Vì sao Mỹ tăng cường tấn công Al-Shabab ở Somalia?

Thứ tư, 09/01/2019 16:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng mạnh mẽ các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu ở Somalia và xu hướng này được cho là sẽ tiếp tục trong năm 2019.

Trong bài phát biểu hồi tháng 12-2018 phác thảo chính sách Châu Phi, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton gây ấn tượng với tuyên bố sẽ "không buông thả" trong cuộc đấu tranh chống các nhóm phiến quân Hồi giáo, chẳng hạn như Al-Shabab ở Somalia có liên kết với Al-Qaeda.

Al-Shabab vẫn kiểm soát phần lớn miền trung và miền nam Somalia bất chấp các cuộc không kích của Mỹ. Ảnh: BBC

Nhanh chóng truy quét các mục tiêu

Vào tháng 3-2017, Lầu Năm Góc được Nhà Trắng chấp thuận cho mở rộng cuộc chiến chống phiến quân ở quốc gia Sừng Châu Phi này. Các chỉ huy không còn bị yêu cầu phải được cấp cao phê chuẩn trước khi mở các cuộc tấn công vào Al-Shabab tại "các khu vực thù địch" ở Somalia.

"Điều này cho phép chúng tôi truy quét các mục tiêu theo cách nhanh chóng hơn", Tướng Thomas Walhauser của Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ (Africom) cho biết. Động thái này dẫn đến việc gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay, cũng như lần đầu tiên triển khai quân đội Mỹ trên mặt đất kể từ năm 1993 nhằm "tư vấn và hỗ trợ" cho quân đội Somalia. Theo Cục Báo chí Điều tra (BIJ), Africom hiện đã thực hiện ít nhất 46 cuộc không kích được xác nhận ở Somalia trong năm 2018, trong khi năm 2017 là 38 cuộc.

Một số cuộc tấn công tập trung vào các nhóm lớn. Chẳng hạn như trong cuộc không kích nhằm vào Harardere ở khu vực Mudug, miền trung Somalia hôm 12-10 khiến khoảng 60 tên thiệt mạng. Các cuộc tấn công khác tập trung vào các cá nhân, chẳng hạn như các phần tử đơn độc bị nhắm mục tiêu và bị giết 6 ngày trước đó tại Kunyo Barrow ở miền nam Somalia. So với các năm trước, năm 2017 và 2018 đánh dấu sự gia tăng đáng kể trong hành động chống Al-Shabab của Mỹ. Trên thực tế, thống kê của BIJ cho thấy ít nhất 538 tên đã thiệt mạng trong các cuộc không kích kể từ đầu năm 2017 - nhiều hơn so với 10 năm trước đó cộng lại - mặc dù không phải mọi cuộc tấn công đều đạt kết quả khả quan.

Áp dụng chiến thuật mới

Nhưng ngoài Ali Mohamed Hussein, một chỉ huy cấp cao của Al-Shabab, bị giết trong một cuộc đột kích quân sự chung giữa Mỹ và Somalia ở Lower Shabelle, miền nam nước này vào tháng 8-2017, rất ít tên tuổi được Mỹ xướng lên kể từ khi ông Trump chấp thuận mở rộng hoạt động quân sự ở Somalia.

Giống như các nhóm thánh chiến khác, Al-Shabab nhận thức rõ về mối đe dọa đến từ bầu trời. Theo một quan chức an ninh khu vực, các tay súng của nhóm hiện nay tránh tụ tập thành các nhóm lớn. Chúng di chuyển theo tốp 3-4  người và chỉ tập trung lại để thực hiện các cuộc tấn công, nhằm vào các căn cứ của quân đội Liên minh Châu Phi và lực lượng chính phủ Somalia. Mặc dù các cuộc không kích gia tăng, thành phần cốt lõi của Al-Shabab vẫn vững chắc. Nhóm này không mất quyền kiểm soát lãnh thổ ở miền trung và miền nam Somalia, nơi chúng đang cố gắng thiết lập chính quyền riêng của mình để từ đó thu thuế của người dân địa phương. Đây là những khu vực rộng lớn hơn nhiều so với các trung tâm đô thị mà chính phủ kiểm soát trong cùng khu vực.

Bill Roggio và Alexandra Gutowski của Long War Journal cho rằng điều này phản ánh mục tiêu chính của Al-Shabab, rất giống với Al-Qaeda, đó là "lật đổ chính quyền địa phương và tạo ra các tiểu vương quốc, cuối cùng sẽ hợp nhất thành một Nhà nước Hồi giáo".

Al-Shabab vẫn tiếp tục kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn

Nhóm thánh chiến đã thể hiện sự tự tin của mình thông qua các cuộc tấn công như cuộc phục kích hồi tháng 6-2018 nhằm vào lực lượng kết hợp gồm quân đội Somalia, Kenya và Mỹ tại thị trấn Jamame ở miền nam Somalia, khiến 1 binh sĩ đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng.

Bất chấp sự khẳng định của chính phủ Somalia rằng nhóm đã bị loại khỏi thủ đô Mogadishu, một trong những thủ lĩnh của nhóm, Ali Dhere, gần đây đã chụp ảnh tổ chức một sự kiện từ thiện gần thành phố. Al-Shabab vẫn thỉnh thoảng tiến vào khu vực biên giới lân cận với Kenya để thực hiện các cuộc phục kích và tấn công nhằm vào lực lượng an ninh, và nó thường công bố đoạn băng ghi lại những sự cố này để tuyên truyền. Nhóm này đôi khi phản ứng với các cuộc không kích của Ethiopia, Kenya và Mỹ bằng cách tuyên bố thương vong là dân thường vô tội, nhưng trong 2 năm qua, không có hồ sơ độc lập nào về việc dân thường bị giết. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Africom Becky Farmer lưu ý rằng Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Châu Phi "đã không phát hiện hoặc đánh giá bất kỳ thương vong dân sự nào do các hoạt động không kích trong 2 năm qua. Trên thực tế, chúng tôi sẽ kéo dài thời gian để giảm khả năng thương vong dân sự, thực thi chính sách hạn chế của luật xung đột vũ trang".

Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục lựa chọn không kích bởi nó ít gây ra rủi ro cho quân đội Mỹ và hiệu quả trong việc tiêu diệt các mục tiêu. Cho đến nay, các cuộc không kích được gia tăng nhưng Mỹ, chính phủ Somalia và quân đội AU vẫn không thể chiếm thế thượng phong. Al-Shabab vẫn tiếp tục kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn. Ngay cả khi các chỉ huy của nhóm bị tiêu diệt trong các cuộc không kích, nhóm sẵn sàng thay thế và tiếp tục các cuộc xung đột trong tương lai gần.

AN BÌNH (Theo BBC)