Vì sao Bến xe Đà Nẵng lại căng thẳng những ngày đầu mở bán vé Tết?

Thứ ba, 24/12/2019 09:48

Sau nhà xe Tú Tạc, sáng 23-12,  nhà xe Hiếu Hoa của Cty TNHH Vận tải và dịch vụ Du lịch Quảng Hà cũng mở bán vé xe phục vụ cao điểm Tết Canh Tý 2020, hàng trăm người đã tập trung để tìm cách mua vé nhưng do nhu cầu quá lớn, người dân có tâm lý muốn mua vé sớm, theo đúng ngày, đúng hãng nên trong cùng thời gian thì một hãng không thể đáp ứng. Đại diện các đơn vị vận tải cũng như lãnh đạo Xí nghiệp Bến xe Trung tâm Đà Nẵng khẳng định, không để bất cứ người dân nào thiếu vé về quê. Sự quá tải, khan hiếm ảo là do hành khách dồn vào một ngày để mua giống như tâm lý “đi hội chợ”.

Người dân đặt chỗ, lấy số để mua vé tại quầy vé nhà xe Hiếu Hoa sáng 23-12.

Chờ “săn” vé từ 4 giờ sáng

Nhà xe Hiếu Hoa thông báo mở bán vé về các tỉnh phía Bắc từ 6 giờ sáng nhưng bắt đầu từ 4 giờ, người dân đã tập trung, xếp hàng để bốc số mua vé. Quầy bán vé xe các tuyến xuất phát từ Đà Nẵng đi Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định đông kín người chen chúc nhau để chờ lấy số giống như cảnh khám bệnh tại các bệnh viện. Tuy nhiên, do kế hoạch phân phối vé theo ngày để tránh cảnh “no dồn, đói góp” nên không phải ai xếp hàng cũng mua được vé theo đúng ngày mình có ý định. Anh Nguyễn Văn Tùng (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, mọi người đều phải xếp hàng chờ thứ tự, khi bốc được số thì chờ gọi tên đến làm thủ tục và nhận vé. “Ai về sớm và đi muộn thì vé tăng 30%, còn những ngày cao điểm thì tăng 60%. Nhà xe bán cả vé về và đi luôn. Gắn bó với nhà xe cả năm trời, giá cả của họ cũng ở mức trung bình. Cả về và đi hết 830 nghìn đồng, hợp với túi tiền công nhân, sinh viên”, anh Tùng cho biết. Không may mắn như anh Tùng, chị Nguyễn Thị Nga (trú P. An Khê, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) có kế hoạch về ăn Tết ở Hương Sơn, Hà Tĩnh cho cả nhà nhưng chờ từ 5 giờ sáng đến gần trưa vẫn chưa đến lượt mua vé. Sau khi được nhà xe thông báo là vé không thiếu nhưng phải phân bổ theo ngày, chị đành phải chờ để ngày hôm sau mua. “Họ nói cứ lên theo đợt, không có chuyến này sẽ có chuyến khác. Mình có ngồi chờ cũng chưa chắc đến lượt, thôi mai mốt lên lại, còn không chọn nhà xe khác”, chị Nga cho hay.

Cùng mở bán trong dịp này, phòng vé nhà xe Tú Tạc của Cty Hải Vân cũng trong cảnh đông đúc tương tự. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết khách quen, đi lại nhiều trong năm nên đến Tết cũng muốn mua được vé của hãng mà mình đã gắn bó lâu năm. Dù đông đúc nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, Bến xe Đà Nẵng không lâm vào cảnh căng thẳng, xô đẩy, vạ vật, gây mất ANTT. Lực lượng bảo vệ bến xe, nhân viên của các nhà xe trực tiếp có mặt tại quầy vé để tư vấn, hướng dẫn cho người dân cách bốc số, mua vé. Nếu không thể chọn ngày, giờ đúng như mình mong muốn thì có thể lệch ra, không thể chọn đúng nhà xe thì có thể chờ ngày mở bán của hãng khác.

