Vì bình yên sông, vịnh

Thứ hai, 24/07/2017 11:01

Nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn giao thông  (ATGT) đường thủy nội địa, Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng vừa phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) và Đội CSGT đường thủy (CATP Đà Nẵng) tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý phương tiện sử dụng thuốc nổ, hoạt động trái phép trong vùng bảo tồn san hô, cản trở giao thông thủy trên sông Hàn, vịnh Đà Nẵng và khu vực bán đảo Sơn Trà. Trong thời gian 1 tháng (từ 7-6 đến đầu tháng 7-2017), các đơn vị BĐBP đã phối hợp với các đơn vị, chính quyền các địa phương, BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh các phường và tại Âu thuyền và cảng cá, phát hơn 3.000 tờ rơi đến các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu đánh cá, tàu du lịch, dịch vụ… về các nội dung hướng dẫn, nhắc nhở ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác thủy sản, từng bước nâng cao nhận thức của ngư dân về các điều kiện bắt buộc trong đảm bảo an toàn sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn san hô, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển...

Tàu tuần tra của BĐBP TP Đà Nẵng làm nhiệm vụ trên sông Hàn.

Hiện Đà Nẵng có 1.650 tàu thuyền lớn nhỏ, trong đó loại công suất từ 90CV trở lên có 490 tàu, loại từ 20CV đến dưới 90CV là  400 tàu, loại dưới 20CV và thúng máy là 760 chiếc. Ngoài số lượng tàu thuyền đã được đăng ký với cơ quan chức năng, qua rà soát, BĐBP và các cơ quan liên quan còn phát hiện trên các khu vực sông, biển của thành phố có 92 phương tiện loại dưới 20CV mang biển đăng ký ngoại tỉnh hoặc chưa đăng ký do ngư dân Đà Nẵng mua về nhưng không làm được thủ tục sang tên hoặc phương tiện tự phát không có số đăng ký nhưng vẫn đưa vào hoạt động. Nhiều nhất là P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) có 81 phương tiện, P. Thọ Quang 5 phương tiện, P.  An Hải Bắc 4 phương tiện, P. An Hải Tây và P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) mỗi địa phương 1 phương tiện. Điều đáng lo ngai là hiện nay một bộ phận ngư dân Đà Nẵng sử dụng hàng trăm phương tiện công suất  nhỏ (dưới 20CV) hoạt động khai thác gần bờ, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, vùng bảo tồn san hô, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Mặt khác, việc một số ngư dân Đà Nẵng sử dụng phương tiện nhỏ mang biển đăng ký ngoại tỉnh khi hoạt động trong vùng biển ven bờ Đà Nẵng rất khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng, dễ gây hiểu nhầm là phương tiện của ngư dân ngoại tỉnh hoạt động khai thác trái tuyến.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Tống Khương- Trợ lý quản lý biên giới, Phòng Tham mưu BCH BĐBP TP Đà Nẵng cho biết: Việc xử lý đối với các chủ phương tiện khai thác hải sản trái tuyến rất khó khăn do hầu hết các hộ sử dụng phương tiện nhỏ đều có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh chủ yếu bằng việc khai thác ven bờ, trình độ văn hóa và nhận thức pháp luật hạn chế, không có điều kiện chuyển đổi ngành nghề do đó biện pháp xử lý của lực lượng tuần tra kiểm soát chủ yếu là nhắc nhở, yêu cầu chủ phương tiện viết cam kết không vi phạm hoặc chuyển đổi hành vi vi phạm để xử lý ở mức độ nhẹ hơn.

Trong đợt cao điểm tuần tra kiểm soát trên sông, vịnh, BĐBP TP và các đơn vị phối hợp đã tiến hành 20 lượt tuần tra với gần 200 lượt CBCS tham gia; qua đó phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 phương tiện tàu cá chở người ra biển tham quan du lịch trái phép, đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền hơn 9 triệu đồng. Lực lượng tuần tra phối hợp cũng đã xử phạt 8,8 triệu đồng đối với 8 phương tiện của ngư dân tỉnh Quảng Nam khai thác hải sản trái tuyến; nhắc nhở 235 phương tiện chấp hành chưa nghiêm quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn san hô, đảm bảo an toàn trong khai thác; yêu cầu 10 chủ thúng máy ở Quảng Nam viết cam kết không hoạt động khai thác tại vùng biển Đà Nẵng và di chuyển phương tiện về Quảng Nam. Cũng trong đợt cao điểm, BĐBP TP và các lực lượng phối hợp  đã tiến hành kiểm tra  toàn diện đối với 268 phương tiện nghề cá với gần 2.000 lao động, qua đó đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 phương tiện vi phạm các lỗi trễ hạn đăng kiểm, thiếu bằng thuyền trưởng, thiếu thiết bị cứu sinh, ghi nhật ký khai thác không đầy đủ, khai thác sai vùng; nhắc nhở đối với 21 phương tiện trang bị phao cứu sinh kém chất lượng, biển số đăng ký mờ; phát hiện, xử lý 5 phương tiện lặn bắt chíp chíp trên sông Hàn gây cản trở giao thông đường thủy; ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều trường hợp  sử dụng tàu cá chở người ra biển tham quan, du lịch trái phép.

Theo Đại tá Lê Văn Phúc- Chỉ huy trưởng BCH BĐBP TP Đà Nẵng,  từ thực tế kiểm tra qua đợt cao điểm, để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa và khu vực biên giới biển Đà Nẵng,  BCH BĐBP TP đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp BĐBP TP tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt  động khai thác thủy sản, bảo tồn san hô, môi trường sinh thái biển và hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch trên địa bàn TP nói chung, khu vực biên giới biển TP nói riêng. BĐBP TP cũng đề nghị UBND TP đẩy nhanh việc triển khai đề  án giảm số lượng tàu cá công suất dưới 20CV và thuyền thúng gắn máy công suất dưới 20CV khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ giai đoạn 2016-2020; kiến nghị khảo sát, lắp đặt hệ thống phao luồng hàng hải trên sông Hàn để đảm bảo an toàn cho việc chạy tàu và cảnh báo hoạt động khai thác, làm cản trở giao thông thủy trên sông Hàn.

K.T