Vì màu xanh những cánh rừng

Thứ ba, 06/08/2019 12:36

Những năm trở lại đây, những cánh rừng ở H. Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) được bảo vệ nghiêm ngặt bởi sự chung sức của cộng đồng, nhất là cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Với hình thức giao khoán sử dụng nguồn Quỹ dịch vụ môi trường rừng, rừng được bảo vệ bởi sức mạnh của cộng đồng và ngược lại, cộng đồng có nguồn thu nhập ổn định từ việc giữ rừng.

Hình thức giao khoán rừng cho người dân quản lý đang mang lại hiệu quả.

Chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ diện tích rừng lớn với hơn 29.000ha, nhiều năm qua, những cánh rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy vẫn xanh tươi và yên bình. Gánh nặng giữ rừng nay đã được san sẻ bởi cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy, đến ngày 30-6, công ty đã thực hiện giao khoán hơn 14.200 ha rừng cho 16 cộng đồng làng bảo vệ với tổng số tiền gần 8 tỷ đồng. Ông Võ Hồng Huy - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy cho biết: việc giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý và bảo vệ đã cho hiệu quả rõ rệt. Những diện tích rừng được giao khoán được gìn giữ, bảo vệ rất tốt. Bên cạnh đó, việc huy động người dân tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy, tuần tra cũng không còn khó khăn như trước. Trên những diện tích đã được giao khoán, cộng đồng tự phân công trách nhiệm thay nhau tuần tra, bảo vệ, giám sát.

Đứng giữa những tán rừng xanh tốt, già làng A Kring Đeng, làng Kon Brắp Dum (xã Tân Lập, H. Kon Rẫy) tự hào: Từ muôn đời nay, làng Kon Brắp Du đã sống giữa bao la rừng xanh, rừng như là nhà, dân làng ý thức được việc giữ gìn rừng. Trước đây, vì đói nghèo, khi nhiều đối tượng xấu vào làng dụ dỗ thanh niên trong làng lên rừng chặt gỗ bán lại và những thanh niên đã nghe theo. Khoảng 10 năm trở lại đây, công việc giữ rừng đã cho dân làng thu nhập ổn định, cộng đồng ý thức được việc bảo vệ rừng, thường xuyên phân công nhau đi tuần tra bảo vệ rừng. Người dân thấy được vai trò của rừng như: rừng cung cấp nguồn nước sản xuất và sinh hoạt; chống xói mòn đất, hạn chế lũ lụt; bảo vệ môi trường sống... Bên cạnh đó, trong quá trình bảo vệ rừng, ngoài tiền nhận khoán, cộng đồng làng Kon Brắp Du còn được hưởng lợi từ rừng như: khai thác lâm sản phụ gồm: rau rừng, măng rừng, nấm rừng..., dân làng càng gắn bó chặt chẽ với rừng. Hiện nay, dân làng Kon Brắp Du đang trực tiếp nhận khoán và bảo vệ hơn 392 ha rừng với 26 hộ dân tham gia.

Cũng chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ hơn 14.700 ha với 17 tiểu khu, việc giao khoán hơn 9.500 ha cho cộng đồng quản lý đã giúp Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy “dễ thở” hơn với nhiệm vụ bảo vệ rừng. "Nguồn kinh phí từ việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tiến hành giao khoán cho cộng đồng cùng tham gia bảo vệ rừng. Rừng vừa được bảo vệ tốt mà người dân sống với nghề rừng cũng có mức thu nhập ổn định. Từ đó, giảm thiểu tình trạng phá rừng làm nương rẫy, vi phạm lâm luật... và đơn vị triển khai thực hiện các dự án phát triển rừng rất thuận lợi", ông Trần Ngọc Trường Thịnh - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy chia sẻ.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Kon Rẫy Trần Văn Độ đánh giá cao chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thông qua chính sách này, lực lượng Kiểm lâm huyện phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân, các chủ rừng nâng cao nhận thức bảo vệ rừng; đồng thời đẩy mạnh tuần tra và thành lập các chốt bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện còn phối hợp với Hạt Kiểm lâm H. Chư Păh, Đăk Đoa (Gia Lai) tăng cường bảo vệ vùng rừng giáp ranh theo quy chế đã ký kết. Điều đặc biệt nhất chính là ý thức gìn giữ rừng trong cộng đồng người dân đã thay đổi rất nhiều.

Có thể khẳng định, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng góp phần quan trọng cho các hộ gia đình, cộng đồng sống gần rừng cải thiện và nâng cao đời sống. Gắn quyền lợi với trách nhiệm, người dân và cộng đồng ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, diện tích rừng cung ứng dịch vụ ở Kon Tum ngày càng được bảo vệ tốt và hồi sinh.

Q.T