Đại diện nhà xe Hiếu Hoa cho biết, nắm bắt được nhu cầu của người dân, bộ phận kinh doanh của nhà xe đã bố trí, tăng cường thêm lực lượng nhân viên bán vé, giúp người dân mua vé thuận lợi. "Trong dịp Tết này, mỗi ngày, nhà xe có 12 lượt xe vận chuyển khách Đà Nẵng - Hà Tĩnh – Vinh, Thái Bình, Nam Định. Ngoài ra, nhà xe còn dự phòng 3 chiếc xe loại 45 chỗ để sẵn sàng tăng cường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến. Do hành khách có tâm lý đi xe quen, lại tập trung nhiều người trong ngày đầu nên ai cũng nghĩ là khan hiếm. Chứ Đà Nẵng ra Bắc chưa năm nào thiếu vé", nhân viên phụ trách bán vé của nhà xe này cho hay.

Cảnh đông đúc tại bến xe hầu hết là do tâm lý của người dân lo không có vé, lại muốn đi đúng xe, đúng ngày mình chọn.

Chắc chắn không thiếu vé

Theo bà Phan Thị Ngọc Lan - Giám đốc Xí nghiệp Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, cao điểm trước Tết, tại Đà Nẵng có gần 400 đầu xe hoạt động đi ra các tuyến phía Bắc và 200 đầu xe phục vụ tuyến Tây Nguyên. Những ngày cận Tết sẽ ưu tiên giải tỏa khách ở chặng ngắn như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình. Việc xếp hàng chờ từ mờ sáng để mua bằng được vé của một hãng xe nào đó là tâm lý của người dân, chứ với số lượng 37 đơn vị vận tải cung ứng dịch vụ thì Đà Nẵng đủ đáp ứng nhu cầu. Nếu có trường hợp phát sinh, đột biến thì ngoài lượng xe thường xuyên, các đơn vị cũng sẽ chủ động huy động phương tiện tăng cường. “Trên cùng một tuyến thì có nhiều nhà xe, nhiều giờ chạy khác nhau. Việc khan hiếm là do chính người dân tạo ra khi muốn đi đúng ngày, đúng giờ và đúng hãng xe. Vì Tết là cao điểm, nếu không thể chọn được xe này thì người dân nên chủ động chọn xe khác để đi. Chúng tôi đảm bảo không thiếu xe. Từ trước đến nay, chưa có Tết nào mà người dân phải lỡ hành trình vì không có vé cả”, bà Lan khẳng định.

Trong khi đó, ông Phạm Lợi - Phó tổng giám đốc Cty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, công tác bán vé cho khách hàng theo giá vé quy định và được niêm yết công khai; đảm bảo có đủ vé xe cho khách hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu vé, hoặc không có vé bán. Cty cũng đã quán triệt các giải pháp ngăn chặn, nghiêm cấm hiện tượng đầu cơ vé, thu tiền của khách hàng nhưng không xuất vé, hay dùng phiếu đặt chỗ không đúng quy định. Đơn vị cũng phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT, tuyệt đối không để cò mồi lợi dụng sơ hở để lấy cắp, cướp giật và gây phiền hà cho khách hàng làm mất trật tự an ninh trong khu vực bến xe.

Cũng theo ông Lợi, trước khi vào cao điểm phục vụ Tết, phía Cty phối hợp Phòng CSGT, Phòng CSTT Công an TP  Đà Nẵng, Thanh Sở GTVT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát kiên quyết xử lý các xe khách núp bóng dưới hình thức xe chạy “hợp đồng” nhưng đưa xe ra đón khách và lập các phòng vé để bán vé cho hành khách làm hỗn loạn trật tự vận tải. Nếu phát hiện xe “dù” sẽ phối hợp lực lượng chức năng xử lý nghiêm. Các trường hợp xe nhồi nhét, chở quá người quy định, đơn vị sẽ yêu cầu xe hạ tải, giải tỏa khách và lập biên bản để báo cáo Sở GTVT.

CÔNG KHANH