Vì sao nhiều dự án trọng điểm vẫn vướng

Thứ năm, 28/02/2019 12:53

Nhiều dự án trọng điểm Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, cho phép nghiên cứu đầu tư, có nhiều nhà đầu tư quan tâm... tuy vậy đến nay vẫn chưa thể triển khai do những vướng mắc về thủ tục. Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc này nhằm đẩy nhanh thực hiện các dự án động lực đang là bài toán đặt ra với TP, và sẽ được tập trung giải quyết tại Tọa đàm mùa Xuân vào ngày 1-3 tới. Ngoài ra, tại tọa đàm này, Đà Nẵng sẽ đánh giá lại năm thu hút đầu tư 2018 và đưa ra các định hướng, giải pháp cho năm 2019.

Hiện cảng Tiên Sa đã quá tải, cần khẩn trương xây cảng Liên Chiểu.

Trong số 11 dự án xúc tiến đầu tư tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 tới nay mới có 6 dự án được cấp phép, còn lại 5 dự án vẫn chỉ là nghiên cứu đầu tư. Điều đáng nói, cả 5 dự án này đều có số vốn lớn, là dự án tạo động lực phát triển. Do vậy, những vướng mắc về thủ tục của các dự án trọng điểm này sẽ là bài toán mà cần sớm tháo gỡ. Dự án trọng điểm đầu tiên cần kể đến là cảng Liên Chiểu, quy mô 220 ha, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Trong đó, phần cơ sở hạ tầng dùng chung có quy mô 3.426,4 tỷ đồng được ưu tiên triển khai trước bằng vốn ngân sách theo chỉ đạo của Thủ tướng để đầu tư những hạng mục, công trình phi lợi nhuận không có khả năng thu hồi vốn. Theo chỉ đạo, Đà Nẵng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan trước mắt bố trí 500 tỷ đồng từ nguồn 10% dự phòng chung của cả nước để khởi công và triển khai Dự án (Phần cơ sở hạ tầng dùng chung). Số vốn còn lại sẽ xem xét bố trí trong quá trình xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Chính phủ đã đồng ý giao Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng của Dự án, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Hiện Đà Nẵng đang chờ sau khi Thủ tướng có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ tập trung triển khai tiếp các phần công việc chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công dự án.

Một dự án nổi bật khác vẫn chưa được cấp phép đầu tư là Khu Đô thị Đại học. Dự án được HĐND TP thông qua Danh mục các dự án cần thu hồi đất và được xác định trong phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 – 2020 của Đà Nẵng.  UBND TP đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500, Viện Quy hoạch xây dựng đang điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 để đáp ứng các yêu cầu cụ thể Tổng mặt bằng dự án. Ngoài ra, dự án Công viên Safari (Khu vực hồ Đồng Xanh, Đồng nghệ, diện tích khoảng 1.000ha) cũng đã kêu gọi tại Diễn đàn đầu tư 2017 song đến nay vẫn chưa được cấp quyết định đầu tư. Sở Xây dựng Đà Nẵng đang xác định ranh giới sử dụng đất và thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ  1/500, dự kiến đưa dự án vào danh mục đấu thầu dự án có sử dụng đất năm 2019.

Tại các diễn đàn, tọa đàm, hội nghị về đầu tư, Đà Nẵng cũng xúc tiến đầu tư nhiều dự án trọng điểm khác, tuy nhiên những dự án này hiện vẫn chưa thể triển khai do vướng thủ tục. Chẳng hạn như dự án Khu Công viên phần mềm số 2 có diện tích 5,3 ha tại Q.Hải Châu. UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết, phê duyệt phương án đấu giá đất, và tiến hành đấu giá đất giai đoạn 1 của dự án này. Do khu đất triển khai dự án nằm tại phường ven biển, theo quy định phải lấy ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao làm cơ sở tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, UBND TP đang chỉ đạo các sở ngành làm việc với các Bộ nêu trên để sớm có ý kiến phản hồi về các văn bản của TP.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng kêu gọi đầu tư 24 dự án PPP với tổng mức đầu tư gần 40 ngàn tỷ đồng. Nổi bật trong đó là dự án Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại Đà Nẵng với tổng mức 550 tỷ đồng. UBND TP đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, tuy nhiên hiện dự án đang được đề nghị gia hạn thời gian thực hiện, giãn tiến độ chờ Nghị định mới được ban hành và có hiệu lực.  Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, tổng mức đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng, hiện vẫn đang tiến hành các bước lập thủ tục. Dự án xây dựng tuyến Tramway giữa Đà Nẵng và Hội An, tổng mức đầu tư dự kiến 14.995 tỷ đồng hiện vẫn đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia nghiên cứu lập đề xuất dự án, đồng thời trong năm 2019 UBND thành phố bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu đề xuất sự cần thiết để quyết định kêu gọi đầu tư. Dự án Đổi mới đô thị tích hợp, tổng mức đầu tư dự kiến 7.902 tỷ đồng, đang ở giai đoạn đầu tiên là trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dự án. Hiện đơn vị tư vấn đã có Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.

Theo UBND TP Đà Nẵng, những vướng mắc khiến nhiều dự án trọng điểm chưa thể triển khai đầu tư là thủ tục, nguồn vốn. Nhiều dự án cần có ý kiến chỉ đạo của Trung ương theo quy định, trong khi việc hoàn thành các thủ tục đầu tư tốn nhiều thời gian, qua nhiều ngành và cấp khác nhau, dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện  chậm (cảng Liên Chiểu, các khu công nghiệp mới, Làng đại học Đà Nẵng, di dời ga đường sắt, công tác giải tỏa đền bù một số dự án...). Ngoài ra, các văn bản, quy định, hướng dẫn từ Trung ương không thống nhất, chậm triển khai nên TP gặp khó khăn khi xây dựng các chính sách, quy trình cũng như đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính thường xuyên bị thay đổi (bị thay thế, sửa đổi, bổ sung bởi văn bản quy phạm pháp luật mới) tạo áp lực lớn khiến các sở, ban, ngành phải liên tục dự thảo Quyết định công bố thủ tục hành chính mới, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và tiến độ công bố, công khai thủ tục hành chính, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi, đôn đốc công bố thủ tục hành chính.

HẢI QUỲNH