Vì sao NASA vẫn chuộng "máy bay bà già" WB-57?

Thứ hai, 14/03/2016 10:31

(Cadn.com.vn) - 3 máy bay nghiên cứu WB-57 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) gần đây được nhìn thấy bay qua trung tâm thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. Chúng được chế tạo dựa trên kiểu máy bay English Electric Canberra sản xuất ở Anh vào những năm 1940. Vì sao NASA, đơn vị vận hành nhiều máy bay tiên tiến nhất trong lịch sử ngành Hàng không, vẫn còn sử dụng những chiếc máy bay có thiết kế trong những ngày tận cùng của Thế chiến II?

Năm 1944, khi Thế chiến II đang dần bước vào giai đoạn kết thúc, Bộ Hàng không Anh ra yêu cầu chế tạo máy bay ném bom đời mới mà có thể bay cao hơn với tốc độ nhanh hơn. Đó chính là lý do mà máy bay English Electric Canberra ra đời. Sau này, vì hãng English Electric không có khả năng sản xuất máy bay nên đã trao giấy phép nhượng quyền sản xuất cho hãng Marti để sản xuất kiểu Canberra tại Mỹ, và được đặt tên là WB-57. Khoảng 400 chiếc WB-57 được sản xuất từ năm 1953-1957. Sau khoảng thời gian 33 năm ngừng hoạt động, 3 trong số những chiếc máy bay nghiên cứu WB-57 "nghỉ hưu" đã được NASA sử dụng lại. Vậy đâu là nguyên nhân chính?

WB-57 được thiết kế như máy bay ném bom, nhưng cũng rất hữu ích cho nhiều vai trò khác.

Bay nhanh và cao

David Keen, nhân viên Bảo tàng Không quân Hoàng gia Anh ở Hendon, cho hay, WB-57 chứng tỏ là mẫu thiết kế tốt ngay từ khi đưa vào hoạt động. "Nó có thể bay nhanh và bay cao hơn bất kỳ các loại máy bay ném bom khác. Vì không có chở súng nên WB-57 bay nhanh đến nỗi máy bay của kẻ địch không tài nào đuổi kịp", ông nói.

Ban đầu, một chiếc WB-57 được gắn với máy ảnh hiệu suất cao để có thể quay phim về hệ thống phòng không của đối phương cũng như có chứa bộ máy cảm biến để nghe truyền thông điện đàm. Khi chiến tranh kết thúc, những "cỗ máy" này được cải tiến cho phù hợp với yêu cầu của NASA. Kể từ năm 1972, WB-57 được sử dụng như là một người lính trinh sát trên không thêm 3 thập kỷ nữa. Nó thực hiện nhiệm vụ giám sát ở Bắc Ireland, Bosnia và Kosovo, cũng như được sử dụng ở Afghanistan vào những năm 2000, gần 50 năm sau khi chiếc WB-57 đầu tiên đi vào hoạt động.

David Bruce, một thành viên của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh, đã bay những chiếc WB-57 phiên bản trinh sát vào cuối những năm 1960. Ông chia sẻ, "việc lái những chiếc Canberra trở nên thú vị hơn khi gắn liền với vai trò trinh sát, đặc biệt là trong việc khảo sát chụp ảnh nhiều nơi cho mục đích làm bản đồ". WB-57 nằm trong phi đội bay tiến hành khảo sát ở Gambia, Sierra Leone, Kenya, Maldives và các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE)", ông chia sẻ.

Khả năng thích hợp với thay đổi

NASA sử dụng WB-57 với vai trò là thiết kế thích ứng được nhiều thay đổi. Cụ thể, đôi cánh của loại này dài gấp đôi so với máy bay gốc giúp nó giữ thăng bằng tốt hơn khi ở trên cao với không khí mỏng.

Charles Mallini, người quản lý chương trình cho "Hạm đội Canberra" của NASA, nhấn mạnh, những yếu tố khiến loại động cơ này vượt qua thử thách của thời gian là khả năng độc đáo của trần máy bay, phạm vi, tải trọng tối đa và phi hành đoàn. Là biến thể của máy bay do thám U-2, những chiếc ER-2 của NASA có thể bay cao hơn nhưng lại không thể mang nhiều thiết bị như WB-57. Máy bay do thám Global Hawk của NASA có thể tung cánh và vùng vẫy liên tục trên bầu trời lâu gấp 4 lần so với WB-57 nhưng tải trọng của nó chỉ bằng ¼.

Những chiếc máy bay WB-57 đang hoạt động rất tốt đến nỗi vẫn chưa có kế hoạch để chiếc nào được "nghỉ hưu". "Thực tế, chúng tôi luôn tìm cách để tăng khả năng chịu đựng cũng như nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc và thu thập dữ liệu của WB-57. Tất cả 3 máy bay hoạt động đã được nâng cấp đồng loạt, bao gồm hệ thống lái tự động, hệ thống ghế phóng hiện đại, hệ thống thu thập dữ liệu mới, và hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và truyền thông được nâng cấp", ông Mallini nói.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)