Vì sao “Dòng chảy phương Nam” chết yểu?

Thứ năm, 04/12/2014 09:14

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Châu Âu đã giết chết dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Nam” trị giá 40 tỷ USD này.

Moscow đã quyết định dừng đường ống “Dòng chảy phương Nam” - dự án vận chuyển khí đốt từ Nga đến các nước Nam Âu gồm Bulgaria, Serbia, Hungary, Áo và Hy Lạp, với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine.

Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao một dự án cực kỳ quan trọng và cần thiết như vậy lại bất thình lình bị chết yểu? Trong tuyên bố quyết định dừng dự án này, ông chủ Điện Kremlin đổ lỗi cho Ủy ban Châu Âu (EC) trong bối cảnh thực tế cho thấy, Liên minh Châu Âu (EU) đang muốn “trả đũa” Nga do vấn đề khủng hoảng Ukraine. “Nếu họ không cần, Nga không nài ép”, ông Putin nói. Bất chấp việc Nga tuyên bố ngừng dự án này, EC khẳng định vẫn đang được tiếp tục sản xuất đường ống cung cấp cho dự án này tại Đức.

Khu vực nơi Serbia bắt đầu dự án xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Nam” hồi tháng 11-2013. Ảnh: AFP

Lỗi của ai?

EU đã phê duyệt “Dòng chảy phương Nam”, song nó bị mắc kẹt lại tại EC. Và khi khủng hoảng Ukraine xảy ra, dự án hoàn toàn bị dừng lại do thái độ thờ ơ của EU.

Theo CS Monitor, trong bài phát biểu về việc dừng dự án này, Tổng thống Putin cáo buộc EC đưa chính trị vào vấn đề kinh tế. Trên thực tế, trong nhiều năm liền, EC không cho phép triển khai dự án, đồng thời thuyết phục các nước đã ký kết với Nga hủy bỏ việc này. Bulgaria quyết định dừng dự án này.

Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin cảnh báo Châu Âu sẽ mất nguồn khí đốt tự nhiên đáng tin cậy. Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh, các nước như Bulgaria, Serbia, Hungary và Áo sẽ bị mất những lợi ích kinh tế lớn thông qua đường ống dẫn này. Ông dẫn chứng Bulgaria, vốn được cho là sẽ mất 500 triệu USD phí quá cảnh hàng năm.

Nhưng giới phân tích cho rằng, “Dòng chảy phương Nam” dường như là nạn nhân của giá dầu giảm. Giá khí đốt của Nga vốn được tính toán dựa trên giá dầu - và những nỗ lực riêng của Châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào Moscow bằng cách “nuôi dưỡng” nhà cung cấp khác.

Ai thắng, ai thua?

Rõ ràng, quyết định dừng dự án này chắc chắn sẽ càng khiến mối quan hệ vốn đang xuống mức thấp kỷ lục giữa Nga và phương Tây rơi vào bế tắc.

Quyết định của Moscow được đưa ra trong bối cảnh giá dầu giảm đang bóp nghẹt nền kinh tế nước nhà, cũng khiến người ta băn khoăn. Nhiều người cho rằng, Moscow có thể đang thiếu tiền. Nabucco, đối thủ của “Dòng chảy phương Nam” do Mỹ tài trợ, từng thừa nhận không thể thực hiện dự án vì vấn đề kinh phí và tuyên bố từ bỏ từ năm 2013. Nhưng theo giới phân tích, Nga giờ đây “đang vui” với thị phần mới khi vừa ký thỏa thuận khí đốt quy mô lớn với Trung Quốc.

Bản thân ông Putin cũng nỗ lực chuyển hướng đến Thổ Nhĩ Kỳ khi tuyên bố sẽ nối lại các đường ống từng bị hủy bỏ để dẫn khí đốt đến nước này. Tham vọng của ông chủ Điện Kremlin là biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm phân phối khí đốt chính của Nga sang Châu Âu.

Nhưng tham vọng này xem ra cần nhiều thời gian. Vì thế, trong tương lai gần, Nga vẫn bị ảnh hưởng nhiều từ việc dừng dự án này. Tổng thống Putin luôn ưu tiên nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt Ukraine.

Nhưng giờ đây, khi không có “Dòng chảy phương Nam”, vai trò của Kiev trong việc cung cấp khí đốt cho Châu Âu sẽ được tăng cường hơn. Hiện không rõ Nga sẽ xoay sở như thế nào để bơm 60 tỷ m3 tới Nam Âu hàng năm. Tuy nhiên, trong dài hạn, Moscow có thể thắng trong ván cờ này với phương Tây khi thị trường Châu Á lớn mạnh dần.

Giới phân tích cho rằng, phương Tây đang thực hiện nhiệm vụ bất khả thi khi đối đầu với Điện Kremlin. Thực tế cho thấy, phương Tây đang tự đẩy mình vào bẫy khi những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga cũng đang dần “đập lại” phương Tây.

Khả Anh