Vị tướng kết nối tình yêu biển đảo
(Cadn.com.vn) - Có những cán bộ đã từ giã chốn "quan trường" về với cuộc sống thường ngày vẫn tiếp tục có những đóng góp cho cộng đồng và được mọi người kính trọng, như Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn- nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, người con của quê hương Quảng Nam...
Từ ám ảnh tuổi thơ
Tuổi thơ của ông cũng như hầu hết trẻ em sinh ra ở xã Đại Thắng, vùng B Đại Lộc trong chiến tranh lúc bấy giờ, lớn lên trong thiếu thốn, nghèo đói. Mới 8 tuổi, ông đã chứng kiến người chú ruột của mình bị địch bắt tra tấn dã man từ nhà lên quận, rồi xác cán bộ ta bị địch bắn chết trói phơi nắng ở đầu chợ. Ám ảnh nhất là tên đại úy Sáu, đại đội trưởng biệt kích ngụy đeo chuỗi tai khô Cộng sản trên cổ làm bùa. Cuối năm 1967, người cha tham gia cách mạng từ thời Việt Minh của ông bị địch thả bom hy sinh. Quyết trả thù nhà, ông giã từ mái trường cấp 2 giải phóng Quảng Đà để "nhảy núi". Khi 14 tuổi, làm chiến sĩ chuyển công văn của của Tiểu đoàn Đặc công 91 Lam Sơn sang Trung đoàn 36, ông được chỉ huy Trung đoàn yêu cầu đi kể chuyện tội ác của Mỹ- ngụy ở quê hương cho bộ đội nghe. Đây là lần đầu tiên ông nói trước đám đông và cảm xúc ấy còn lưu giữ mãi.
Những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, những người lính như ông đối mặt với cái chết trong gang tấc. Có lần mảnh bom văng đúng băng đạn AK đang mang. Biết ông là con liệt sĩ, nhà có 7 người thân hy sinh trong kháng chiến, Mặt trận 44 không muốn mất một hạt giống đỏ nên cho ra Bắc học tập nhưng ông nhất quyết xin ở lại miền Nam dầu sôi lửa bỏng. Không đi xa thì ở gần. Đơn vị lại cho ông đi học trường Đặc công Quân khu 5 ở Quảng Ngãi, rồi giữ lại làm giáo viên đến 3 khóa. Thấy thầy giáo cứ nằng nặc ra trận, cấp trên đưa ông về tham gia biệt động Quảng Đà. Làm đội trưởng biệt động quận Nhì, rồi tham gia giải phóng Đà Nẵng, ông đã có những ngày tháng vô cùng ý nghĩa cùng khúc khải hoàn ca của toàn dân tộc. Khi làm trợ lý tác chiến của quận, ông được giao lên lớp chính trị cho gần một vạn binh lính, nhân viên ngụy quân, ngụy quyền.
Sau đó ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, rồi ra Bộ Quốc phòng làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn suốt 5 năm đến khi về hưu. Đây chính là quãng thời gian ông có nhiều đóng góp cho quân đội trong công tác tư tưởng văn hóa ở tầm chiến lược. Có những việc đòi hỏi nhọc công không chỉ liên quan ở ngành của mình mà còn liên quan đến các ngành khác, không chỉ trong quân đội mà ở các cơ quan Trung ương, nhưng ông theo đến cùng. Hàng loạt đề án, trong đó có một số đề án quan trọng như: "Hiện đại hóa các cơ quan báo chí Quân đội giai đoạn 2014-2018" thực sự là bệ phóng để các cơ quan báo chí "cất cánh". Hay đề án "Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới" (2013-2015) đã góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội... Đặc biệt, chưa bao giờ công tác tuyên truyền về biển, đảo trong thời gian ông làm Cục trưởng lại được chú trọng đến như vậy. Có tư duy mẫn tiệp, sắc sảo, tầm nhìn xa trông rộng, ông thường được các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Trung ương kham thảo, đóng góp ý kiến, nhiều khi là người có tiếng nói quan trọng để trên nghiên cứu quyết định trước một số vấn đề lớn về chính trị, tư tưởng của quân đội và đất nước.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (giữa) trả lời các báo, đài về khu căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, Đà Nẵng, nơi ông từng hoạt động. |
"Nói như tướng Tuấn"
