lượng an ninh tại Venezuela như lời “bịa đặt” của Mỹ; và La Havana cũng không tham gia vào bất kỳ hoạt động quân sự nào tại quốc gia Nam Mỹ này.

Tại buổi họp báo diễn ra cùng ngày, Thứ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ của bộ này Johana Tablada lập luận, Cuba không thể rút quân khỏi Venezuela bởi không có quân đội Cuba tại Venezuela. Bà Tablada nhấn mạnh, hiện tại ở Venezuela có hơn 20.000 chuyên gia Cuba, chủ yếu là phụ nữ và làm việc trong lĩnh vực y tế theo các thỏa thuận giữa hai nước.

Lại xảy ra đụng độ biểu tình

Hàng ngàn người hô vang ủng hộ ông Guaido ở Caracas khi ông xắn tay áo và kêu gọi người dân Venezuela duy trì lực lượng và chuẩn bị cho một cuộc tổng đình công, một ngày sau nỗ lực táo bạo châm ngòi cho một cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Các cuộc đụng độ lại nổ ra một lần nữa giữa những người biểu tình và lực lượng quân đội trung thành với ông Maduro, động thái cho thấy bế tắc còn kéo dài.

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ tham gia cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế Lao động (1-5) ở Caracas, Tổng thống Maduro kêu gọi người dân nước này xuống đường đề phòng một âm mưu mới lật đổ chính quyền của ông, giữa lúc bạo loạn gia tăng tại quốc gia Nam Mỹ này. Nhà lãnh đạo này cáo buộc “phe đối lập muốn dẫn chúng ta vào một cuộc nội chiến”. “Tôi tự hỏi - liệu điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta điều xe tăng, xe bọc thép và lực lượng đặc nhiệm mà chúng ta có? Sẽ xảy ra cuộc tàn sát giữa những người Venezuela, và phía Mỹ sẽ ăn mừng và ra lệnh triển khai một cuộc can thiệp quân sự nhằm chiếm đóng vùng đất Bolivar”, ông Maduro nhấn mạnh.

Tổng thống Maduro cũng cam kết trong thời gian sắp tới, ông sẽ đưa ra bằng chứng về sự can dự của một số cá nhân trong âm mưu đảo chính hôm 30-4. Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Venezuela cho biết ông đã đọc một bài báo của truyền thông châu Âu cho rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton dẫn đầu hành động đảo chính vừa qua và liên hệ với chính quyền của một số quốc gia Mỹ Latinh khác về vấn đề này.

Phép thử chính sách đối ngoại của ông Trump

Những cáo buộc nhắm thẳng vào Mỹ của Tổng thống Maduro cho thấy, cuộc khủng hoảng ở Venezuela là phép thử quan trọng về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Thực tế, ông Guaido, được hỗ trợ bởi sự ủng hộ của Mỹ, gây áp lực cho quân đội nước này lật đổ Tổng thống Maduro và kêu gọi các cuộc biểu tình rầm rộ để buộc ông phải ra đi. Trong động thái can thiệp chính trị và ngoại giao lớn nhất vào Mỹ Latinh trong nhiều năm, Washington công bố các biện pháp trừng phạt chống lại Venezuela, bao gồm nhiều vòng trừng phạt đối với lãnh đạo, ngành dầu mỏ và ngân hàng. Nhưng với thực tế các cuộc biểu tình dường như giảm dần, trong khi quân đội vẫn trung thành với Tổng thống Maduro, rõ ràng ông Trump có thể phải chịu một thất bại nếu nỗ lực mới nhất của ông Guaido không thể kích hoạt cuộc nổi dậy rộng lớn hơn chống lại ông Maduro.

Các quan chức Mỹ dường như quá lạc quan về việc nhanh chóng châm ngòi cho một cuộc nổi dậy quân sự chống lại ông Maduro sau khi Washington công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời vào tháng 1. Nhưng ông Maduro vẫn có được lòng trung thành của hầu hết các sĩ quan quân đội.

Mỹ đã làm gì?

Theo các nguồn tin, Washington chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kịch bản tại Venezuela. Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 1-5 thậm chí dọa có hành động quân sự ở Venezuela. “Hành động quân sự là khả thi. Nếu đó là điều cần thiết, thì đó là điều Mỹ sẽ làm”, ông nhấn mạnh.

Và trong động thái mới nhất, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết, Washington đã “lập kế hoạch toàn diện” về Venezuela và có kế hoạch dự phòng cho các kịch bản khác nhau, đồng thời nhấn trọng tâm của kế hoạch là gây sức ép ngoại giao và kinh tế. Ông Shanahan nêu rõ: “Chúng tôi đang làm việc này với thay mặt cho toàn Chính phủ và khi nào mọi người nói có tất cả các phương án trên bàn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ gây sức ép về ngoại giao và kinh tế hơn nữa đối với Chính quyền Maduro”. Ông Shanahan nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ “đã lên kế hoạch toàn diện” để không bị bất ngờ trước mọi kịch bản và tình huống nào.

Thực tế, chính quyền ông Trump đã dựa nhiều vào các biện pháp trừng phạt để đưa ra chính sách chống Tổng thống Maduro. Các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích bóp nghẹt dòng tiền cho chính phủ của ông - và nhiều biện pháp khác đang đến, các quan chức Mỹ cảnh báo. Trong khi một số bước khó khăn nhất đã được thực hiện, chính quyền Mỹ có thể liệt kê thêm các ngân hàng, Cty và cá nhân của Venezuela vào danh sách đen - mặc dù không rõ liệu điều này sẽ có tác động đáng kể hay không. Washington cũng có thể hành động chống lại các đối tác nước ngoài còn lại của Cty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVS. Các mục tiêu tiềm năng là Cty dầu mỏ Tây Ban Nha Repsol, Cty dầu mỏ lớn của Nga Rosneft và Reliance Industries của Ấn Độ. Tuy nhiên, những động thái như vậy sẽ chọc giận chính phủ các nước.

KHẢ ANH