Vị thủ lĩnh Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng

Thứ sáu, 25/02/2022 17:57

Hơn 40 năm trong ngành Công an thì cũng gần chừng đó quãng thời gian Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng làm công tác hình sự, điều tra phòng chống tội phạm. Với nghiệp vụ tinh thông cùng bản lĩnh chính trị vững vàng, lần lượt hàng trăm vụ án nghiêm trọng, phức tạp dưới sự chỉ huy của Đại tá Trần Mưu được khám phá, làm sáng tỏ. Ông là "khắc tinh" của các loại tội phạm, góp công lớn trong xây dựng thương hiệu của lực lượng Cảnh sát điều tra, hình sự của Công an TP Đà Nẵng trong nhiều năm qua.

Đại tá Trần Mưu nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng vào đầu năm 2022. 

Ghi dấu ấn ở mọi "điểm nóng"

Trải qua nhiều đơn vị công tác khác nhau nhưng trên cương vị nào, vị "tư lệnh" Cảnh sát điều tra hiện tại của Công an TP cũng tạo được dấu ấn đậm nét bằng những chiến công đặc biệt xuất sắc. Bất kể ngày hay đêm, dù ở bất cứ đâu, Đại tá Trần Mưu luôn có mặt ở mọi "điểm nóng".

Nghề Cảnh sát điều tra, hình sự luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và đối mặt với những đối tượng ngoan cố, nguy hiểm... Nhưng với bản lĩnh của người chiến sỹ Công an, Đại tá Trần Mưu luôn biết khắc phục, chỉ đạo trinh sát, điều tra viên kiên trì đấu tranh, tìm ra chứng cứ không để bỏ lọt tội phạm, hoàn thành nhiệm vụ. Giai đoạn làm Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, ông cùng đồng đội xây dựng được thương hiệu Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng với nhiều chiến công làm nức lòng người dân, liên tiếp được Bộ Công an tặng Bằng khen. Như vụ bắt giữ "siêu trộm công sở" Nguyễn Tuấn Vũ, vụ bắt giữ "siêu trộm" Đặng Ngọc Tân chuyên đột nhập nhà các đại gia tại Đà Nẵng và Quảng Nam, ông cùng đồng đội lặn lội tận Hà Nội để điều tra, bắt giữ đồng phạm, không để sót lọt tội phạm. Năm 2015, khi đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Đại tá Trần Mưu chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự phá thành công Chuyên án 038G, bắt giữ hung thủ là người ngoại quốc sử dụng súng bắn chết đồng hương người Trung Quốc tại Đà Nẵng. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Q. Sơn Trà, hung thủ sau đó dù đã trốn sang Campuchia nhưng đã bị bắt giữ sau 1 tháng nhờ vào cách vận động đầu thú khôn khéo, mềm dẻo. Hay gần đây nhất, vụ án người Trung Quốc giết đồng hương của mình rồi phân xác thả xuống sông Hàn gây chấn động dư luận. Trong chuyên án 072G này, Đại tá Trần Mưu trực tiếp đến hiện trường vào lúc 4 giờ sáng ngay khi tiếp nhận thông tin. Nhờ đi đúng hướng điều tra từ chiếc vali chứa xác nạn nhân, kẻ thủ ác đã "sa lưới" chỉ sau gần 7 giờ, khi mà danh tính nạn nhân vẫn còn đang xác minh.

  Đại tá Trần Mưu cho hay, quá trình đấu tranh với tội phạm, đặt biệt là tội phạm hình sự thì người làm điều tra phải sát với thực tế, phải đến tận nơi sự việc xảy ra để tập trung chỉ đạo. Nếu cứ ngồi "chỉ tay năm ngón" thì dù có quyết liệt, huy động nhiều lực lượng cùng tham gia cũng không thể sâu sát và hiệu quả. Ngoài khả năng tinh thông nghiệp vụ của lực lượng trinh sát, điều tra viên, vai trò người chỉ huy là hết sức quan trọng đến sự thành bại. "Anh phải gương mẫu đi đầu, phải đến tận nơi để nắm rõ bản chất vụ việc đồng thời động viên và chỉ đạo, thống nhất về quan điểm để anh em mạnh dạn, mạnh tay, xông tới để làm, tạo nên một khối đoàn kết thống nhất trong hành động", Đại tá Trần Mưu quan niệm.

 Đại tá Trần Mưu trực tiếp chỉ đạo phá án tại hiện trường.

Luôn khao khát và tận tâm với nghề

  Đến khi chuẩn bị nghỉ hưu trí theo chế độ, sẽ không còn cảnh "ăn không trọn bữa, ngủ không trọn giấc, nghỉ không trọn ngày", nhưng qua cách nói chuyện, chúng tôi biết được ông vẫn còn nhiều trăn trở, day dứt với nghề.

Tham gia Công an từ năm 1979, đến hôm nay đã gần 42 năm, Đại tá Trần Mưu không nhớ hết mình đã tham gia điều tra, khám phá bao nhiêu vụ án, chuyên án, bắt bao nhiêu đối tượng cộm cán. Chỉ biết rằng, khi mỗi vụ án xảy ra là ông lại dồn hết cả tâm huyết và thời gian cùng đồng đội tập trung cho công tác điều tra, phá án, với quyết tâm đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, an ninh trật tự được đảm bảo, góp phần quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thương hiệu thành phố "5 không", "3 có" và "4 an" những năm qua. Việc nhanh chóng điều tra, khám phá các vụ việc nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thể hiện tiếng nói và khẳng định vai trò của Công an TP Đà Nẵng đồng thời đáp ứng tốt cả 3 yêu cầu về chính trị - pháp luật - nghiệp vụ của ngành Công an.

Theo Đại tá Trần Mưu, người lãnh đạo chỉ huy không được phép chủ quan, thỏa mãn, phải luôn khát khao và lấy sự an bình của nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Đảm nhận vai trò lãnh đạo, chỉ huy mà mình làm không được việc thì phải cảm thấy xấu hổ với cấp dưới. Như vậy, mình phải tự giác học tập và tu dưỡng, rèn luyện. Để làm được điều đó, mỗi người phải luôn lấy Sáu điều Bác Hồ dạy CAND làm kim chỉ nam cho mọi hành động, giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ Công an. Chính vì vậy, xuyên suốt thời gian làm lãnh đạo trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, ông thường nhắn nhủ đồng nghiệp, nhất là cán bộ, chiến sĩ trẻ khi làm việc phải luôn luôn có ý thức chiến đấu và chiến thắng trên mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh; phải cương quyết nhưng cũng cần linh hoạt. "Làm sao đó để tội phạm không có đất sống thì mới dám nói đến thương hiệu Công an TP Đà Nẵng. Nếu để tội phạm lộng hành thì có tội với nhân dân", Đại tá Trần Mưu nói.

Mặc dù thời gian nghỉ hưu theo quy định chỉ tính bằng ngày, Đại tá Trần Mưu vẫn cần mẫn nghiên cứu hồ sơ, tài liệu và chủ trì những phiên họp bàn về các vụ án, kế hoạch điều tra, đấu tranh với tội phạm. Đối với ông, khi còn một vụ án dang dở nghĩa là còn "nợ" với nhân dân. Lòng tự trọng nghề nghiệp, trách nhiệm với sắc áo không cho phép ông và đồng đội chùn bước.

MAI VINH