Vì sao trường học ngày càng thiếu giáo viên nam? ( Bài 2: Các nhân vật chính nghĩ gì về ngành sư phạm?)

Thứ ba, 08/06/2021 13:48

Khảo sát một số học sinh (HS) nam đang học năm cuối THPT có học lực giỏi tại Đà Nẵng trước ngưỡng cửa đăng ký chọn ngành nghề, đa phần cho biết, sư phạm không phải là ngành được các em đặt lên vị trí ưu tiên số 1, dù trước đó từng có ý nghĩ theo đuổi ngành này.

Những nam sinh học giỏi ngày nay không mấy mặn mà với ngành sư phạm.  Ảnh minh họa

Là HS giỏi 11 năm liền, Châu Quang Hưng - HS lớp 12/7 Trường THPT   Hoàng Hoa Thám (Q.Sơn Trà) thổ lộ, lớp 10 vì ngưỡng mộ phong cách giảng dạy của thầy Tấn dạy Sinh học, em từng ước mơ sẽ trở thành thầy giáo. Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề để nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào đại học, nghe theo lời khuyên của ba mẹ, em không chọn ngành sư phạm. “Ba mẹ nói ngành sư phạm ra trường khó xin việc làm, lương thấp, khó lo được cho gia đình và bản thân. Là con trai đầu, gia đình không khá giả gì, vì vậy, sau khi cân nhắc, em quyết định đăng ký dự thi vào nha khoa để sau này có điều kiện giúp đỡ gia đình...”, Quang Hưng chia sẻ. 

Cùng lý do như Hưng, em Võ Huỳnh Nguyên - lớp trưởng 12/15 Trường THPT Phan Châu Trinh, học sinh giỏi liên tục trong 12 năm cho hay, dù rất thích ngành sư phạm nhưng người nhà (làm trong nghề sư phạm) khuyên không nên đăng ký dự thi vào ngành này bởi lương thấp, đầu ra khó xin việc làm. “Tuy rất thích nghề sư phạm, nhưng nghe người lớn định hướng, em chọn giải pháp an toàn hơn cho cuộc sống và tương lai sau này. Hơn nữa, gia đình em cũng khó khăn, trong nhà có người tiền sử bệnh tim và tiểu đường. Vì thế, em quyết định đăng ký thi vào bác sĩ đa khoa”, Nguyên bộc bạch. Cũng theo Nguyên, ngoài người thân, một số thầy cô tâm huyết với nghề mà em đã từng theo học trong quãng đời THCS, THPT cũng khuyên HS nếu đam mê không đủ lớn thì không nên theo nghề giáo... “Mặt khác, em cũng không thích dạy đi dạy lại một chương trình từ năm này sang năm khác, nó khá nhàm chán”, Nguyên bày tỏ suy nghĩ thêm về nghề sư phạm.

Cũng giống như Nguyên và Hưng, Trương Quốc Nhật - lớp trưởng lớp 12/1 trường THPT Hoàng Hoa Thám- tâm sự, là bí thư Chi đoàn Đa Mặn 2A P.Khuê Mỹ (Q.Ngũ Hành Sơn), từng tham gia các hoạt động dạy phụ đạo miễn phí cho các em nhỏ trong khu phố nên em cũng từng có suy nghĩ sẽ đăng ký ngành sư phạm. Tuy nhiên, ba mẹ em không thích ngành này. Rồi qua sinh hoạt đoàn đội, tham gia vào các hoạt động xã hội tại địa phương, em thích ngành công an, mơ ước được khoác trên vai màu áo của lực lượng an ninh nhân dân. Vì thế, em đã đăng ký dự thi vào ngành Công an. Và dù thích ngành sư phạm, nhưng nguyện vọng 2 của Nhật lại là ngành kinh tế...  
Không giống như các bạn, Nguyễn Hữu Trọng - HS lớp 12/9 trường THPT Phan Châu Trinh- dù được cha mẹ ủng hộ theo nghề “gõ đầu trẻ”, nhưng em vẫn quyết định đăng ký dự thi vào ngành CNTT trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. “Hồi nhỏ em cũng thích được trở thành thầy giáo. Nhưng đó chỉ là ý thích đầy cảm tính thôi. Lớn lên, qua tìm hiểu các ngành nghề, em quyết định không thích chọn nghề sư phạm vì ngành nghề này tương lai không rộng mở bằng các ngành nghề khác. Và em chọn khoa học máy tính. Trong thời đại công nghệ 4.0 này, CNTT, khoa học máy tính rất có tương lai”, Trọng cho biết. Theo quan điểm của Trọng, nếu ước mơ cùng tình yêu đủ lớn thì dù ba mẹ có ngăn cản, em cũng sẽ theo nghề em thích.

