Vì sao trường học ngày càng thiếu giáo viên nam? (Bài 1: Kinh tế cùng xu thế xã hội quyết định sự lựa chọn ngành nghề)

Thứ hai, 07/06/2021 18:00

Thực trạng ngành sư phạm nhiều năm qua không thu hút học sinh giỏi vào học đã được giới báo chí, giới chuyên môn và xã hội đề cập nhiều. Tuy nhiên, chưa có ai đề cập đến chuyện ngày càng thưa vắng học sinh nam học giỏi đăng ký ngành này. Vì thế, trong quá trình tìm hiểu, người viết gặp không ít khó khăn do một số nhà quản lý giáo dục quan ngại nếu đặt vấn đề không khéo sẽ dễ bị hiểu nhầm giữa mất cân bằng giới với phân biệt giới.

Trường học ở Đà Nẵng ngày càng thiếu vắng GV nam (ảnh có tính chất minh họa).

Ý tưởng để người viết quyết tâm thực hiện đề tài này bắt nguồn từ sự thắc mắc của cậu bé lớp 6 THCS: “Con tưởng lên lớp 6 sẽ được học với nhiều thầy giáo. Ai ngờ y chang cấp một, toàn cô giáo. Trường nào cũng thế hay chỉ có trường con thôi ạ?”.

Những con số… biết nói

Tìm hiểu thực trạng giáo viên (GV) nam ở các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, người viết thực sự giật mình. So với GV nữ, tỷ lệ GV nam quá thấp. Đơn cử tại Q.Sơn Trà, tỷ lệ GV nam ở các cấp bậc học như sau: Tiểu học (TH): 10%, THCS: 20%, THPT: 30%; riêng bậc mầm non (MN): 0%. Q.Hải Châu cũng tương tự như thế. Và đây cũng là tỷ lệ chung của toàn thành phố.

Ông Ngô Văn Nhân - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP cho hay, thực trạng này diễn ra trong nhiều năm nay. Ngay như ở bậc THPT (bậc có GV nam nhiều hơn so với các bậc học khác), trong mùa thi tuyển công chức năm 2020, chỉ tiêu xác suất toàn TP khoảng 100 người nhưng cũng chỉ có khoảng 30 GV nam. Nhiều trường THPT cứ đến mùa thi tuyển công chức lại liên hệ Sở để xin GV nam do quá thiếu. “Nếu trước đây chừng 20 năm, số lượng GV nam ở các trường học trên địa bàn TP nhiều thì nay rất ít. HS nam có học lực giỏi thời nay không “mặn mà” đăng ký tuyển sinh vào ngành sư phạm”- ông Ngô Văn Nhân trăn trở chia sẻ.

Ngay như trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) - nơi đào tạo nguồn nhân lực GV cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, tỷ lệ giảng viên nam cũng chỉ có 45%, còn giảng viên nữ chiếm 55%. PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, chỉ có 1 nam SV hệ chính quy ĐH học khoa MN. Theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng Phòng Công tác sinh viên trường ĐH Sư phạm, tổng số SV toàn ngành sư phạm của trường giai đoạn 2016-2020 là 3.354 em nhưng chỉ có 579 SV nam (chiếm tỷ lệ 17,3%).

Nếu tính theo từng năm thì tỷ lệ SV nam đăng ký và trúng tuyển vào ngành sư phạm ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ SV nam đạt 22,6% thì đến năm 2018 còn 16,7%, năm 2019 chỉ còn 15,2% và năm 2020 giảm xuống còn 14,1%. Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, trong mùa tư vấn tuyển sinh năm 2021, nhà trường nhận được rất nhiều câu hỏi, quan tâm của các em cuối cấp THPT với ngành sư phạm, nhưng đa phần là học sinh nữ. Vì thế, ông San dự đoán, kết thúc mùa tuyển sinh năm 2021 này, tỷ lệ SV nam vào học ngành sư phạm của trường cũng sẽ không được cải thiện gì nhiều.

Đâu là nguyên nhân?

Kể từ khi đất nước mở cửa hội nhập, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, xu hướng cũng như cơ hội chọn lựa ngành nghề ở Việt Nam ngày càng mở rộng. Theo đó, một số ngành nghề trước đây được xã hội coi trọng, “có giá” không còn là ưu tiên số 1 đối với giới trẻ trước ngưỡng cửa lập thân. Trong đó, có nghề giáo.

