Venezuela vùng vẫy thoát khủng hoảng
Venezuela vừa phát hành đồng tiền mới trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đang hết sức thảm hại của đất nước, trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo lạm phát có thể đạt 1 triệu % trong năm nay.
Venezuela phát hành tiền giấy mới. Ảnh: CNN |
Đồng tiền mới "Bolivar Soberano" có trị giá bằng 100.000 đồng Bolivar cũ. Trong bài viết đăng trên Twitter sau khi công bố đồng tiền mới, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ca ngợi động thái này là một "công thức mang tính cách mạng". "Chúng tôi tìm thấy công thức mang tính cách mạng đặt công việc ở trung tâm của việc tái điều chỉnh xã hội, dựa trên sản xuất hàng hóa và giá trị tiền lương. Với điều đó, chúng tôi sẽ áp đặt mô hình đảo ngược quá trình đô -la hóa "giá cả trong nước", ông Maduro viết. "Tôi kêu gọi mọi người tận tâm bảo vệ sự điều chỉnh giá trên đường phố", ông Maduro sau đó cho biết trong một bài đăng khác.
Các ngân hàng tuyên bố đóng cửa cho đến khi đồng tiền mới có hiệu lực. Đồng tiền mới sẽ được chuyển sang tiền điện tử được gọi là Petro, nhằm đơn giản hóa các giao dịch. Phát biểu với CNN từ Caracas, nhà báo Stefano Pozzebon, cho biết đồng tiền mới đại diện cho một "thay đổi đáng kể" đối với hàng triệu người Venezuela, những người sẽ phải đối mặt với sự chuyển đổi tiền tệ này. "Tôi đi đến hiệu thuốc và thấy rằng một lon co-ca, có giá 2.800.000 Bolivar cũ, vẫn còn được sử dụng cho đến 8 giờ tối 20-8. Sáng 21-8, các nhân viên nhà thuốc bận rộn ghi nhãn các sản phẩm với giá mới, và lon co-ca sẽ có giá 28 Bolivar".
Động thái mới nhất này của chính phủ khiến các thương nhân phải đóng cửa hàng vào cuối tuần vì không biết bán hàng với giá cả như thế nào. Còn người mua sắm vội vã đến các siêu thị để trữ hàng hóa và trạm xăng vẫn mở cửa.
Chẳng có gì thay đổi?
Nhiều chuyên gia phê phán động thái này. Viết trên trang Forbes, nhà kinh tế học Steve Hanke của Viện Cato đã so sánh việc đổi tiền là các biện pháp phẫu thuật thẩm mỹ, mô tả đồng tiền mới là một "sự lừa đảo". "Sự tái sinh của đồng Bolivar giống như đang nằm dưới con dao của một trong những bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng của Caracas. Sự thay đổi này trên thực tế không có gì thay đổi", ông nói.
Nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng Henrique Capriles mô tả các biện pháp này là một "thảm họa". Chính phủ đang "đánh bạc mọi thứ và thử nghiệm một cách vô trách nhiệm", ông Capriles viết trong một bài luận trực tuyến, trong đó ông cáo buộc ông Maduro đang "bỏ đói người dân". Một cuộc khảo sát từ tháng 2 cho thấy gần 90% người Venezuela sống trong nghèo đói và hơn 60% được khảo sát cho biết họ không có đủ tiền để mua thực phẩm.
Các biện pháp thúc đẩy kinh tế mới bao gồm tăng 60 lần mức lương tối thiểu sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9. Hôm 17-8, ông Maduro cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ tăng lương tối thiểu trong 90 ngày nhưng các nhà tuyển dụng lo lắng rằng họ sẽ không có đủ tiền để trả cho nhân viên. Giải thích các biện pháp trên truyền hình quốc gia, ông Maduro nói: "Đây là một công thức ma thuật thực sự ấn tượng mà chúng tôi phát hiện trong khi nghiên cứu với tư duy bắt nguồn từ Mỹ, Venezuela, Mỹ La-tinh".
Trong một bài đăng trực tiếp trên facebook hôm 19-8, ông Maduro đã mô tả các biện pháp mới này là một phần của "quá trình cân bằng lại". "Điều này không thể xảy ra chỉ trong một đêm. Quá trình cân bằng lại này sẽ được phát triển. Đây là một công thức kỳ diệu thực sự ấn tượng. Chúng tôi phát hiện ra thông qua những suy nghĩ và phân tích của riêng mình", ông cho biết.
Chạy khỏi đất nước
Lạm phát tăng cao khiến hàng ngàn người Venezuela tiếp tục chạy qua biên giới sang các nước láng giềng trong bối cảnh thiếu lương thực và thuốc men, rối loạn chính trị và tỷ lệ tội phạm tăng vọt.
Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), hơn nửa triệu người Venezuela đã vượt biên giới sang Ecuador để đến Colombia kể từ đầu năm, với khoảng 30.000 người chạy khỏi đất nước trong tuần đầu tiên của tháng 8. Nhưng cuộc di cư hàng loạt gây thêm căng thẳng với các nước láng giềng. Hôm 19-8, Brazil tuyên bố sẽ triển khai 120 binh sĩ đến bang biên giới Roraima, nơi đang diễn ra bạo lực với người di cư Venezuela. Hôm 18-8, một đám đông người Brazil tấn công một nhóm người Venezuela ở một thành phố biên giới và phá hủy một trại di cư sau khi một chủ doanh nghiệp địa phương bị cướp bởi người Venezuela. Khoảng 1.200 người di cư Venezuela trốn khỏi biên giới sau vụ tấn công này.
Một thẩm phán trước đó quyết định cấm người Venezuela nhập cảnh vào Brazil nhưng quyết định này sau đó đã bị tòa án tối cao của Brazil bác bỏ. Chính phủ Brazil cho biết họ cam kết giúp đỡ người Venezuela và sẽ tiếp tục cố gắng đưa người di cư đến sống ở nhiều bang trên khắp cả nước. Chính phủ Venezuela cũng ban hành tuyên bố yêu cầu chính phủ Brazil "thực hiện các biện pháp để bảo vệ và an toàn" công dân Venezuela, "gia đình và đồ đạc của họ".
Trong khi đó, một quy định mới có hiệu lực tại Ecuador hôm 18-8 yêu cầu công dân Venezuela nhập cảnh phải xuất trình hộ chiếu hợp lệ. Trước đây, Ecuador chấp nhận các hình thức nhận dạng khác. Chính phủ Peru cũng làm theo cách của Ecuador, tuyên bố bắt đầu từ ngày 25-8, công dân Venezuela muốn vào Peru phải có hộ chiếu hợp lệ. Theo UNHCR, có 117.000 đơn xin tị nạn của người Venezuela trong 6 tháng đầu năm nay, vượt tổng số đơn của cả năm 2017.
AN BÌNH