Năm 2012, một sự kiện làm chấn động đời sống báo chí đó là buổi nói chuyện tại TP Hồ Chí Minh về chủ quyền biển, đảo của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (lúc này là Thiếu tướng) tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài. Trước 1000 kiều bào tiêu biểu định cư ở hơn 100 nước trên thế giới, ông đã có bài diễn thuyết làm nóng rực hội trường. Gần chục lần tiếng vỗ tay cắt ngang diễn giả. Sau khi rời khán đài, nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng đã đến ôm chầm lấy ông và thốt lên ngưỡng mộ: "Tướng thế mới là tướng!". Nhiều người trước đây từng tham gia chế độ cũ nay được nghe ông nói chuyện đã vỡ vạc ra nhiều điều, không ngại bày tỏ tình yêu quê hương đất nước và tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. "Nói như tướng Tuấn" là điệp từ được nhắc đến nhiều sau đó. Hàng loạt tờ báo, nhiều bloger đã phát biểu cảm nghĩ về ông, hầu hết đều bày tỏ sự khâm phục bài nói chạm đến trái tim, kết nối lòng yêu nước trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Sau khi ông về hưu, Bộ Thông tin và truyền thông đã mời ông đi nói chuyện chuyên đề "Tình hình tranh chấp chủ quyền biển Đông, chủ trương và đối sách giải quyết tranh chấp biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta" cho cán bộ cấp sở của hơn 50 tỉnh trong toàn quốc. Và ông đã có cuộc hành trình "xuyên Việt" suốt mấy tháng ròng.
Không phải đến bây giờ, tài diễn thuyết của ông mới được ghi nhận. Từ năm 1995, khi làm Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 5, những buổi nói chuyện của ông luôn được cán bộ các đơn vị chờ đón. Không ai không biết tên ông. Ông luôn "đắt show" khi được các hội, ngành, đoàn thể hai tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng mời nói chuyện. Các nhà báo vốn chộn rộn với công việc, chẳng mấy khi họp hành mà đủ đầy, nhưng nghe tin ông về VTV Đà Nẵng nói chuyện Trường Sa, Hoàng Sa, họ có mặt từ sớm và gần hai tiếng đồng hồ không ai đi ra ngoài. Ban giám đốc nói rằng, chưa bao giờ có hiện tượng như vậy ở đài.
Hỏi ông có bí quyết gì mà có thể nhớ hết các sự kiện từ đời "tu huýt, tu lai", ông cười mà rằng: "Phải đọc thôi. Đọc và sắp xếp hợp lý, xâu chuỗi vào bộ nhớ. Đặc biệt phải luôn cập nhật các thông tin mới nhất. Kể cả lĩnh vực quân sự cũng phải am hiểu tường tận thì nói mới có sách, mách có chứng". Ông luôn nói với đội ngũ báo cáo viên: "Đi tuyên truyền là đi chuyển lửa nhiệt tình cách mạng cho người khác, bởi vậy người báo cáo viên phải có "lửa". Khác với một người lên lớp về lịch sử đơn thuần, các bài nói chuyện của ông hấp dẫn, lôi cuốn không chỉ bởi kiến thức đa dạng, tính lô-gic chặt chẽ; ngữ điệu, thần thái sôi nổi mà còn thể hiện tầm nhìn, định hướng của một chính trị gia, một người lính đã từng cầm súng, luôn đau đáu về vết thương chiến tranh, không bao giờ cho phép ai lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc. Ông lo ngại về tư tưởng "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, vì thế ngay cả khi về hưu, làm được gì để có thể góp phần giáo dục chính trị cho các đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ là ông sẵn sàng lên đường.
Người ta bảo tuổi Ngọ là chân hay chạy, có lẽ đúng hoàn toàn với ông. Ít ai biết để có những chuyến đi nói chuyện từ Bắc vào Nam, ông phải sắp xếp vô cùng vất vả. Bởi ông còn phải dành thời gian đưa người bạn đời của mình đang trọng bệnh thường xuyên ra Hà Nội điều trị dài ngày suốt mấy năm nay. Ẩn giấu đằng sau nụ cười thường trực, nhân hậu, rất đỗi thân thương với đồng đội, đồng chí là một nghị lực sống mạnh mẽ, làm điểm tựa cho vợ con. Ông luôn như thế. Như đã từng vượt qua những khó khăn nhất của cuộc đời mà vẫn bình thản và ung dung.
Hồng Vân