“Xu hướng phát triển của xã hội hiện nay: công nghệ và kinh tế đã tác động đến định hướng nghề nghiệp, làm lệch cơ cấu phát triển đối với ngành sư phạm. Bên cạnh bức tranh tươi sáng về nghề giáo những mảng tối của ngành cùng áp lực từ xã hội thời đại CNTT bùng nổ khiến giới trẻ ngày nay không mặn mà với nghề giáo, nhất là với các nam sinh học giỏi, có nhiều hoài bão lớn” - bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hải Châu bày tỏ. Từ quan điểm này, ông Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh - cũng có những suy nghĩ, trăn trở: “Ngoài các yếu tố: kinh tế, đầu ra khó xin việc làm, mức lương chưa đảm bảo trang trải cuộc sống và đầu tư chuyên môn, tác động xã hội (dư luận) thì đặc thù nghề nghiệp cũng là một trong những “rào cản” để HS có học lực khá giỏi là nam giới đăng ký tuyển sinh vào ngành sư phạm ngày càng ít đi”.

Ông cũng cho biết thêm: “Và…nói gì thì nói, tâm lý phần đông đàn ông vẫn muốn mình là trụ cột trong gia đình. Nhưng với mức lương như hiện nay đối với ngành giáo dục nói riêng, các ngành khác nói chung, khó tạo được sự hấp dẫn để các em nam học giỏi thi vào ngành sư phạm. Thử đem lên bàn cân: một SV tốt nghiệp loại khá-giỏi khối kỹ thuật, IT (CNTT) ra trường phần đông được các doanh nghiệp trong, ngoài nước tuyển dụng với mức lương hấp dẫn, trong khi đó đơn cử một SV sư phạm tốt nghiệp bằng cử nhân loại khá - giỏi sau khi ra trường phải trải qua kỳ thi tuyển công chức, nếu trúng tuyển GV THPT được nhận đúng hệ số lương khởi điểm 2,34…Với thực trạng đó, tất yếu sẽ có “hiện tượng học sinh nam ngày càng xa ngành SP”.

Theo ông Võ Trung Minh - Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà, thời bao cấp, người học ngành sư phạm khi ra trường được bố trí việc làm được xem như ổn định và nhàn hạ. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, nhìn vào điều kiện sống của các gia đình có mức thu nhập khá giả không phải từ nghề giáo, không chỉ có người lớn mà ngay trẻ em cũng có sự so sánh. “Có không ít phụ huynh (PH) ngày nay khi định hướng cho con em đều khuyên không nên đăng ký ngành sư phạm vì cánh cửa đầu ra quá hẹp. Thử hỏi, ở mỗi môn học chỉ tiêu tuyển biên chế ngành giáo dục chỉ lấy từ 1 - 2 người, trong khi đăng ký cả trăm. Nhu cầu tuyển dụng thì ít, trong khi đó các trường ĐH đào tạo theo khả năng của trường”- ông Võ Trung Minh bộc bạch.

Ngoài những lý do trên, theo ông Phạm Tấn Ngọc Thụy- Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Hoa Thám - chính sách tuyển dụng ngành sư phạm chưa có những bước đi bài bản. “Ngay như trong công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, rất ít trường ĐH Sư phạm trực tiếp đến các trường học để cung cấp thông tin. Thông tin về ngành sư phạm bị lọt thỏm giữa ngồn ngộn các thông tin của các ngành nghề “hot” hiện nay. Điều đó càng khiến học sinh giỏi nam ngày càng xa ngành sư phạm” - ông Ngọc Thụy chia sẻ.

Đem vấn đề này trao đổi với Hiệu trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), người viết nhận được tiếng thở dài đầy trăn trở từ ông. PGS.TS Lưu Trang cho biết, tại nhiều diễn đàn của ngành, ông từng đề cập đến vấn đề này. Theo ông, dù Nhà nước có nhiều chính sách thu hút HS giỏi thi sư phạm như hỗ trợ học phí, và sắp tới đây là hỗ trợ chi phí sinh hoạt, nhưng mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở triển vọng công việc sau khi học xong.

(còn nữa)

Phan Thủy

Đà Nẵng xét nghiệm cho toàn bộ thí sinh và người làm công tác thi tuyển sinh vào lớp 10

Chiều 6-6, ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng- cho biết: 45 cán bộ thuộc Ban ra đề và in sao đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 vừa được ngành Y tế thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đều có kết quả âm tính. Ngày 12-6 tới đây, lực lượng làm thi sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và ngày 13-6, toàn bộ thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các trường THPT công lập ở Đà Nẵng có 13.360 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, 13.157 thí sinh đăng ký nguyện vọng 2;  dự thi tại 31 điểm thi và 1 điểm thi dự phòng. Trong kỳ thi này, ngành điều 186 lãnh đạo và thư ký điểm thi; 1.375 cán bộ coi thi; 272 cán bộ giám sát; 408 nhân viên y tế, phục vụ, bảo vệ; 78 cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra thi. 

P.Thủy