Vì sao người lớn không hát Quốc ca?
Trong Công văn số 2322 (ngày 15-8-2019) của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng gửi Phòng GD-ĐT các quận, huyện, các đơn vị trường học, các Trung tâm GDTX về việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019-2020, ở phần chương trình lễ khai giảng có hướng dẫn: “Chào cờ, hát Quốc ca (tất cả đại biểu, cán bộ, giáo viên, HS dự lễ chào cờ đều hát Quốc ca)”. Lưu ý này của Sở GD-ĐT TP khiến tôi nhớ đến câu chuyện bạn tôi kể cách đây không lâu. Một lần, sau khi đi học về, cậu con trai đang học tiểu học của bạn tôi bỗng cất cớ hỏi mẹ: “ Mẹ ơi! Quốc ca chỉ để dành cho HS và các cầu thủ bóng đá hát thôi hả mẹ?”.
Hình ảnh các cháu HS lớp 1 say sưa hát Quốc ca trong lễ chào cờ của ngày khai giảng thật xúc động! |
Ngạc nhiên, bạn tôi hỏi: “Sao con hỏi vậy? Quốc ca là của chung cả dân tộc!”. “Thế tại sao mỗi lần xem bóng đá được truyền hình trực tiếp trên ti vi, con chỉ thấy các cầu thủ hát thôi. Ở trường, đến giờ chào cờ thì chỉ có HS hát, còn thầy cô giáo chỉ đứng nghiêm?!”. Nghe con nói vậy, bạn tôi ngớ người không biết giải thích sao cho cháu hiểu. Bạn tôi cho biết thêm, từ lúc còn học mẫu giáo, cháu đã thuộc lòng bài Quốc ca. Mỗi lần ngồi xem bóng đá được truyền hình trực tiếp trên vô tuyến, hễ nghe tín hiệu hát Quốc ca là cháu đứng dậy hát theo với thái độ rất nghiêm túc. Trong ngày khai giảng của năm học đầu tiên bước vào lớp 1, cháu đứng nghiêm hát say sưa bài Quốc ca cùng các anh chị lớp trên... Kể đến đây, bạn tôi thở dài nói: “Khi nghe thằng bé nói vậy, mình hiểu vì sao dạo này cháu không còn say sưa hát Quốc ca như trước nữa. Có lẽ vì cháu thấy người lớn và cả thầy cô giáo không hát Quốc ca. Người lớn không làm gương thì sao bắt trẻ nhỏ phải làm điều này, điều nọ được?”.
Thực tế, có không ít trường học trên phạm vi cả nước, trong lễ chào cờ, phần hát Quốc ca thường chỉ có HS hát. Thậm chí có trường cử một đội hình HS có nhiệm vụ hát Quốc ca, những HS còn lại cùng thầy cô thì hát cũng được, không hát cũng chẳng sao. Và không riêng gì ngành GD-ĐT, tại nhiều hội nghị do các cơ quan, đơn vị tổ chức, trong nghi thức lễ chào cờ, phần hát Quốc ca thường do... máy hát. Nếu có thì cũng vài người hát lí nhí trong cuống họng, không dám hát to vì ngại bị “đánh giá” là... khác người?! Lâu dần, hình thành trong mỗi người thói quen đến phần nghi thức này chỉ cần đứng nghiêm nghe máy hát là được.
Quốc ca là quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Vì thế, hát Quốc ca không chỉ đơn thuần là nghi thức bắt buộc trong các lễ chào cờ, mà thông qua việc hát Quốc ca là để mỗi người càng thấy thêm yêu, thêm tự hào, tự tôn dân tộc. Khi cất lên tiếng hát, mọi con tim đều cảm thấy phấn chấn, rạo rực, cảm nhận như được truyền thêm sức mạnh! Như ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ quan điểm cá nhân về việc hát Quốc ca, rằng: “Dù chúng ta đã và đang hát Quốc ca trong mọi tình huống hay vị trí khác nhau, nhưng khi đã hát cũng hát bằng cả trái tim, bằng tâm hồn và lòng yêu nước, dù trong hoàn cảnh nào cũng đều phải đẩy mạnh tinh thần mạnh mẽ, những câu chuyện ẩn chứa được nhắc nhở, được ghi lại trong bài Quốc ca của đất nước” (trích trong “Không ai có quyền làm sai lệch tinh thần bài Quốc ca”-P.V)
Vì những lẽ đó, không riêng gì trong lễ chào cờ của ngày khai giảng năm học mới mà tất cả các buổi chào cờ khác ở trường học nói riêng, tại các hội nghị nói chung, tất cả mọi thành viên tham dự đều phải hát Quốc ca. Đừng để trẻ nhỏ có suy nghĩ “chỉ có HS và cầu thủ mới hát Quốc ca” như cậu học trò tiểu học nêu trên thì thật... đáng buồn!
Khánh Yên