Vì sao đấu thầu mua sắm vật tư y tế ở Đà Nẵng vẫn khó?

Thứ ba, 08/11/2022 13:25
Các vật tư y tế, hóa chất thuộc danh mục đấu thầu tập trung tại Sở Y tế Đà Nẵng hiện chưa lựa chọn được nhà thầu do nhiều vướng mắc. Trong khi đó, nhiều vật tư, hóa chất xét nghiệm đã hết, ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám chữa bệnh của các đơn vị.
Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế ở Đà Nẵng hiện gặp nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế ở Đà Nẵng hiện gặp nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Hiện nay các gói thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế đặc thù của các đơn vị y tế tại Đà Nẵng hầu như đã hết hiệu lực. Các đơn vị đang khẩn trương rà soát nhu cầu để có kế hoạch thực hiện việc mua sắm định kỳ vật tư, hóa chất đặc thù sử dụng trong năm 2022. Tuy nhiên, thời gian qua do có nhiều khó khăn, vướng mắc gặp phải trong công tác đấu thầu, mua sắm trên cả nước cũng như tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Đà Nẵng nên việc xây dựng kế hoạch mua sắm cũng như công tác thẩm định, phê duyệt mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu bị trì hoãn, chậm trễ, chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu tiếp theo. Đến thời điểm hiện tại, nhiều vật tư, hóa chất xét nghiệm đã hết, kéo theo tình trạng đình trệ toàn bộ hệ thống, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động khám chữa bệnh của các đơn vị.

Theo phản ánh của một số đơn vị y tế tại Đà Nẵng, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất là hàng hóa bán hàng phải có ủy quyền, một số mặt hàng chỉ có 1-2 công ty được ủy quyền phân phối. Ngoài ra, một số trang thiết bị vật tư y tế, hóa chất đặc thù cả nước chỉ có một vài nhà sản xuất hoặc nhập khẩu, do đó không thể khảo sát đủ 3 báo giá như quy định. Bên cạnh đó, hầu hết hàng hóa phụ kiện thay thế cho trang thiết bị y tế là chuyên dụng và chủ sở hữu chỉ ủy quyền duy nhất cho 1-2 nhà phân phối khu vực được mua bán tại Việt Nam. Chẳng hạn mua sắm hóa chất sinh hóa của hãng Human (Trung tâm Y tế (TTYT) Q.Ngũ Hành Sơn), mua sắm hóa chất cho máy Immlite 1000 (TTYT Q.Cẩm Lệ…). Từ thực tế đó, quy định phải có 3 báo giá để làm căn cứ xác định giá gói thầu rất khó thực hiện. Thậm chí trong trường hợp tìm được 3 báo giá nhưng cũng không xác định được mối liên hệ của 3 doanh nghiệp cung cấp báo giá.

Ngoài ra, một số quy định khác cũng khiến việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đang gặp khó. Chẳng hạn quy định phải có thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng khi liên hệ các công ty thẩm định giá này họ lại từ chối thẩm định trong lĩnh vực y tế do có nhiều rủi ro. Hoặc có rất ít nhà cung cấp thực hiện công khai giá trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất tại trang thông tin điện tử để các đơn vị y tế có thể tra cứu; do đó, không có cơ sở để áp dụng quy định. Tương tự, quy định giá gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế phải tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày. Tuy vậy, có rất ít loại trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất có giá trúng thầu trong khoảng 30 ngày để các đơn vị tham khảo, áp dụng.

Theo Sở Y tế, số lượng gói thầu, mặt hàng và giá trị mua sắm hàng hóa, thuê dịch vụ hàng năm của ngành Y tế rất lớn, gây áp lực lớn và nguy cơ sai sót của Hội đồng thẩm định dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Chẳng hạn năm 2021, Hội đồng thẩm định Sở Y tế đã tiến hành thẩm định 192 gói thầu, trong đó có 17 gói thầu mua sắm hàng hóa, thuê dịch vụ (203 mặt hàng phải thẩm định, tổng giá trị các gói thầu thẩm định trên 53 tỷ đồng); có 175 gói thầu mua vật tư y tế, hóa chất (5689 mặt hàng, tổng giá trị các gói thầu phải thẩm định hơn 2553 tỷ đồng). Sau khi nhiều Đoàn Kiểm tra tiến hành kiểm tra đã có ý kiến về công tác thẩm định của Sở Y tế chưa đúng theo quy định do không thẩm định trên cơ sở so sánh các loại hàng hóa tương tự, không thẩm định kỹ thông số kỹ thuật đề xuất của các đơn vị dẫn đến có thông số gây hạn chế nhà thầu/mang tính chỉ định thầu.

Chẳng hạn, đơn vị đề xuất mua sắm bộ trang thiết bị chẩn đoán SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á, Sở Y tế đã thẩm định giá dự toán theo đề xuất của đơn vị (có so sánh giá với các đơn vị khác mua mặt hàng này của cùng hãng sản xuất) nhưng Đoàn Kiểm tra ghi nhận Sở Y tế chưa thực hiện đúng qui định do không thẩm định về lý do đơn vị y tế không lựa chọn mua sắm bộ trang thiết bị chẩn đoán SARS-CoV-2 của Công ty Sao Thái Dương. Sở Y tế thẩm định nhưng không rà soát kỹ dẫn đến thông số kỹ thuật bộ trang thiết bị chẩn đoán SARS-CoV-2 có nội dung “sẵn sàng để sử dụng” gây hạn chế nhà thầu…

Đà Nẵng hiện có 7/17 bệnh viện có sử dụng máy xét nghiệm được các đơn vị cung ứng hóa chất, vật tư cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhu cầu trang thiết bị phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị của các cơ sở y tế là rất lớn, trong khi ngân sách để đầu tư có hạn. Đa số các máy xét nghiệm này (sinh hóa, huyết học, miễn dịch, vi sinh) là các máy thế hệ mới, máy chỉ sử dụng được hóa chất đặc thù của nhà cung cấp để cho kết quả chính xác. Việc đầu tư mua máy xét nghiệm có thể không hiệu quả do chi phí đầu tư ban đầu lớn, máy nhanh chóng lỗi thời bởi sự đổi mới liên tục của kỹ thuật xét nghiệm, hóa chất theo máy không trúng thầu…

Quy định mới hiện không được “mượn” máy xét nghiệm mà phải thuê máy theo phương thức đấu thầu. Trong khi các cơ sở y tế chưa có kinh phí đầu tư máy, còn thuê máy xét nghiệm, nếu việc đấu thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm trước thì việc thuê máy mang tính chỉ định do phải sử dụng máy phù hợp. Ngược lại, nếu thuê máy trước thì việc đấu thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm cũng mang tính chỉ định thầu.

Những khó khăn, vướng mắc trên hiện chưa được tháo gỡ. Do đó, Hội đồng thẩm định Sở Y tế đang rất lúng túng trong việc phải thực hiện thẩm định đúng yêu cầu của các Đoàn kiểm tra nhưng phải đảm bảo tiến độ, không để trễ hồ sơ của các đơn vị y tế, ảnh hưởng hoạt động chuyên môn, công tác khám chữa bệnh. Điều này đồng nghĩa, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chưa thể xử lý khi nhiều vướng mắc trong đấu thầu mua sắm lĩnh vực này chưa được tháo gỡ, nhất là những vướng mắc mới phát sinh sau khi có ý kiến của các Đoàn kiểm tra.

Hải Quỳnh