Vì sao Tổng thống Putin vẫn im lặng?
(Cadn.com.vn) - Việc Tổng thống Putin im lặng trước những cuộc tấn công mạnh mẽ của quân đội Ukraine ở miền đông có thể gây ra phản ứng dữ dội ở trong nước.
3 tuần trước khi bị quân đội Ukraine đánh bật ra khỏi thành phố chiến lược Slaviansk ở miền đông, chỉ huy phe nổi dậy kêu gọi Nga giúp đỡ quân sự. Tuy nhiên, theo Reuters, giờ đây, khi quân đội Kiev liên tiếp mở những cuộc tấn công mạnh mẽ, từng bước đẩy lùi phe nổi dậy ra khỏi nhiều thành phố quan trọng ở miền đông, Điện Kremlin vẫn im lặng.
Hiện trường một vụ giao tranh ở thành phố Slaviansk. Ảnh: AP |
Vì sao Tổng thống Vladimir Putin phớt lờ những lời kêu gọi ngày càng tuyệt vọng của phe nổi dậy, trong đó có yêu cầu gửi hàng ngàn binh sĩ Nga đóng quân tại biên giới để giúp đập tan lực lượng binh sĩ non yếu hơn của Ukraine? Giới phân tích chưa rõ vì sao ông Putin lại phản ứng bất ngờ như thế này. Sự bí ẩn của Điện Kremlin khiến một quan chức Mỹ phải thốt lên đầy tuyệt vọng: “Chỉ có một người duy nhất biết ông Putin đang có kế hoạch gì. Đó là ông Putin”.
Rõ ràng, với tình hình hiện nay, phe nổi dậy có thể sẽ bị đánh bại thảm hại. “Sự kiện Slaviansk” không chỉ là bước ngoặt trong chiến dịch quân sự của Tổng thống Petro Poroshenko chống lại phe nổi dậy mà còn là minh chứng cho thấy tầm ảnh hướng đang yếu dần của Moscow ở miền đông Ukraine. Nhưng rồi trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh liên tục cảnh báo về khả năng “sẽ buộc Nga phải trả giá đắt hơn nếu không có những bước đi khẩn trương nhằm hạ nhiệt căng thẳng”, giới phân tích cho rằng, sự im lặng của ông Putin là “có lý do xác đáng”.
Có thể, sau sự kiện Crimea, Nga không muốn can thiệp quá nhiều vào miền đông Ukraine, một mặt để ngăn chặn lệnh trừng phạt mới của phương Tây và mặt khác giảm nguy cơ bất ổn trên biên giới. Trong vài tuần qua, ông chủ Điện Kremlin rút hầu hết binh sĩ khỏi khu vực biên giới, yêu cầu quốc hội hủy bỏ nghị quyết cho phép ông điều quân đến Ukraine và nỗ lực tham gia các kênh ngoại giao với phương Tây.
Theo giới quan sát, mục tiêu của ông Putin là tìm cách giảm căng thẳng ở Ukraine mà không bị mất mặt trong bối cảnh đang đứng ở ngã ba định mệnh. Từ bỏ phe nổi dậy có nguy cơ gây nguy hại cho người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine và làm bùng nổ chỉ trích ở trong nước. Nhưng lựa chọn khác – điều quân đến miền đông để giúp phe nổi dậy - sẽ dẫn đến cuộc đối đầu không thể tránh khỏi với các nước phương Tây – những đối tác kinh tế quan trọng của Moscow.
Ukraine: Cái giá ngả theo phương Tây là “quá đắt” Phát biểu tại hội nghị do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ để điều phối sự hỗ trợ của quốc tế dành cho Kiev, Phó Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman cho rằng, cái giá mà họ phải trả khi ngã theo phương Tây là “quá đắt”. Ông Groysman cũng kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ giải quyết cái giá "quá đắt” này đồng thời nhấn mạnh cam kết giải quyết vấn nạn tham nhũng. |
Tổng thống Putin có nhiều lý do để đánh bạc với Ukraine khi người đồng cấp Proshenko đưa ra kế hoạch hòa bình bao gồm lời hứa phân cấp và trao thêm quyền lực cho các khu vực và cho phép họ xây dựng mối quan hệ chính trị và kinh tế với Moscow. Kế hoạch này cũng đảm bảo quyền lợi của người nói tiếng Nga, một trong những nhu cầu chính mà Nga và phe nổi dậy đặt ra trong suốt cuộc xung đột. Nhưng Moscow còn muốn lực lượng gìn giữ hòa bình được phép vào miền đông Ukraine, mặc dù phương Tây lo ngại, lực lượng này có thể là quân tiếp tế phe nổi dậy.
Những động thái ông Poroshenko vạch ra cơ hội để Moscow tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở quốc gia thuộc Liên Xô cũ và là vùng lãnh thổ mà nhiều người xem là cái nôi của nền văn minh Nga. Ông Putin cũng giành được sự nhượng bộ quan trọng nhất: Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Tổng thống Putin nhiều lần nói rõ, Moscow sẽ không cho phép Ukraine gia nhập liên minh từng là kẻ thù Chiến tranh Lạnh bởi vì làm như vậy sẽ là mối đe dọa an ninh quá lớn cho Moscow.
Nhưng nhà lãnh đạo của Nga không thể đánh bạc thêm được nữa khi lợi ích kinh tế đang bị đe dọa. Dù Điện Kremlin vẫn im lặng, lãnh đạo phe nổi dậy Alexander Borodai ngày 8-7 vẫn đe dọa sẽ tiến hành phản công, gieo thêm những căng thẳng ở chảo lửa miền đông Ukraine.
Khả Anh