Vì sao Triều Tiên trở lại thái độ thù địch với Hàn Quốc?

Thứ tư, 10/06/2020 13:38

Triều Tiên đã ngừng mọi liên lạc với Hàn Quốc từ ngày 9-6, tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có khả năng đang áp dụng lập trường đối đầu hơn với Seoul sau hơn 2 năm gièm pha và thất bại trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Theo Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo: Triều Tiên đã không trả lời các cuộc điện thoại vào sáng 9-6 từ phía Hàn Quốc qua các đường dây nóng quân sự liên Triều.

Một sĩ quan Hàn Quốc sử dụng đường dây nóng quân sự với Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Lần đầu tiên từ năm 2018

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho biết, cuộc gọi đến đường dây nóng văn phòng liên lạc chung, mà Triều Tiên cho biết họ đã đóng cửa hôm 5-4, cũng không được trả lời. Ông Choi Hyun-soo khẳng định đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng không phản hồi cuộc gọi kể từ khi các đường dây nóng được khôi phục vào năm 2018. Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh các đường dây liên lạc giữa hai miền là phương tiện trao đổi cơ bản và nên được duy trì theo đúng các thỏa thuận giữa hai nước. Quan chức này nêu rõ bên cạnh việc tuân thủ các thỏa thuận liên Triều, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường nỗ lực hướng tới hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên. Động thái diễn ra sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố cắt đứt các đường dây thông tin liên lạc với Soeul, trong bước đi đầu tiên nhằm phản đối cái mà họ mô tả là một hành động "thù địch”.

Trước đó cùng ngày, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này sẽ cắt các đường dây liên lạc quân sự và chính trị với Hàn Quốc vào ngày 9-6 sau những đe dọa liên quan tới các nhà hoạt động gửi truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều. Theo KCNA, Bình Nhưỡng "sẽ cắt đứt hoàn toàn và đóng đường dây liên lạc giữa các giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc vốn được duy trì thông qua văn phòng liên lạc chung liên Triều" cũng như các đường dây liên lạc khác "từ 12 giờ ngày 9-6-2020". KCNA nêu rõ các đường dây bị cắt bao gồm các đường dây liên lạc trên biển giữa quân đội hai nước, đường dây liên lạc thử nghiệm liên Triều và đường dây nóng giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên với Phủ Tổng thống Hàn Quốc. Những đường dây này được coi là quan trọng bởi vì chúng có thể giúp ngăn chặn một cuộc đối đầu quân sự tình cờ do các hành động hoặc tính toán gây hiểu nhầm của mỗi bên.

Giới chức quân sự hai miền Triều Tiên thường xuyên điện đàm 2 lần/ngày vào lúc 9 giờ và 16 giờ thông qua các đường dây thông tin liên lạc miền Đông và miền Tây cho tới ngày 8-6, bất chấp việc Triều Tiên không hồi đáp cuộc điện thoại của văn phòng liên lạc Hàn Quốc vào buổi sáng cùng ngày. Các đường dây nóng liên Triều đã ngừng hoạt động trong nhiều năm và được khôi phục trong năm 2018.

Đối phó như một “kẻ thù”

Đây là động thái mới nhất của Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ hai miền căng thẳng liên quan tới việc các nhà hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều. Ngày 5-6 vừa qua, Bộ Mặt trận thống nhất Triều Tiên (UFD) - cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, tuyên bố sẽ xóa bỏ văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Kaesong ở Triều Tiên, nếu Seoul không ngăn chặn tình trạng thả tờ rơi có nội dung chống Bình Nhưỡng. Đáp lại, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định vẫn tuân thủ các thỏa thuận đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên như Tuyên bố Panmunjom - thỏa thuận giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong Hội nghị thượng đỉnh tại làng đình chiến Panmunjom hồi tháng 4-2018.

Trong thời gian qua, quan hệ liên Triều đã gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Wasington rơi vào bế tắc, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2-2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Triều Tiên cho rằng, thả truyền đơn là một hành động thù địch vi phạm các thỏa thuận hòa bình mà hai bên đã ký kết trong một loạt các hội nghị thượng đỉnh năm 2018, bao gồm một thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự kêu gọi dừng mọi hành động thù địch dọc biên giới. Bình Nhưỡng cho biết họ sẽ đối phó với Seoul như một "kẻ thù".

Các quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp có sự tham dự của bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và Kim Yong-chol, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK). Trong cuộc họp, họ nhấn mạnh rằng “hành động đối với miền Nam nên hoàn toàn biến thành chống lại kẻ thù" đồng thời thảo luận về "kế hoạch theo giai đoạn" cho quá trình chuyển đổi "để khiến những kẻ phản bội phải trả giá cho tội ác của chúng”.

AN BÌNH

>> Triều Tiên đe dọa hủy thỏa thuận quân sự, Hàn Quốc xuống nước

>> Ai đe dọa an ninh Mỹ nhiều hơn: Triều Tiên hay Iran?