Vì sao người dân Hà Thanh phản đối việc khai thác cát ở Ngọc Kinh Đông?

Thứ hai, 02/07/2018 16:00

Mấy ngày qua, người dân thôn Hà Thanh, xã Đại Đồng, H. Đại Lộc (Quảng Nam) xôn xao, phản đối việc Công ty cổ phần Trường Lợi (CTTL) tổ chức khai thác cát dưới lòng sông Vu Gia thuộc địa phận thôn Ngọc Kinh Đông, (xã Đại Hồng). Người dân thôn Hà Thanh cho rằng, việc khai thác ở Ngọc Kinh Đông tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến khu dân cư thôn Hà Thanh.

Công ty Trường Lợi tổ chức khai thác cát dưới lòng sông Vu Gia thuộc xã Đại Hồng.

Phản ánh sự việc, ông Mai Ngọc Hùng (1961, trú Hà Thanh, Đại Đồng) cho biết: "Cách đây non chục năm, người dân chúng tôi canh tác dưa, bắp... ở bãi bồi có vị trí nằm bên kia sông hiện nay. Thời gian qua, sông đã "ngoạm" hết bãi bồi, cứ đà này vài năm nữa người dân Hà Thanh phải vô núi làm nhà". Tương tự, bà Huỳnh Thị Ba nói: "Mỗi năm, mùa lũ đến đất cứ trôi dần theo dòng nước. Mất đất, mất miếng cơm manh áo nhưng đành phải chịu. Nguyên nhân do mấy công ty tổ chức khai thác cát ở bờ bên kia (thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng) làm sông Vu Gia cứ lấn dần vào khu dân cư".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trên sông Vu Gia đoạn chảy qua giữa xã Đại Hồng và Đại Đồng gây ra tình trạng xói lở bên bờ Bắc (thôn Hà Thanh, Đại Đồng) và bồi cát về bờ Nam (thôn Ngọc Kinh Đông, Đại Hồng). Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng H. Đại Lộc tiến hành truy quét nên tình trạng khai thác cát trái phép tại đây đã chấm dứt. Tuy nhiên, ngày 19-9-2017, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 3400 cho phép CTTL được khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên diện tích 9,55 ha, thời gian khai thác là 6 năm 10 tháng với trữ lượng là 513.197m3 tại bãi bồi thuộc thôn Ngọc Kinh Đông. Được cấp phép, Cty này lập các thủ tục theo quy định và tổ chức khai thác nhưng vấp phải sự phản đối từ người dân thôn Hà Thanh.

Theo bà Nguyễn Thị Lạc - Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, việc khai thác cát của CTTL được thực hiện theo đúng quy định từ giấy phép đến địa điểm khai thác. Ông Lương Đức Diệp - Cán bộ Địa chính xã Đại Hồng, khẳng định: Do nước sông lớn nên CTTL  phải khai thác bằng máy hút, đưa cát từ lòng sông lên bãi và vị trí khai thác được xác định bằng phao, nằm trong khu vực mỏ đã được cấp phép... Thế nhưng, ông Nguyễn Đăng Nhanh- Trưởng thôn Hà Thanh trao đổi: "Thời gian gần đây, nước lũ đã cướp đi của người dân Hà Thanh hơn 2ha bãi bồi ven sông và gây nguy cơ sạt lở đến đường ĐT609. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nạn khai thác cát dưới lòng sông Vu Gia. Để kiềm chế lũ, hạn chế sạt lở, người dân tự trồng tre ven bờ sông nhưng hiện nay bờ tre cũng bị trôi dần theo dòng nước dữ".

Trao đổi cùng chúng tôi, một cán bộ có chức năng tại xã Đại Đồng, cho biết: Đã nắm thông tin do người dân phản ánh, hiện tại đã cử cán bộ đến kiểm tra và có báo cáo cho cấp trên có biện pháp xử lý. Từ thực tế, nhận thấy sông Vu Gia đoạn chảy qua thôn Hà Thanh có nơi sông "ăn" sát vào bờ tre cạnh mép đường ĐT 609 tạo ra những vực sâu hoắm và mùa mưa lũ sắp đến không biết điều gì sẽ xảy ra với đường ĐT609 và cuộc sống của 360 hộ dân đang cư trú dọc tuyến từ chân cầu Hà Nha đến cầu Ba Khe 3. Tuyến ĐT609 nối TX Điện Bàn đi qua H. Đại Lộc và được thi công đấu nối với đường Đông Trường Sơn, ngoài tính chiến lược về quốc phòng còn là tuyến huyết mạch giúp hàng chục ngàn hộ dân vùng A Đại Lộc và một số địa phương khác, như: Cà Dăng, Mahcooih, H. Đông Giang có điều kiện giao thương, phát triển kinh tế. Với tầm quan trọng đó, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp tuyến ĐT 609. Tuy nhiên, tuyến đường này đang đứng trước nguy cơ bị xuống cấp nghiêm trọng vì các loại xe chở đất, cát quá tải, bị sạt lở do khai thác cát. Đề nghị, các cơ quan chức năng tại Quảng Nam cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác cát của CTTL nhằm tránh việc khai thác sai vị trí cho phép, gây nên nạn sạt lở làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

M.T