Vì sao Libya vẫn vô luật lệ ?
Ai đang kiểm soát Libya?
(Cadn.com.vn) - Không ai cả. Và đó là vấn đề lớn. Có rất nhiều nhóm vũ trang khác nhau - lên đến 1.700 người - với nhiều mục tiêu khác nhau. Nhưng tiền bạc và quyền lực là "mẫu số chung" mà họ hướng đến.
Trong suốt cuộc nổi dậy, bất cứ ai với khẩu súng trên tay đều muốn trở thành người chỉ huy. Họ quyết tâm hơn bao giờ hết để chiếm lãnh thổ và áp đặt ý muốn. Hơn nữa, lực lượng phiến quân được phân chia theo các dòng tộc và khu vực, tạo nên một lực lượng "dễ cháy". Nhiều người lo sợ, tình trạng này sẽ đẩy Libya rơi vào cuộc nội chiến. Các nhóm phiến quân từng đoàn kết trong việc chống lại ông Gaddafi, nhưng không có gì hơn. Không có một nhóm duy nhất nào chịu trách nhiệm về cuộc nổi loạn. Vì vậy, họ không thể thỏa hiệp và xây dựng nhà nước mới dựa trên các quy định của pháp luật. Kết quả là, Libya trải qua 5 chính phủ kể từ cuộc cách mạng năm 2011.
Ngoài ra, các nhóm này hiếm khi nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài. Mỹ cam kết sẽ giúp chính phủ mới thu hồi vũ khí, đặc biệt là các tên lửa chống máy bay mất tích khi chính phủ ông Gaddafi sụp đổ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích an ninh vẫn mô tả Libya là chợ vũ khí. Đất nước tràn ngập vũ khí và đa số rơi vào tay các nhóm vũ trang khác trong khu vực. Từ đó đến nay, vẫn không có nỗ lực hòa giải cấp cao nào do các cường quốc phương Tây hoặc các tổ chức khu vực như Liên đoàn Arab (AL) và Liên minh Châu Phi (AU), tổ chức. Điều này là do phương Tây và AL đang quan tâm nhiều hơn đến sự bất ổn ở Syria và Ai Cập.
Tuy nhiên, các nước Châu Phi hiện rất quan ngại về tình hình Libya. Họ lo sợ xung đột tại Libya có thể làm trầm trọng thêm sự bất ổn tại khu vực.
Nhiều nhóm phiến quân đang kiểm soát Libya. Ảnh: BBC |
Người nước ngoài bị đe dọa
Đã có một loạt các cuộc tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao kể từ năm 2012.
Trong đó nổi bật nhất là vụ giết hại Đại sứ Mỹ Christopher Stevens ở Benghazi, nơi cuộc nổi dậy chống lại Đại tá Gaddafi bắt đầu, và vụ bắt cóc đại sứ Jordan Fawaz al-Itan, người sau đó được thả để đổi lấy một phần tử thánh chiến bị tù ở Jordan. Ngoài ra, nhiều cuộc tấn công cũng xảy ra tại lãnh sự quán Italia ở Benghazi, Đại sứ quán Pháp và Nga tại Tripoli. Mỹ dường như đang thực hiện hoạt động bí mật ở Libya để trung hòa các mối đe dọa. Washington đáp trả cho cái chết ông của Stevens bằng cách bắt nghi phạm Al-Qaeda Anas al- Liby ở Tripoli vào tháng 10-2013. Các nhóm phiến quân cũng chiếm giữ nhiều nhà máy lọc dầu do các Cty phương Tây kiểm soát, dẫn đến sự sụt giảm rất lớn trong sản lượng dầu mỏ.
Ansar al-Sharia được cho là nhóm vũ trang Hồi giáo nguy hiểm nhất ở Libya. Nhóm này bị cáo buộc giết ông Stevens, và được cho là liên kết với các nhóm Hồi giáo khác. Theo các nhà phân tích, Ansar al-Sharia có nhiều thành viên đang chiến đấu ở Syria, mặc dù điều này chưa được xác nhận. Nhóm của Đại tá Khalifa Haftar cũng là lực lượng phiến quân mạnh tại Libya. Haftar đứng đằng sau cuộc tấn công căn cứ không quân ở Benghazi hôm 16-5 và vụ tấn công 2 ngày sau đó nhằm vào tòa nhà Quốc hội ở Tripoli.
Haftar từng giúp ông Gaddafi giành chính quyền vào năm 1969, nhưng y bất đồng với ông chủ và trốn sang Mỹ. Haftar nổi lên ở Libya trong cuộc nổi dậy chống lại chế độ Gaddafi, và xây dựng lực lượng phiến quân lớn mạnh kể từ đó. Đối với nhiều người Libya, y là nhân tố gây nhiều bất ổn.
Tan vỡ giấc mơ
Nhiều người Libya sống trong sợ hãi và phải di chuyển đến nơi an toàn khi các vụ đụng độ nổ ra.
Họ cảm thấy giấc mơ đã bị tan vỡ, giống như hai nước láng giềng Ai Cập và Tunisia sau cuộc nổi dậy. Nhưng tình hình ở Libya hỗn loạn hơn, bởi vì quân đội tan rã sau khi ông Gaddafi bị lật đổ, không giống như Ai Cập. Hơn thế nữa, Libya chưa bao giờ có các nhóm chính trị được tổ chức tốt- như Tổ chức Anh em Hồi giáo của Ai Cập và Ennahda của Tunisia. Vì vậy, chính phủ phải bắt tay với phiến quân. Thực tế, chính phủ Tripoli trả tiền cho nhiều nhóm phiến quân với hy vọng họ trung thành và giúp xây dựng một quân đội quốc gia mới. Tuy nhiên, điều này nghe có vẻ xa vời.
An Bình (Theo BBC)