Vì sao Ấn Độ-Thái Bình Dương là trung tâm bàn cờ chính trị thế giới?

Thứ sáu, 16/04/2021 14:30

Ấn Độ - Thái Bình Dương đang nổi lên như là một khu vực chiến lược trong bàn cờ địa chính trị thế giới với những diễn biến ngoại giao quốc tế sôi động. Không chỉ có Mỹ, hay các nước trong vùng, mà ngày càng có nhiều nước Châu Âu quan tâm đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, dưới các hình thức đối tác, liên minh khác nhau xung quanh Ấn Độ. Theo giới phân tích, mục tiêu cũng ngày càng rõ hơn là nhằm ngăn chặn đà ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tìm kiếm những mối liên kết, hợp tác vì một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn và rộng mở là sáng kiến của Ấn Độ đưa ra từ năm 2018 trong diễn đàn an ninh Châu Á ở Shangri-La, Singapore. Ý tưởng này đã nhanh chóng được nhiều nước, đặc biệt là phương Tây hưởng ứng. Sau Bộ Tứ (Ấn Độ, Mỹ, Australia, Nhật), lần lượt các nước Châu Âu như Anh, Pháp rồi Đức đã khẳng định can dự mạnh mẽ và tham gia tích cực vào các vấn đề tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, sau khi nhận thấy lợi ích của mình trong vùng biển chiến lược rộng lớn này.

Mối quan hệ căng thẳng với một Trung Quốc đang lên có thể lý giải cho việc New Delhi khởi xướng và trở thành trung tâm của sáng kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các cuộc đối thoại diễn ra ở Ấn Độ giúp cho New Delhi khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Báo chí Pháp cho rằng, riêng đối với nước này, từ năm 2019, Paris đã có những thay đổi về chiến lược đối với vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi có nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại cho phép Pháp sở hữu một diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.

Thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nước lớn khác tham gia vào các mối liên kết về quân sự, chính trị tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dưới các hình thức khác nhau, nhằm góp phần xác lập trật tự khu vực trên mục tiêu chung rất chính đáng: Để Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực giao lưu tự do, rộng mở trên cơ sở luật pháp quốc tế, chống lại mọi hình thức dùng sức mạnh lấn lướt nước khác trong quan hệ quốc tế.

T.N