Vì sao Trung Quốc "hướng Tây"?

Thứ bảy, 25/01/2014 10:29

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc đang tìm kiếm các tuyến đường cung cấp năng lượng mới nằm về phía Tây. Liệu điều này có ảnh hưởng đến chiến lược phía đông của nước này?

Thế giới đang chú ý đến việc mở rộng hướng biển nhanh chóng của Trung Quốc. Bên cạnh tham vọng chiến lược vươn ra Thái Bình Dương, nỗi ám ảnh của Trung Quốc với biển Hoa Đông và biển Đông cũng phản ánh nhu cầu bảo đảm tuyến đường biển quan trọng đối với các lô hàng năng lượng từ Trung Đông.

Luôn luôn đói năng lượng, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới trong nhiều năm qua lặng lẽ khám phá các tuyến đường cung cấp mới, bổ sung vào các tuyến đường biển truyền thống mở rộng thông qua Ấn Độ Dương, eo biển Malacca, biển Đông và biển Hoa Đông đến các cảng trên bờ biển phía Đông Trung Quốc.

Một trong những tuyến đường mới này, được Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "con đường tơ lụa mới", kéo dài từ biên giới phía Tây của Trung Quốc qua Trung Á đến khu vực giàu dầu mỏ Trung Đông.

Cuối cùng, con đường tơ lụa này có thể vươn đến Châu Âu bằng đường sắt. Trên thực tế, dự án lớn này cũng gắn liền với sự thay đổi sâu rộng trong phát triển kinh tế nội bộ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chính sách "hướng Tây"

Phát triển trục phía Tây là sự thay đổi trọng tâm trong phát triển kinh tế đất nước, từ các vùng ven biển phía Đông đã bão hòa về kinh tế tới các khu vực nội địa về phía Tây.

Sự thay đổi này trở nên cấp bách hơn vì các cuộc tấn công ở Quảng trường Thiên An Môn hồi cuối năm 2013 cho thấy sự bất mãn ở các vùng nội địa nghèo đang gia tăng đến mức nguy hiểm.

Bất bình xã hội có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có chính sách dân tộc và xung đột tôn giáo. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Bắc Kinh tin rằng, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ kinh tế lạc hậu của khu vực phía Tây so với phía Đông. Hy vọng, Bắc Kinh đầu tư cho vùng nội địa nghèo sẽ giúp làm dịu những bất ổn xã hội đáng lo ngại.

Sự thay đổi nguồn lực kinh tế mang lại khởi đầu cho bùng nổ kinh tế ở các tỉnh nội địa, gây ra tác động đáng chú ý từ năm 2010. Khi phát triển kinh tế trong khu vực nội địa phía Tây, nhiều công nhân trong các khu vực này đã chọn việc làm tại địa phương thay vì di chuyển đến các khu vực công nghiệp ven biển phía Đông.

Điều này làm bùng nổ tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong các khu vực công nghiệp như Thượng Hải và Quảng Châu, gây ra sự suy giảm trong môi trường đầu tư ở Bắc Kinh.

Một khi hoạt động kinh tế phát triển, nhu cầu năng lượng cũng tăng lên. Đây là nguyên nhân thúc đẩy các chiến lược gia Trung Quốc khám phá tuyến đường cung cấp trực tiếp hơn từ phía Tây, thay thế tuyến đường truyền thống vận chuyển năng lượng từ Trung Đông đến các cảng phía đông, rồi một lần nữa vận chuyển đến phía tây.

Trung Quốc tập trung phát triển khu vực phía Tây xa xôi. Ảnh: Reuters

Con đường tơ lụa mới

Đề án cung cấp năng lượng trực tiếp cho phía Tây đòi hỏi Trung Quốc phải được lập kế hoạch cẩn thận và tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi trong khu vực Trung Á.

Trung Quốc xây dựng mối quan hệ thân thiết với Pakistan, nơi Bắc Kinh mua lại quyền quản lý cảng quan trọng chiến lược Gwadar ở Vịnh Ba Tư hồi năm ngoái.

Bắc Kinh cũng đặc biệt tăng cường sự đoàn kết trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, gồm Trung Quốc, Nga, và tất cả các quốc gia Trung Á. Bắc Kinh cũng cải thiện mối quan hệ với Afghanistan khi hai nước chia sẻ đường biên giới hẹp ở Wakhan. Nếu đi qua khu vực này, Trung Quốc chỉ cách khu vực giàu dầu mỏ Trung Đông vài trăm ki-lô-mét.

Đặc thù địa lý chiến lược này khiến Trung Quốc mơ xây dựng đường ống dẫn từ Iran, trên khắp Afghanistan, đến Tân Cương. Khi Mỹ đem quân đến Afghanistan vào năm 2001, Trung Quốc khó chịu với sự hiện diện của một hạm đội khổng lồ Mỹ ở sân sau. Nhưng họ nhanh chóng nhận ra, các hoạt động chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan mang lại nhiều lợi thế cho mình.

Các hoạt động quân sự của Mỹ tại Afghanistan làm suy yếu các mối đe dọa khủng bố. Khi Washington rời Afghanistan và Nga vẫn còn tổn thương bởi kinh nghiệm cay đắng của mình tại quốc gia Nam Á này, một mình Trung Quốc có khả năng lấp đầy khoảng trống về địa chính trị trong phần lục địa Âu-Á.

Tuyến Đông Nam Á

Dựa trên những cân nhắc về hiệu quả và địa chính trị, Trung Quốc cũng khám phá tuyến đường cung cấp năng lượng thứ ba, qua Đông Nam Á.

Trải qua những thất bại với vụ tai nạn đường sắt khủng khiếp năm 2011 và những bê bối tham nhũng quy mô lớn tại Bộ Đường sắt, Bắc Kinh giờ đây dường như đã có đủ kinh nghiệm. Chuyến thăm đến Đông Nam Á của các nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường hồi tháng 9 và 10 giúp làm sống kế hoạch này và Trung Quốc giờ đây đã có thể trở lại cuộc cạnh tranh với các tập đoàn Nhật Bản và Châu Âu.

Trong thời gian tới, Thái Lan là mục tiêu chính của dự án đường sắt, nhưng kế hoạch cuối cùng của Trung Quốc là xây dựng một mạng lưới rộng lớn các tuyến đường sắt cao tốc từ Côn Minh đến Singapore, qua Lào, Thái Lan, Myanmar và Malaysia.

An Bình

(Theo Diplomat)