Vì sao Nhật Bản đưa tàu chiến lớn nhất vào biển Đông?
(Cadn.com.vn) - Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như tất cả các vùng biển tranh chấp và các hoạt động cải tạo đất bất hợp pháp của Bắc Kinh ở biển Đông khiến Nhật Bản và phương Tây lo ngại. Đây có thể là lý do Tokyo lên kế hoạch đưa tàu chiến lớn nhất của nước này tham gia chuyến đi kéo dài 3 tháng qua biển Đông bắt đầu vào tháng 5 tới.
Đây là sự phô diễn sức mạnh hải quân lớn nhất của Nhật Bản trong khu vực kể từ Thế chiến II. Reuters dẫn 3 nguồn tin giấu tên cho biết, tàu sân bay trực thăng Izumo, mới được biên chế vào Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) cách đây 2 năm, sẽ dừng tại Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar với các tàu hải quân Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7. Tàu dự kiến sẽ quay về Nhật vào tháng 8. "Mục đích là để kiểm tra khả năng của Izumo thông qua việc triển khai tàu trong một chương trình mở rộng... Nó sẽ tham gia hoạt động huấn luyện cùng với hải quân Mỹ ở Biển Đông", một nguồn tin cho biết. Người phát ngôn JMSDF từ chối bình luận về thông tin này.
Dài 249m, rộng 38m, tàu Izumo được đánh giá có kích cỡ lớn ngang bằng các tàu sân bay của Nhật Bản hoạt động trong Thế chiến II và có sức chứa 9 máy bay trực thăng cùng một lúc. Tàu Izumo hiện neo đậu tại căn cứ ở Yokosuka, gần thủ đô Tokyo và cũng là nơi đồn trú của tàu sân bay Ronald Reagan thuộc Hạm đội 7 của Mỹ. Sứ mệnh chính của tàu Izumo là tham gia vào các cuộc chiến chống tàu ngầm. Tàu Izumo cho phép Tokyo thể hiện sức mạnh quân sự ngoài việc bảo vệ lãnh thổ của mình.
Trực thăng hạ cánh trên tàu sân bay Izumo. Ảnh: Reuters |
Đưa Izumo tham gia tập trận hải quân là động thái hiếm hoi của Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở Châu Á đồng thời nhấn mạnh ý định duy trì sự hiện diện hợp tác quân sự trong khu vực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thứ nhất, Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa vào vùng biển ngoài khơi Nhật tuần trước đã gây ra những lo ngại mới cho Tokyo về kế hoạch của Bình Nhưỡng. Thứ hai, Nhật bản đang có tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Và trên hết là tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền nào ở khu vực Biển Đông, nhưng sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc khiến Tokyo lo ngại và thúc đẩy cam kết gia tăng tuần tra và các hoạt động đào tạo trong khu vực.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển tranh chấp trong khu vực. Đặc biệt, Bắc Kinh tiếp tục xây dựng những hòn đảo nhân tạo đã làm dấy lên những căng thẳng với các đồng minh Mỹ trong khu vực.
Chiến dịch huấn luyện của tàu Izumo xuất hiện trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc. Washington chỉ trích việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và cơ sở quân sự mà Mỹ lo ngại sẽ làm hạn chế quyền tự do hàng hải. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chỉ trích hành động của Trung Quốc ở biển Đông, "chúng tôi sẽ phải gửi cho Trung Quốc tín hiệu rõ ràng rằng họ phải dừng việc xây dựng đảo và không được tiếp cận ở các hòn đảo đó".
Theo một số nhà phân tích, việc đưa Izumo tham gia cuộc tập trận quy mô lớn nhấn mạnh rằng, khả năng chiến đấu chống tàu ngầm của Nhật là chìa khóa để ngăn chặn sự mở rộng của Trung Quốc trong khu vực. Corey Wallace, chuyên gia phân tích an ninh của Đại học Freie ở Berlin (Đức) cho biết: "Phát hiện và phản ứng dưới nước thể hiện sức mạnh của Nhật Bản về cả điều kiện công nghệ và hoạt động, trong khi thể hiện sự yếu kém của Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh có một số lượng lớn tàu ngầm". Theo ông Wallace, Tokyo có các tàu chiến, tàu sân bay trực thăng và máy bay săn tàu ngầm tuyệt vời, cũng như kinh nghiệm sử dụng các thiết bị này. Tokyo thậm chí giúp Mỹ chiến đấu với đội tàu ngầm của Liên Xô Thái Bình Dương trong Chiến tranh Lạnh.
An Bình
(Theo Reuters, CNN)