Vì sao Mỹ - Triều không thể ký tuyên bố chung?
Cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã rất được kỳ vọng nhưng cuối cùng cả hai đã không thể ký được một tuyên bố chung như dự kiến ban đầu và các cuộc đàm phán đã kết thúc rất đột ngột mặc dù trước đó vài giờ hai bên đã tỏ ra rất thiện chí và hữu nghị. Vì sao như vậy?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tại cuộc họp báo ngày 28-2 ở Hà Nội. Ảnh: AP |
Do quá vội vàng
Không ai có thể hiểu tận “chân tơ kẽ tóc” nguyên nhân đằng sau thái độ bất ngờ lần này của hai ông Trump-Kim, vốn dẫn đến việc không thể ra tuyên bố chung.
Đã có nhiều dự đoán cho rằng, rất có khả năng hai bên đã gặp phải một bất đồng nào đó rất nghiêm trọng. Đó có thể là việc cả hai đã không thể nhất trí trong định nghĩa phi hạt nhân hóa hoàn toàn, một vấn đề mà cả hai vẫn bất đồng kể từ sau hội nghị lần đầu tiên ở Singapore vào năm 2018. Một số ý kiến cũng cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ không đồng ý tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ, vì đây là nhân tố đảm bảo an ninh và chủ quyền của Triều Tiên. Mỹ đã không nhượng bộ Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân và đây là lý do khiến 2 bên không đi đến được tuyên bố chung.
Tuy nhiên, hầu hết ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do Washington đã quá vội vàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Bình Nhưỡng. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi các cuộc đàm phán này đã bị phá vỡ sau khi ông Trump lên nhậm chức đã dành nhiều thời gian để thổi bùng các hiệp ước hạt nhân hơn là xây dựng chúng”, chuyên gia Akira Kawasaki thuộc Ủy ban quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân nhận định.
“Chúng tôi cần một kế hoạch thực sự bắt nguồn từ cộng đồng quốc tế và các hiệp ước như Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên có thể tham gia vào ngày mai và bắt đầu quá trình giải trừ vũ khí hợp pháp”, Van Jackson, tác giả của cuốn sách “Trên bờ vực: Trump, Kim, và mối đe dọa của Chiến tranh hạt nhân” nói với CNN. Ông nói thêm rằng, Mỹ nên chờ đợi để tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho đến khi tiến trình được thực hiện “ở cấp độ Biegun”, đề cập đến nhà đàm phán Mỹ về vấn đề Triều Tiên, Steve Biegun.
“Đó là lý do tại sao không thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh cấp lãnh đạo tách rời khỏi các cuộc đàm phán thực sự. Kể cả khi hội nghị thành công theo định nghĩa của chính quyền Trump”, ông Jackson nhận định thêm và nói rằng vấn đề là “thất bại trong việc giải quyết kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã không được đem ra thảo luận trong mấy tháng vừa qua”.
Bất đồng về lệnh cấm vận, phi hạt nhân hóa
Trong khi đó, theo lý giải của ông chủ Nhà Trắng, nguyên nhân nằm ở yêu cầu từ Triều Tiên.
Tổng thống Trump cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un mặc dù sẵn sàng xóa bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, nhưng muốn Mỹ dỡ bỏ mọi trừng phạt trước, điều mà ông Trump nói là ông không muốn. “Chúng tôi đã yêu cầu ông Kim Jong-un làm nhiều hơn nữa nhưng ông ấy dường như không sẵn sàng để làm điều đó” - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ thêm trong cuộc họp báo. Ngoại trưởng Pompeo sau đó nói thêm rằng, dù khu phức hợp hạt nhân Yongbyon có được xóa bỏ thì các cơ sở khác cũng như nhiều vũ khí khác vẫn còn đó. Khi được hỏi Triều Tiên cần phải làm gì để Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, Tổng thống Trump cho biết, Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ trừng phạt nếu Triều Tiên thiện chí, và “tôi tin Bình Nhưỡng” vẫn muốn thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân có thể do thất bại ở một số vấn đề lớn trong cuộc đàm phán vì kỳ vọng của cả hai bên vẫn tồn tại khác biệt quá lớn.
THANH VĂN