Vì sao Tổng thống Trump chọn ông Mike Pompeo?

Thứ bảy, 17/03/2018 15:26

Sau nhiều đồn đoán, Tổng thống Donald Trump cuối cùng đã đề cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo làm Ngoại trưởng Mỹ sau quyết định sa thải đầy bất ngờ dành cho ông Rex Tillerson. Ông Trump đã ca ngợi ông Pompeo là người "luôn trên cùng một bước sóng", điều mà ông không thể có với cựu Ngoại trưởng Tillerson.

Tân Ngoại trưởng Mỹ được cho là có cùng quan điểm với tổng thống Trump trong nhiều vấn đề. Ảnh: AP

Được lòng tổng thống

"Tôi đã làm việc với Mike Pompeo trong một khoảng thời gian, ông ấy luôn tràn đầy năng lượng và trí tuệ. Chúng tôi luôn có cùng bước sóng, mối quan hệ này luôn tốt đẹp và đó là điều tôi cần ở một Ngoại trưởng", Tổng thống Trump cho biết.

Ông Pompeo có một sự nghiệp rất thành công. Ông từng học trường Luật Harvard và tốt nghiệp thủ khoa Học viện Quân sự West Point. Ông cũng từng làm luật sư chuyên về doanh nghiệp, một doanh nhân thành công. Tuy nhiên, ông được cho là có quan điểm cứng rắn và những phát ngôn gây tranh cãi. Phong cách tương đồng với Tổng thống Trump khiến ông được lòng nhà lãnh đạo này. "Ông Pompeo nhìn chung có quan điểm cứng rắn về các vấn đề an ninh quốc gia", Ian Bremmer, giám đốc Cty phân tích chính trị Eurasia Group, nhận định. "Ông ấy thông minh, nhưng cũng nóng nảy. Đây là tính cách mà ông Trump thích, nhưng chưa chắc đã tốt cho việc cân bằng các chính sách an ninh quốc gia".

Theo giới phân tích Mỹ, ông Tillerson chịu trách nhiệm điều hành bộ máy ngoại giao của Mỹ, tuy nhiên trong thời gian qua, ông đã thất bại trong việc bảo vệ cơ quan này trước sự cắt giảm ngân sách, cũng như để trống nhiều chức vụ cao cấp trong Bộ Ngoại giao. Trái lại, ông Pompeo lại được sự tín nhiệm cao của CIA và được đánh giá là một người quản lý tốt. Ý kiến của ông rất có trọng lượng và luôn được Tổng thống Trump lắng nghe. Những người ủng hộ cho rằng, ông Pompeo là lựa chọn thích hợp với vai trò nhà ngoại giao số một hơn ông Tillerson, người đã không ít lần phát biểu trái ngược với tổng thống Mỹ. Vì vậy, họ cho rằng nguyên thủ các nước sẽ tin tưởng lời nói của ông với tư cách là sứ giả phản ánh chính xác quan điểm của Trump hơn là ông Tillerson.

Ông Pompeo cũng đồng quan điểm với Tổng thống Trump về biến đổi khí hậu khi cho rằng, Hiệp định về biến đổi Paris sẽ là "gánh nặng tốn kém" đối với Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ rút hoặc chỉnh sửa một số thỏa thuận thương mại mà ông Trump cho là gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ như thỏa thuận NAFTA hay Hiệp định thương mại song phương (FTA) Mỹ-Hàn. Nhiều nhà phân tích cho rằng, ông Pompeo sẽ giúp Tổng thống Trump đưa học thuyết "Nước Mỹ trên hết" tiến gần hơn với thực tiễn, bởi ông luôn có quan điểm ủng hộ xu thế này.

Quan điểm cứng rắn

Trong khi ông Tillerson nhiều lần đưa ra những phát ngôn kiềm chế hoặc phản đối những quyết định của Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Iran, Nga, Triều Tiên, thương mại và khí hậu, thì ông Pompeo đã chứng minh được ông là người trung thành với mọi quyết sách của nhà lãnh đạo Mỹ. Nhà phân tích Darrell West nhận định, với việc trao cho ông Pompeo vị trí chủ chốt này, Tổng thống Trump sẽ có nhiều tự do hơn để thực thi các quyết sách về đối ngoại và ông sẽ ít kiềm chế hơn trong hành động.

Về vấn đề Iran, trong khi ông Rex Tillerson luôn nhiệt thành bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran và thuyết phục tổng thống không nên rút khỏi thỏa thuận này, ông Pompeo lại khuyến khích ông Trump hủy bỏ thỏa thuận và từng ủng hộ thay đổi thể chế Iran. Tờ Politico cho rằng, việc ông Pompeo thay thế ông Tillerson sẽ mở đường cho ông Trump hủy bỏ thỏa thuận.

Về quan hệ với Nga, giới phân tích nhận định, trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông Pompeo sẽ tăng cường chính sách cứng rắn đối với Moscow. "Nếu ông Pompeo được phê chuẩn, chúng tôi hy vọng ông Pompeo sẽ mở ra một trang mới của ngành ngoại giao và bắt đầu thắt chặt chính sách đối với Nga và Tổng thống Vladimir Putin", Lãnh đạo đảng Dân chủ trong Thượng viện Chuck Schumer viết trên Twitter. Nhưng nhiều người lo ngại, việc bổ nhiệm cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo làm Ngoại trưởng Mỹ sẽ không mang lại những thay đổi theo chiều hướng ấm lên trong mối quan hệ đang ngày càng nguội lạnh giữa Nga - Mỹ".

AN BÌNH