Venezuela trục xuất Đại sứ EU

Thứ sáu, 26/02/2021 17:40

Đáp trả việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 19 quan chức nước này, ngày 24-2, Chính phủ Venezuela tuyên bố Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Caracas Isabel Brilhante Pedrosa là nhân vật không được hoan nghênh, theo đó yêu cầu bà Brilhante rời khỏi nước này trong vòng 72 giờ.

Đại sứ EU, bà Isabel Brilhante Pedrosa bắt tay với Tổng thống Nicolas Maduro lúc nhậm chức hồi năm 2018. Ảnh: Record Europa

Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza đưa ra thông báo trên sau cuộc gặp với bà Brilhante tại trụ sở Bộ Ngoại giao Venezuela. “Dựa theo quyết định của Tổng thống Nicolas Maduro, chúng tôi đã trao cho bà Isabel Brilhante, người là trưởng phái đoàn của Liên minh châu Âu tại Venezuela trong những năm gần đây, một tuyên bố rằng: bà là nhân vật không được hoan nghênh, dựa theo Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao. Bà có 72 giờ đồng hồ để rời khỏi lãnh thổ Venezuela”.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Venezuela cũng đã gửi công hàm phản đối tới phái đoàn ngoại giao của Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Đức tại Caracas – 4 quốc gia đi đầu trong việc áp đạt lệnh trừng phạt mới. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Venezuela đã trao cho đại diện ngoại giao các nước châu Âu một bản sao Hiến pháp của nước này và Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời khẳng định, những hành động trừng phạt mới nhất của EU là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Venezuela.

Theo Ngoại trưởng Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro đã “rất hào phóng” khi cho phép những người đứng đầu một số phái bộ ở lại Venezuela thời gian qua, ngay cả khi họ không còn công nhận ông là Tổng thống từ năm 2019. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của EU ngày 22-2 vừa qua nhằm vào 19 quan chức Venezuela là “không thể chấp nhận được”.

Tối hậu thư của Tổng thống Maduro

Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi EU quyết định trừng phạt thêm 19 quan chức Venezuela, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nhấn mạnh, nước này sẽ không bao giờ tham gia các thỏa thuận hoặc đối thoại với EU trừ khi khối này thay đổi chính sách trừng phạt nhằm vào Caracas. "Chúng tôi không muốn làm điều này, vì chúng tôi muốn có quan hệ tốt hơn với toàn thể châu Âu, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận việc ai đó tấn công Venezuela, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Venezuela", Tổng thống Maduro tuyên bố.

Ông Maduro cho biết, chính phủ Venezuela đang tìm kiếm đối thoại và đã thực hiện những bước đi quan trọng để khôi phục đối thoại với phe đối lập, song khẳng định sẽ không để bị EU gây sức ép. "Hoặc các vị điều chỉnh lại việc trừng phạt Venezuela hoặc sẽ không bao giờ có bất kỳ thỏa thuận nào, bất kỳ hình thức đối thoại nào, để các vị thấy rằng, Venezuela biết cách đối phó với các mối đe dọa, bất kể chúng đến từ đâu", nhà lãnh đạo Venezuela nói. Tổng thống Maduro cũng hoan nghênh các nhà lãnh đạo EU đến Venezuela, song nhấn mạnh, họ nên đến với sự tôn trọng Caracas và nền dân chủ.

Quyết định trên của Venezuela được đưa ra 2 ngày sau khi các ngoại trưởng EU nhất trí áp đặt trừng phạt đối với 19 quan chức cấp cao của quốc gia Nam Mỹ này, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, lãnh đạo một số đơn vị quân đội và các nghị sĩ với cáo buộc "phá hoại nền dân chủ" và vi phạm nhân quyền. Động thái này nâng tổng số thành viên trong chính quyền Tổng thống Maduro bị khối này phong tỏa tài sản và cấm đi lại lên 55 người.

Quốc hội Venezuela ngày 23-2 đã bác bỏ các các lệnh trừng phạt trên của EU, đồng thời đề nghị xem xét lại thỏa thuận về sự hiện diện ngoại giao của EU tại Caracas. Bộ Ngoại giao Venezuela cũng ra tuyên bố bác bỏ quyết định trên của EU, cho rằng đây là hành động "can thiệp", tác động tiêu cực tới tiến trình đối thoại quốc gia đang được triển khai tại nước này từ sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi cuối năm ngoái. Chính phủ Venezuela kêu gọi EU chấm dứt "những hành động can thiệp một cách có hệ thống" để từ đó có thể thiết lập mối quan hệ mới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau giữa hai bên.

Châu Âu lấy làm tiếc

Phản ứng trước động thái đáp trả từ quốc gia Nam Mỹ, hai nhà ngoại giao EU ngay lập tức khẳng định, khối này không hoan nghênh hành động trục xuất Đại sứ, song cũng sẽ không vì thế mà thay đổi các nỗ lực nhằm dàn xếp một lộ trình hướng tới cuộc bầu cử tổng thống mới “công bằng và dân chủ” tại Venezuela. Theo EU, quyết định của Venezuela trục xuất Đại sứ Isabel Brilhante sẽ càng khiến cho quốc gia Nam Mỹ bị cô lập.

Người phát ngôn của Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Nabila Massrali khẳng định, EU vô cùng lấy làm tiếc và kêu gọi Venezuela đảo ngược quyết định của mình. Theo bà Massrali, Venezuela sẽ chỉ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua đối thoại và đàm phán - điều đã được EU cam kết hoàn toàn, song đã bị quyết định trục xuất Đại sứ làm suy yếu.

Căng thẳng từ lâu

Căng thẳng Venezuela – EU đã tồn tại từ lâu. EU bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt Venezuela hồi năm 2017 với lý do Tổng thống Maduro trấn áp phe đối lập. EU và mở rộng danh sách trừng phạt sau khi Mỹ và nhiều nước châu Âu không công nhận kết quả cuộc bầu cử vào tháng 12-2020 tại quốc gia Nam Mỹ này, theo đó Tổng thống Maduro nắm thế kiểm soát đa số đối với quốc hội. Ngày 29-7-2020, sau loạt trừng phạt trước đây của châu Âu, Tổng thống Maduro đã tuyên bố trục xuất đại sứ EU, yêu cầu bà Isabel Brilhante phải rời khỏi Venezuela trong 72 giờ. Tuy nhiên sau đó Chính phủ Venezuela đã rút lại quyết định.

AN BÌNH