Vi phạm về hành chính về ATTP có thể bị xử phạt lên đến 200 triệu đồng

Thứ hai, 16/09/2019 18:00

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng với cá nhân, 200 triệu đồng với tổ chức. Ngoài phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, các cá nhân, tổ chức còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và buộc khắc phục hậu quả.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra chất lượng bảo quản đối với hải sản tại chợ đầu mối Thọ Quang.

Về hình thức xử phạt, theo phòng chuyên môn của Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về ATTP còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Cụ thể là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP từ 1 tháng đến 6 tháng, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 1 tháng đến 24 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tái xuất, tiêu hủy, thu hồi thực phẩm, cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm, thu hồi bản tự công bố, tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm, chịu mọi chi phí xử lý ngộ độc, ngừng sử dụng phương tiện vận chuyển, hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, nộp nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

Đáng chú ý, Nghị định quy định rất rõ về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm. Cụ thể, cá nhân vi phạm hành chính về ATTP có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 100 triệu đồng, trong khi đó cùng hành vi thì đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần. Tổ chức quy định tại Nghị định này gồm: tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp; tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã; tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật đầu tư; Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định quy định mức phạt tiền từ 1 lần đến 2 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng; Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu. Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đáng chú ý là phạt tiền từ 5 lần đến 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Ban Quản lý ATTP kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo quản, buôn bán thực phẩm bao gói sẵn tại chợ Cồn.

Ngoài ra lãnh đạo Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng cũng cho biết, Nghị định 115 của Chính phủ nêu rõ các vi phạm về điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông; kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP. Kèm theo đó Nghị định cũng quy định thẩm quyền lập biên bản, xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể các vi phạm về điều kiện đảm bảo ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm.

Lãnh đạo Ban Quản lý ATTP đánh giá, Chính phủ quy định rất rõ, rất cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Điều này thể hiện sự quan tâm đến bữa ăn, sức khỏe của nhân dân, đồng thời xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, vì lợi nhuận mà xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Thành phố Đà Nẵng cũng đang quyết liệt để vừa tuyên truyền, phổ biến quy định đến người kinh doanh, nhà sản xuất, tiểu thương cũng như nâng cao ý thức của người tiêu dùng. Mới đây nhất, cơ quan chức năng thành phố đã xử phạt nghiêm với số tiền 25 triệu đồng, đình chỉ việc chế biến thịt heo tại cơ sở đường Phạm Văn Đồng trong vòng 2 tháng đối với một Nhà hàng của Cty TNHH MTV Ẩm thực Trần vì gây ra vụ ngộ độc thức ăn đối với 9 du khách. Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ra quyết định xử phạt 98 triệu đồng đối với chủ cơ sở sản xuất bánh mì tại Q. Cẩm Lệ do vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm, khiến hàng chục khách hàng bị ngộ độc sau khi mua bánh mì về ăn.

Bảo Nam