Vì sao Iraq bất ổn?

Thứ sáu, 13/06/2014 11:15

(Cadn.com.vn) - Những gì đang xảy ra ở Iraq thực sự rất hỗn loạn. Các phiến quân từ Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) đánh bại lực lượng chính phủ và giành quyền kiểm soát vùng rộng lớn lãnh thổ. Bạo lực giáo phái lan tràn tại một số khu vực không thuộc quyền kiểm soát của ISIS. Nhưng, đối với một số người, điều này không quá bất ngờ.

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia dự đoán nhiều yếu tố khác nhau - một số bắt nguồn từ lịch sử, một số liên quan đến các quyết định lớn gần đây, một số là do những gì đang xảy ra trong khu vực - có thể nuôi dưỡng sự bất ổn và bạo lực tại Iraq.

Quân đội tan rã sau sự sụp đổ của Saddam Hussein

Dù không lớn mạnh như thời kỳ trước Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, quân đội Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein tự hào có khoảng 430.000 binh sĩ và 400.000 nhân viên trong các đơn vị bán quân sự và các cơ quan an ninh vào thời điểm Mỹ bắt đầu xâm lược năm 2003.

Tuy nhiên, Iraq chứng minh rằng, mình không phù hợp với lực lượng liên quân. Sau khi quân đội nước ngoài tràn ngập đất nước, quân đội Iraq cùng với Bộ Quốc phòng và Thông tin bị giải thể, khiến hàng trăm ngàn binh lính đột nhiên mất việc.

Những người có cấp bậc đại tá trở lên - những người nắm rõ chiến lược, chiến thuật và nhiều thứ khác - không được hưởng trợ cấp thôi việc và không thể làm việc cho chính phủ Iraq mới. Dĩ nhiên, họ phải đi một nơi nào đó. Theo Fawaz Gerges, giáo sư tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, “hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn cán bộ cao cấp thời Saddam Hussein... tham gia ISIS”. Điều đó có nghĩa lực lượng quân sự này có kỹ năng tốt và biết Iraq rất rõ.

Và các lãnh đạo ISIS hiểu biết chiến lược và chiến đấu lão luyện hơn những sĩ quan trong quân đội Iraq hiện nay.

Cuộc nội chiến Syria

ISIS hiện đang nắm quyền kiểm soát phần lớn khu vực phía đông bắc Syria. Tại Iraq, nhóm chiến binh không chỉ chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, mà còn tấn công Tikrit (quê hương của ông Saddam).

Làm thế nào ISIS, vốn bị tổn thất nặng trong những năm 2000, có thể trở thành lực lượng chiến đấu đáng gờm, và mạnh mẽ như hiện nay. Sự tăng trưởng này phần lớn là nhờ vào sự thành công mà ISIS có được tại Syria kể từ năm 2011, khi cuộc nội chiến nổ ra. Thời gian đó, nhóm chiến binh này tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, tuyển dụng và chiếm nhiều vùng lãnh thổ.  Ngoài ra, hàng triệu USD và sức mạnh quân sự giúp tổ chức này phát triển.

Chuyên gia Ramzy Mardini tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, ISIS đang “nỗ lực phối kết hợp Iraq và Syria thành một”, dựa vào những gì đang xảy ra ở Syria để trẻ hóa nguồn lực và gia tăng động lực để hoạt động. Mục tiêu của ISIS là tạo ra Caliphate - nhà nước Hồi giáo - trên khu vực rộng lớn bao gồm Syria và Iraq. Và bây giờ, họ đang bắt tay hành động.

Mosul chìm trong khói lửa trong nhiều ngày qua. Ảnh: CNN

Xung đột Shiite - Sunni

Sự phân chia bè phái quyết định nền chính trị và chính phủ Iraq. Chính phủ do Thủ tướng Nuri al-Maliki, một người Hồi giáo Shiite dẫn dắt khiến người Sunni thiểu số ở Iraq cảm thấy bị bỏ rơi.

“Lỗi lớn nhất” của Mỹ là sau khi lật đổ Saddam Hussein đã không ưu tiên hòa giải dân tộc. Giới phân tích cho rằng “người Sunni đã nắm phần lớn quyền lực ở Iraq. Họ phục vụ trong quân đội Iraq, một số là tướng. Nhưng trong vài năm qua, mối quan hệ đi xuống dốc. Quân đội và chính phủ đang ngày càng chia thành hai phe phái.

Trước vụ việc ở Mosul, Iraq thường xuyên chìm trong bạo lực do xung đột sắc tộc. Bạo lực không phải là vấn đề duy nhất. Thật khó để miêu tả sự hận thù của người Sunni đối với ông Maliki và chính phủ của ông. Và ISIS đã tận dụng cơ hội này. “Sự rạn nứt cho phép ISIS khẳng định vị trí mũi nhọn của cộng đồng Sunni. Chúng tìm thấy một nơi trú ẩn... và một cơ sở xã hội”, một chuyên gia nói.

Iraq yếu kém mọi mặt

Các nhân chứng cho biết, lực lượng an ninh Iraq bỏ vị trí ở Mosul, một số thả vũ khí của họ, cởi đồng phục và chạy. Và tất nhiên, các chiến binh thành công ở nhiều nơi khác trong cả nước, bởi sự kháng cự yếu ớt của quân chính phủ. Rõ ràng, nếu quân đội Iraq được đào tạo tốt hơn, hiệu quả hơn và khả năng chống khủng bố tốt hơn, điều này có thể ngăn chặn hoặc ít ra có thể làm chậm lại sự tấn công của ISIS.

Nhưng thực tế là quân đội Iraq hiện “yếu kém, lãnh đạo kém và đặc biệt là không có thẩm quyền”. Ông Mardini cho biết, thông tin tình báo, hậu cần và thông tin liên lạc của Iraq đều thiếu, mặc dù không phải tất cả những thiếu sót này có thể giải thích sự yếu kém của lực lượng an ninh Iraq gần đây.

Thêm vào đó, các mối quan hệ mâu thuẫn giữa chính phủ với người Sunni và người Kurd trong khu vực bán tự trị ở phía đông bắc của Iraq khiến việc tạo ra một mặt trận thống nhất là rất khó.

An Bình
(Theo CNN)