Vì sao Mỹ là trung tâm các vụ xả súng kinh hoàng?

Thứ ba, 14/06/2016 10:42

(Cadn.com.vn) - Khi nhắc đến các vụ thảm sát bằng súng kinh hoàng nhất trên thế giới, Mỹ là cái tên được nói đến nhiều nhất bởi không một quốc gia nào trên thế giới "vượt mặt" được cường quốc này về số vụ xả súng hàng loạt nơi công cộng.

Cả nước Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng và sốc sau vụ xả súng hàng loạt tại hộp đêm Pulse ở thành phố Orlando, tiểu bang Florida vào sáng 12-6 khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 53 người khác bị thương.

Vào sáng 13-6 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc từ Nhà Trắng trấn an người dân về vụ thảm sát điên cuồng này. Trong bài phát biểu, ông chủ Nhà Trắng lên án vụ xả súng này là hành động khủng bố tàn bạo, một tội ác kinh tởm nhằm vào người dân vô tội. Theo ông Obama, đây là vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ và đây là sự kiện làm tan vỡ trái tim không chỉ của cộng đồng người đồng tính tại Mỹ, mà còn là một ngày đau thương đối với toàn thể người dân Mỹ.  Tổng thống Obama tuyên bố nước Mỹ sẽ không sợ hãi và vụ thảm sát sẽ khiến người Mỹ đoàn kết hơn.

Vụ xả súng lần này làm dấy lên hồi chuông cảnh báo đỏ về vấn đề kiểm soát súng đạn ở quốc gia này. Trong khi Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nước này lại chiếm tới 31% tổng số vụ xả súng. Vì sao như vậy?

Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ tấn công ở hộp đêm Pulse. Ảnh: Reuters

Tâm thần không bình thường

Giáo sư khoa công lý tội phạm Adam Lankford đến từ trường Đại học Alabama cho biết, rất nhiều kẻ xả súng ở Mỹ có dấu hiệu tâm thần. Thế nhưng, các nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng, số lượng người mắc bệnh tâm thần ở Mỹ không tăng bao nhiêu trong khi số lượng các vụ thảm sát lại tăng vọt một cách đáng kể.

Theo kết quả phân tích của Đại học y tế cộng đồng Havard và trường Đại học Northeastern, số vụ tấn công bằng súng tăng gấp 3 từ năm 2011-2014. Nghiên cứu của trường Harvard cũng chỉ ra rằng, hiện nay trung bình cứ 64 ngày ở Mỹ lại xảy ra một vụ xả súng, trong khi cách đây 29 năm, con số này là 200 ngày.

Hiệu ứng lan truyền

Theo giới nghiên cứu, những vụ xả súng hàng loạt này có "hiệu ứng lan truyền". Khi một vụ việc xảy ra có khả năng cao là vụ việc tương tự cũng sẽ xảy ra chỉ sau khoảng 2 tuần. Sự "lây nhiễm" này dự đoán sẽ kéo dài khoảng 13 ngày.

"Hiện tượng lây nhiễm" này thường diễn ra ở Mỹ hơn là những quốc gia khác, vì nhìn chung công dân tại đây rất dễ tiếp cận với vũ khí. "Việc dễ dàng sở hữu súng đạn là yếu tố tiên quyết dẫn đến những vụ thảm sát trên", giáo sư Lankford khẳng định. Mỹ là quốc gia sở hữu súng nhiều nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê, ước tính khoảng 270 triệu đến 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành khắp quốc gia này. Với dân số khoảng 318,9 triệu người, điều này có nghĩa là gần như mỗi công dân Mỹ đều sở hữu một khẩu súng.

Thu hút sự chú ý

Cũng theo giáo sư Lankford, rất khó xác định động cơ của các vụ tấn công bằng súng nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy, việc muốn trở nên nổi tiếng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giới trẻ ngày nay. Điều này đồng nghĩa với việc người Mỹ ngày càng mong muốn trở nên nổi tiếng thông qua các hành động gây sốc và các phương tiện truyền thông. Và xả súng là cách thức được ưa chuộng hiện nay.

Chính sách quản lý lỏng lẻo

Một yếu tố nữa gián tiếp gây ra các vụ xả súng hàng loạt chính là chính sách quản lý vũ khí lỏng lẻo của Mỹ. Điển hình như Australia, quốc gia có 4 vụ xả súng từ năm 1987 đến 1996. Sau những vụ thảm sát trên, Quốc hội nước này buộc phải sửa lại luật sở hữu súng nghiêm ngặt hơn. Kể từ đó đến nay, Australia chưa xảy ra vụ xả súng hàng loạt nào nữa.

Tuệ Khanh
(Theo CNN)

IS nhận trách nhiệm vụ xả súng Orlando

Các phương tiện truyền thông tại Mỹ ngày 13-6 đưa tin: nhóm cực đoan IS đã nhận tiến hành vụ thảm sát ở hộp đêm Pulse. Theo NBC, kẻ đã xả súng, được xác định là Omar Mateen, một công dân Mỹ, đã tuyên bố trung thành với IS khi gọi đến 911 (số điện thoại cảnh sát) trước khi tiến hành xả súng.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời giới chức Mỹ khẳng định không có bằng chứng cho thấy có bất kỳ sự liên quan nào giữa IS với vụ xả súng ở Orlando. Theo nguồn tin, tên này dường như "có xu hướng" hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan, mặc dù không rõ liệu vụ tấn công này là do IS đã trực tiếp chỉ đạo hay chỉ đơn giản là Mateen tự phát hành động. Hiện chưa rõ động cơ thật sự của tên này, nhưng theo lời cha của y, Mateen từng rất tức giận khi thấy hai người đàn ông hôn nhau trước cửa nhà của y. Trong khi đó, BBC dẫn lời các quan chức Cục điều tra Liên bang (FBI) xác nhận, kẻ xả súng 29 tuổi này cũng nằm trong tầm ngắm FBI kể từ năm 2013.

T.N


Kẻ xả súng Omar Mateen.