Vết nứt xuất hiện chằng chịt trong hầm Hải Vân
Dù cơ quan chủ quản khẳng định là không ảnh hưởng đến an toàn nhưng tài xế và người dân vẫn tỏ ra lo ngại với việc xuất hiện ngày một nhiều các vết nứt trong hầm đường bộ Hải Vân.
Cục Quản lý đường bộ III kiểm tra hiện trường các vết nứt trong hầm Hải Vân. |
An toàn?
Những ngày gần đây, tài xế xe đường dài, xe du lịch và hành khách rất quan tâm và tỏ ra lo ngại khi chứng kiến dấu hiệu tăng lên về số lượng các vết nứt trong hầm Hải Vân. Nhiều người cho rằng, ngoài những vết nứt cũ đã xuất hiện trước khi Cty CP Đèo Cả tiến hành thi công hầm số 2 thì hiện nay có thêm nhiều vết nứt mới ở các vị trí khác nhau và nhận định có thể do ảnh hưởng từ việc nổ mìn bên cạnh. Anh Nguyễn Thành Sáng, tài xế xe du lịch người Đà Nẵng cho biết: “Lâu nay thấy nó hàng ngày nên cũng không để ý lắm. Vừa rồi đang đi trên xe thấy hành khách quan tâm và cho rằng vỏ hầm có nhiều vết nứt nên nhìn lại cũng có cảm giác nhiều hơn so với trước đây, đặc biệt là gần cửa hầm phía Nam. Quả thực như vậy thì cũng đáng ngại”. Theo quan sát, hai bên hầm có rất nhiều vết nứt đan nhau theo hướng từ trên xuống của vỏ hầm, một số vị trí có dấu hiệu nở ra về chiều rộng và kéo dài hơn trước đây.
Đại diện Cty Đèo Cả cho biết, vết nứt hầm Hải Vân 1 đã có từ trước khi đơn vị nhận bàn giao quản lý, vận hành từ Bộ GTVT (tháng 12-2015). Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã tiến hành sửa chữa 3 vết nứt và khảo sát, đánh giá toàn bộ vỏ hầm Hải Vân 1. Kết quả cho thấy những vết nứt đã sửa chữa không xuất hiện nứt trở lại; toàn bộ vỏ hầm có 209 vết nứt với chiều rộng lớn nhất là 3mm; vỏ hầm đảm bảo khả năng chịu lực. Cũng theo chủ đầu tư, trước khi tiến hành thi công hầm Hải Vân 2, đơn vị mời Cty Tư vấn Alpin Technik của Đức thực hiện khảo sát vết nứt, đánh giá vỏ hầm bằng công nghệ Camera quét ảnh tự động và phần mềm đánh giá Atis Viewer, áp dụng tiêu chuẩn DIN 1076 của CHLB Đức. Kết quả khảo sát thống kê toàn bộ vỏ hầm có 321 vết nứt, tập trung chủ yếu ở đoạn hầm phía Nam. Trong số này có 275 vết nứt được đánh giá là an toàn với chiều rộng <2mm, 51 vết nứt còn lại cần khảo sát chi tiết hơn. Cạnh đó có rất nhiều vết nứt xuất hiện do bong tróc của lớp sơn phủ chứ không ăn sâu vào kết cấu, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của vỏ hầm.
Trong quá trình thi công nổ mìn đào hầm Hải Vân 2, Nhà thầu các gói thầu thi công đã hợp đồng với Hội kỹ thuật nổ mìn Viêt Nam thực hiện quan trắc tốc độ rung chấn hầm Hải Vân 1. Theo kết quả đo đạc, tốc độ rung chấn đều nằm trong phạm vi cho phép. Ngoài ra, theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu bổ sung quan trắc xem xét sự phát triển của vết nứt hầm Hải Vân 1 trong quá trình nổ mìn thi công hầm Hải Vân 2 để có các giải pháp xử lý kịp thời nếu có biểu hiện bất thường xảy ra. Hiện nay, hàng tháng Cty CP Đèo Cả đều gửi báo cáo quan trắc đến các cơ quản lý nhà nước, kết quả quan trắc cho thấy vết nứt không phát triển, chưa thấy xuất hiện vết nứt mới. Trong quá trình thi công hầm Hải Vân 2, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư giữ nguyên, không sơn lại lớp sơn đã bong tróc ở hầm Hải Vân 1 để tiếp tục quan trắc, kiểm tra giám sát.
“Nứt vỏ hầm do nổ mìn là chưa chuẩn xác”?
Trước câu hỏi trong khi phía Bắc của hầm Hải Vân 1 gần như không có vết nứt nào thì phía Nam lại có nhiều vết nứt xuất hiện vào thời gian nổ mìn thi công hầm Hải Vân 2 (cũng từ phía Nam), đại diện Cty Đèo Cả khẳng định đây chỉ là sự trùng hợp chứ không phải là hệ quả.
Theo lý giải, hạng mục mở rộng hầm Hải Vân 2 được thi công đào và gia cố bằng phương pháp NATM theo hai mũi thi công đồng thời từ hai phía Bắc và Nam vào giữa. Mũi thi công phía Bắc bắt đầu mở hầm từ tháng 12-2016 và mũi thi công phía Nam từ tháng 2-2017 theo đúng biện pháp thi công được Bộ GTVT phê duyệt. Cả hai mũi thi công đều sử dụng công nghệ, biện pháp thi công giống nhau. Vết nứt hầm Hải Vân 1 đã có từ trước khi thi công hầm Hải Vân 2 và kết quả quan trắc cho thấy vết nứt hiện nay không phát triển, chưa có xuất hiện thêm vết nứt mới. Do vậy thông tin trùng hợp vết nứt xuất hiện khi thi công nổ mìn ở phía Nam là chưa chuẩn xác. “Việc nổ mìn hầm Hải Vân 2 sẽ có ảnh hưởng rung chấn nhất định đến hầm Hải Vân 1. Tuy nhiên kết quả giám sát chấn động hầm Hải Vân 1 do nổ mìn thi công được Hội kỹ thuật nổ mìn Việt Nam, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng định kỳ kiểm tra xác nhận cho thấy tốc độ dao động đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 02:2008/BCT”, đại diện chủ đầu tư cho hay.
Về quy trình xử lý vết nứt, đơn vị cho biết: Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và các cơ quan tham mưu kiểm tra hiện trường và đã có câu trả lời chính thức. Cụ thể: Vết nứt được kiểm tra, đánh giá không có phát triển thêm, được quan trắc kỹ lưỡng, các thông số đang nằm trong giới hạn cho phép. Để theo dõi thường xuyên, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu không sơn lại các mảng sơn đã bong tróc từ các vết nứt mà phải giữ nguyên để tiếp tục quan trắc, kiểm tra giám sát trong quá trình thi công hầm Hải Vân 2. Chủ đầu tư phải báo cáo cụ thể quá trình theo dõi, quan trắc và thực tế diễn biến của vết nứt hầm Hải Vân 1 với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước tại các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất.
CÔNG KHANH
THÁNG 9, THÔNG HẦM HẢI VÂN 2 Được biết, tháng 9-2019 hầm Hải Vân 2 sẽ được thông và kết thúc việc nổ mìn. Tuy nhiên trong quá trình thi công các hạng mục khác như rãnh giữa, bê-tông vỏ hầm vẫn có thể tiến hành nổ mìn với quy mô và khối lượng nhỏ hơn. Đến nay, tiến độ thi công đào hầm đạt 80% chiều dài hầm, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2020 theo đúng tiến độ Bộ GTVT chấp thuận. |