Vì sao Nga-Mỹ chưa thể giải bài toán Syria?

Thứ tư, 07/09/2016 09:38

(Cadn.com.vn) - Sự biến ảo khó lường của cuộc chiến tranh đa chiều Syria đang khiến nhiều bên phải bấu víu vào niềm hy vọng của một thỏa thuận Mỹ-Nga cho cuộc chiến này, vốn giúp mang về một thỏa thuận ngừng bắn và cứu trợ nhân đạo. Nga-Mỹ đã có những chiến dịch ngoại giao như con thoi để đàm phán đi đến một thỏa thuận, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Tại sao vậy?

Có thể thấy, nguyên nhân rõ ràng là do bàn hội đàm về Syria giữa Nga-Mỹ bị ảnh hưởng bởi “khoảng trống của lòng tin”. Trong khi vẫn chưa rõ chính xác cái gọi là “khoảng trống của lòng tin” là những gì, thực tế cho thấy, cả hai mâu thuẫn về những nhóm phe phái ở Syria được coi là khủng bố hay đảng phái chính trị. Hiện tại, chỉ có nhóm cực đoan IS nằm trong danh sách đen khủng bố của tất cả các bên liên quan.

Trên thực tế trong thời gian qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với một số phe phái của Quân đội Tự do Syria (FSA) vốn được Ankara hỗ trợ, đã từng bước đánh bật IS ra khỏi hàng chục ngôi làng dọc biên giới Syria. Trong khi đó, thành trì lớn cuối cùng của IS ở Syria - Raqqa – cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng dưới những cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Về phía tây, quân đội Syria cũng đang dần xóa sổ các khu vực do IS kiểm soát quanh thành phố Aleppo.

Những cái được trên chặng đường dài này giải thích nguyên nhân vắng mặt của tiến trình ngoại giao cho Syria. Hiện có rất nhiều bên liên quan ở quốc gia Trung Đông này. Và hầu hết trong số họ - cùng với các quốc gia đứng sau (Nga, Mỹ, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, các nước Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ) - vẫn đang xô đẩy tìm lợi thế trên chiến trường.

Bên cạnh đó còn có nhiều nội dung tranh cãi giữa Mosscow và Washington. Theo bức thư đề ngày 3-9 của Đặc phái viên của Mỹ về Syria Michael Ratney gửi đại diện phe đối lập Syria, phía Nga sẽ phải yêu cầu quân đội chính phủ Syria ngừng ném bom các vùng do phe đối lập kiểm soát, gồm cả các vùng nơi “các nhóm nổi dậy ôn hòa hơn” hoạt động cùng với Jabhat Fateh al-Sham, tên gọi mới của tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra.

Washington cũng yêu cầu quân đội Syria rút khỏi tuyến đường tiếp tế huyết mạch ở miền bắc Aleppo. Con đường này sẽ trở thành khu phi quân sự và được sử dụng cùng với một con đường nữa ở phía tây nam nhằm cung cấp hàng viện trợ nhân đạo. Tất nhiên, không bên nào được phép cản trở tiếp cận hàng nhân đạo. Trong khi đó, Mỹ có trách nhiệm phối hợp hành động với Nga trong hoạt động chống lại Al-Qaeda, nhưng bức thư không cho biết thêm chi tiết. Ngoài ra, Nga-Mỹ cũng chưa thể đi đến sự thống nhất cơ bản về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Và rồi, thất bại này đi kèm với cái giá phải trả rất đắt cho người Syria trong bối cảnh đã có hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 400.000 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người bị thương trong cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua.

Thanh Văn