Vì sao Nam Sudan tuyên bố nạn đói?
(Cadn.com.vn) - LHQ hôm 20-2 tuyên bố nạn đói ở nhiều khu vực của Nam Sudan, lần đầu tiên trên thế giới trong 6 năm qua. Tình hình đói kém cũng tương tự ở đông bắc Nigeria, Somalia và Yemen. Tại sao những nước này lại rơi vào tình cảnh như vậy và cần làm gì để cứu họ?
4,9 triệu người đói
Theo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), 100.000 người đang phải đối mặt với nạn đói ở Nam Sudan và hơn 1 triệu đang trên bờ vực của nạn đói. Đây là trường hợp khẩn cấp nhất về lương thực hiện nay. Tình hình này có nguy cơ lan rộng cả nước. Theo LHQ, 4,9 triệu người - tương đương 40% dân số Nam Sudan - "cần hỗ trợ thực phẩm, nông nghiệp và dinh dưỡng khẩn cấp". "Nhiều gia đình đã cạn kiệt thức ăn", đại diện FAO tại Nam Sudan, Serge Tissot, cho biết.
Nguyên nhân chính dẫn đến đói kém là xung đột. Khủng hoảng chính trị và xung đột vũ trang kể từ năm 2013 khiến hơn 3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Giám đốc FAO tại Nam Sudan, Joyce Luma, cho biết: "Đói kém này là do con người gây ra". "Nạn nhân chủ yếu là nông dân. Họ mất gia súc, và các công cụ canh tác. Trong nhiều tháng, họ sống phụ thuộc vào lá cây và cá họ bắt được", ông Tissot cho biết.
Vụ mùa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc xung đột, thậm chí tại các khu vực ổn định và màu mỡ, tranh chấp kéo dài giữa các lãnh đạo chính trị đã leo thang thành cuộc xung đột bạo lực nhằm tranh giành quyền lực và các nguồn lực giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Khi hoạt động sản xuất nông nghiệp giảm và gia súc chết, lạm phát tăng vọt (lên đến 800% so với cùng kỳ năm trước) khiến các loại thực phẩm cơ bản tăng cao.
Nhiều người Nam Sudan sống trong các trại tạm. Ảnh: BBC |
Làm gì để cứu Nam Sudan?
Trong ngắn hạn, có hai điều cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi nạn đói: hỗ trợ nhân đạo nhiều hơn và đảm bảo các cơ quan nhân đạo không bị cản trở trong việc tiếp cận những người bị ảnh hưởng tồi tệ nhất.
LHQ đã viện trợ hàng triệu bộ dụng cụ sinh kế khẩn cấp, nhằm giúp người dân đánh cá và trồng hoa màu. Cơ quan này cũng tiến hành chương trình tiêm chủng cho cừu và dê với nỗ lực ngăn chặn thiệt hại trong chăn nuôi. Tuy nhiên, theo bà Luma, "hỗ trợ nhân đạo không thể đạt được kết quả tốt nếu thiếu hòa bình và an ninh không ổn định".
Nhiều đoàn cứu trợ nhân đạo và kho lương thực bị tấn công hoặc cướp phá. Tổng thống Salva Kiir cam kết, "các tổ chức nhân đạo và phát triển có thể tiếp cận dân nghèo trên khắp đất nước mà không bị cản trở". Tuy nhiên, không hề có dấu hiệu cho thấy tình hình cấp bách khiến các bên tham chiến ở Nam Sudan ngừng chiến đấu.
Các nước khác
Yemen, đông bắc Nigeria và Somalia là những nơi mà xung đột đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và cuộc sống bình thường của người dân.
Tại Yemen, xung đột dân sự tàn phá trên diện rộng, gây thiệt hại kinh tế và cướp đi mạng sống của nhiều người. Nigeria đối mặt với các cuộc nổi dậy của nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram và Somalia thường xuyên bị Al-Shabab tấn công, buộc người dân phải sơ tán, làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và các hoạt động kinh doanh.
Trong một số trường hợp, xung đột làm phức tạp thêm nhiều vấn đề đã tồn tại từ trước. Yemen từ lâu đã thiếu nước sạch và chính phủ bị chỉ trích không thể bảo vệ tài nguyên. Ngay cả trước khi cuộc xung đột bắt đầu, gần 90% thực phẩm của Yemen được nhập khẩu. Yếu tố khí hậu cũng là nguyên nhân. Nam Sudan và Somalia đều bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài nhiều tháng qua.
An Bình (Theo BBC)