Không riêng gì 4 nam sinh trên, có không ít HS nam học lực giỏi-khá, gia đình có hoàn cảnh khó khăn (ngành sư phạm được miễn giảm học phí, đặc biệt bắt đầu từ năm học 2021-2022 sẽ được nhà nước hỗ trợ chi phí sinh hoạt với mức 3,6 triệu đồng/tháng) nhưng cũng không ưu tiên chọn sư phạm là nguyện vọng 1. Hỏi vì sao, câu trả lời đều có mẫu số chung: do cánh cửa đầu ra xin việc làm quá hẹp, lương tương đối thấp không đảm bảo trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình.

Nhiều HS nam không đồng tình với quan điểm cho rằng, sở dĩ HS giỏi, đặc biệt là nam giới không đăng ký học ngành sư phạm là do những mảng tối của ngành sư phạm cùng áp lực từ xã hội. Quang Hưng- Quốc Nhật cùng có suy nghĩ: “Với chúng em, việc ngưỡng mộ, tôn trọng, yêu thương thầy cô là nhìn vào chính bản thân của mỗi thầy, cô mà thôi. Không thể vì có hiện tượng của một số thầy cô giáo có cách ứng xử, hành xử không đẹp hoặc một số tiêu cực trong ngành sư phạm để quy chụp, đánh giá chung cho cả một ngành. Cách đánh giá đó là không công bằng. Còn về áp lực công việc, áp lực từ xã hội thì chúng em nghĩ bất kỳ ngành, nghề nào cũng có, không riêng gì ngành sư phạm”. 

Khánh Ngọc- SV năm thứ tư trường ĐH Kinh tế, ĐHĐN nói thêm, có khác chăng, đây là ngành nghề hết sức đặc thù đòi hỏi sự mô phạm, chuẩn mực gần như tuyệt đối. “Vì thế khi một hay vài thầy, cô giáo nào đó mắc phải lỗi lầm, sai trái sẽ bị xã hội soi mói, chỉ trích nhiều hơn từ dư luận”, Khánh Ngọc nói. Cũng theo SV này, ngoài trình độ tri thức phải giỏi, nghề giáo đòi hỏi người thầy phải có kỹ năng sư phạm, kỹ năng truyền đạt và truyền cảm hứng cho HS. “Với em, một thầy cô giáo giỏi phải là người có khả năng truyền đạt kiến thức sao cho HS trung bình- yếu đều hiểu được bài, còn HS khá giỏi vẫn thấy mới mẻ, hấp dẫn, không bị nhàm chán. Vì không có khả năng đó nên em không đăng ký thi sư phạm…”, Khánh Ngọc chia sẻ thêm. 

Từ một ngành rất có “giá” với điểm chuẩn và tỷ lệ chọi cao, ra trường được bố trí việc làm, tầm 20 năm trở lại đây, sư phạm không còn là ngành “hot” được các ông bố, bà mẹ cũng như người học lựa chọn. Thậm chí, có lúc, điểm sàn của rất nhiều ngành sư phạm chỉ còn 15 điểm, kể cả những trường có thương hiệu về đào tạo nguồn nhân lực cho nghề giáo. Đứng trước thực trạng đau lòng này, có người chua chát khuyên “chuột chạy cùng sào mới vào… sư phạm”. Quan điểm tiêu cực này vô hình trung càng đẩy những HS nam học giỏi, có nhiều hoài bão ước mơ càng rời xa ngành sư phạm. Bởi các em sợ trở thành kẻ “yếm thế” khi bước chân vào môi trường học tập mà nữ giới chiếm số đông. 

(còn nữa) PHAN THỦY