Vì sao Josef Mengele mang danh "bác sĩ tử thần"?

Thứ tư, 05/09/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Tuy chỉ mang hàm đại úy, nhưng Josef Rudofl Mengele lại có nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chính quyền Đức Quốc xã, đảm nhận chức Tư lệnh Thí nghiệm y khoa trên cơ thể người, kiêm chức “tuyển chọn” tù nhân cho các phòng hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz. Với hàng loạt những hành động tội ác “trời không dung, đất không tha”, y đã được mệnh danh là” bác sĩ tử thần”.

Từ những thí nghiệm  rợn tóc gáy...

Auschwitz là trại tập trung “tận cùng đau khổ” của nhân loại những năm 1940, nơi các loại bệnh tật nguy hiểm như sốt phát ban hay tiêu chảy phát triển.

Cũng vào thời điểm này, người ta thấy xuất hiện bác sĩ trẻ Mengele tốt bụng. Tuy nhiên, họ đâu biết đây chính là thần chết mang đến tai họa cho mọi người. Mặc dù rất thâm hiểm và độc ác, nhưng Mengele lại qua mặt được mọi người bởi trang phục ngành y kèm theo thái độ ân cần khi tiếp xúc, đặc biệt với phụ nữ và trẻ em rồi sau đó chính con người này đưa họ vào phòng hơi ngạt.

Mengele là người rất tận tâm với chế độ phát-xít, mẫn cán trong việc thực thi mệnh lệnh của Đức Quốc xã. Có lần trại tập trung quá chật chội, y hiến kế đào hào, đổ đầy xăng đốt cháy rồi cho ném người chết lẫn người còn sống xuống đó. Thậm chí khi có người kêu cứu muốn bò lên y còn ra lệnh dùng gậy đẩy xuống. Với tư cách là một bác sĩ, y không thực hiện thiên chức cứu người mà còn bơm thuốc mê vào tim con trẻ, gây bệnh thương hàn, tiêm acid ăn mòn ống dẫn trứng của phụ nữ, mổ lấy tim ở người đang sống...

Cũng tại trại này, Mengele được giao nhiệm vụ giám sát quá trình thủ tiêu tù nhân. Khi có tù nhân mới, Mengele chọn lựa những tù nhân ốm yếu đưa đi thủ tiêu trước, lấy cớ họ là thủ phạm reo giắc bệnh dịch. Năm 1944, khi bệnh lị bùng phát, Mengele cho thủ tiêu toàn bộ 10.000 tù nhân của trại này bằng hơi ngạt. Ngoài tội ác giết người trực tiếp, Mengele còn dùng thi thể nạn nhân phục vụ các thí nghiệm vô nhân đạo trong lĩnh vực di truyền học và dịch bệnh nhằm chứng minh cho luận án tiến sĩ của mình là đúng.

Đó đều là những thử nghiệm rùng rợn, từ việc thử điện giật, gây thương tích bằng súng rồi gây nhiễm trùng bằng cách rắc đất lên vết thương...

Những cặp song sinh, vật thí nghiệm của Josef Mengele (ảnh nhỏ). 

... đến những đề án khoa học kinh hoàng

Trong số những đề án được thần chết Mengele quan tâm phải kể đến các nghiên cứu về hiện tượng song sinh. Theo ước tính, ít nhất 900 cặp song sinh phải trải qua những thí nghiệm kinh hoàng do Mengele cùng các cộng sự thực hiện. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50 cặp trong số này may mắn sống sót.

Những người may mắn sống sót kể lại rằng, mỗi cặp song sinh khi đến trại đều được lấy máu, thử test và chụp X-quang... để phân biệt những cặp song sinh có cùng một trứng hay song sinh hai trứng. Mục đích của nghiên cứu trên là tìm hiểu tại sao di truyền màu mắt lại không tuân thủ quy luật của thuyết Mendel. Với đề án này, Mengele ra lệnh quan tâm đặc biệt đến những cặp song sinh để họ không bị đau hay chết. Thậm chí, những cặp song sinh được gắn các biệt hiệu riêng hay còn gọi là “Trẻ em của Mengele”.

Đáng tiếc đây chỉ là những chiêu bài che mắt thiên hạ bởi cuối cùng bọn trẻ vẫn phải chết thương tâm, đau đớn dưới bàn tay của “bác sĩ tử thần” Mengele. Y tiến hành rất nhiều thử nghiệm vô nhân đạo đến mức rùng rợn như tiêm máu từ cặp song sinh này sang cặp song sinh kia để ghi lại phản ứng. Thí nghiệm này gây đau đầu dữ dội, sốt cao kéo dài và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Mengele còn tiêm cả thuốc nhuộm vào mắt của một số cặp song sinh, gây nhiễm trùng đau đớn, thậm chí có trường hợp bị mù vĩnh viễn. Nếu các cặp song sinh này chết, Mengele móc mắt họ treo lên tường, giống như bộ sưu tập về mẫu vật côn trùng. Một số cặp sinh đôi còn bị thiến, triệt sản hoặc bị cắt bỏ tay chân và bị tiêm môi chất lây nhiễm để kiểm tra khả năng chịu đựng của con người.

Kinh hoàng hơn, còn có cả những đứa trẻ trở thành vật thí nghiệm trong phẫu thuật không hề dùng thuốc gây mê như phẫu thuật dạ dày, phẫu thuật tim làm cho nạn nhân đau đớn kinh hoàng, vật vã trước khi chết.

Josef Mengele là ai?

Josef Mengele sinh năm 1911 trong một gia đình sản xuất nông cụ ở làng Bavarian, Gunzburrg của Đức.

Năm 1930, y được trao bằng tiến sĩ cho luận án Nghiên cứu hình thái học chủng tộc và năm 1943 về nhận việc tại trại tập trung Auschwitz, Ba Lan để nghiên cứu di truyền của con người. Mục tiêu của công việc là giải mã những bí ẩn của kỹ thuật di truyền và tìm cách xóa những sợi gene yếu kém của con người nhằm tạo ra một siêu chủng tộc người Đức, tiêu diệt các tộc người khác, thực hiện mục tiêu bành trướng của trùm Hitler. Năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin, toàn bộ hồ sơ mật về các công trình nghiên cứu dã man của Mengele bị thủ tiêu. Tuy nhiên, Mengele đã kịp bỏ trốn sang Nam Mỹ và người ta đã treo thưởng 1 triệu mark để bắt y.

Từ đó, Mengele phải sống trong chui lủi ở nhiều nơi và được cho là chết ngày 7-2-1979 tại bãi biển Bertioga, Brazil, do đột qụy. Thậm chí khi chết trên mộ vẫn còn ghi tên giả là Wolfgang Gerhard.

Duy Hùng

(Theo Net/WP/People)