Vì sao kính cao ốc đổ sập, vỡ vụn trong cuồng phong bão Yagi?
Thứ hai, 09/09/2024 07:26
Bão số 3 Yagi quét qua đã cảnh báo nhiều nguy hiểm khôn lường về chất lượng xây dựng các công trình hiện nay.
Kết cấu bao che, chịu lực quá kém
Siêu bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội với gió mạnh kèm mưa to đã khiến nhiều cao ốc, căn hộ,... bung vách kính, kính vỡ vụn.
Tại TP Hạ Long, loạt cửa kính của một khách sạn 5 sao bị thổi bay. Cả tấm vách kính bao mặt đứng của công trình bị gió bão làm đổ sập.
Ở Hà Nội, cửa kính, cửa sổ tại nhiều chung cư, shophouse,... bị vỡ vụn. Thậm chí, vách kính cửa sổ tại chung cư cũng lung lay, rung lên bần bật muốn bong ra khỏi cửa sổ.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đánh giá, các hiện tượng trên cho thấy liên kết khung vào kết cấu bao che hoặc liên kết vào hệ thống chịu lực là quá kém.
Về nguyên nhân, ông Thịnh cho rằng, cần đánh giá trên nguyên tắc 5 chữ M trong công tác quản lý chất lượng. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là con người (Man) rồi xét đến các yếu tố tiếp theo là tiền (Money), vật tư vật liệu (Materials), máy móc (Machines) đến phương pháp (Method).
Theo vị này, đánh giá về con người cần phải thấy rõ trách nhiệm của các chủ thể từ chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công xây dựng đến nhà thầu giám sát.
“Cửa/vách kính trong xây dựng được gọi là kết cấu bao che, có vai trò rất quan trọng. Khi thực hiện công trình xây dựng, các chủ đầu tư đều muốn đẹp, chất lượng đảm bảo. Nhưng khi nhắc đến câu chuyện chi phí, chữ M thứ hai là (Money) lại phát sinh, muốn cắt giảm chi phí dẫn đến vấn đề về thiết kế.
Vách kính bao mặt đứng của tòa nhà ở TP Hạ Long bị gió bão làm đổ sập. Nguồn: MXH
Ở đây, cần phân ra đơn vị thiết kế kiến trúc, đơn vị thiết kế kết cấu. Đối với việc lắp đặt cửa/vách kính, đơn vị thiết kế kiến trúc có nhiệm vụ chia các ô/mảng kính sao cho đẹp, mang tính thẩm mỹ. Còn đơn vị thiết kế kết cấu chịu trách nhiệm về toàn bộ thiết kế kết cấu của hệ thống cửa/vách. Nhưng hiện nay, hầu hết bản vẽ thiết kế kết cấu người ta lờ đi thiết kế kết cấu của hệ thống cửa/vách này”, ông Thịnh nêu vấn đề.
Quy định đã có, vấn đề là thực thi
Ông Thịnh nhấn mạnh: Bất kể một toà nhà hay một công trình đều có kết cấu chịu lực, kết cấu bao che. Kết cấu bao che rất quan trọng, nhưng nếu quên hoặc tính toán không cẩn thận thì rất nguy hiểm.
“Đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán với các áp lực gió thì kính phải dày bao nhiêu, kính mấy lớp, cấu tạo kính như thế nào; đặc biệt, khung vách hay khung cửa phải được liên kết với kết cấu chịu lực, kết cấu bao che xung quanh ra sao... Đây là vấn đề mà đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán, lựa chọn để nhà thầu thi công thực hiện.
Tuy nhiên, trong thiết kế kết cấu đang có tình trạng rất lười, để nhà thầu thi công tự chọn, dẫn đến việc chất lượng không đảm bảo. Nhà thầu thi công, sau khi chế tạo và lắp dựng xong cửa/vách kính, có thể lập bảng vẽ hoàn công và việc này được hợp pháp hóa bằng cách đưa bản vẽ này cho nhà thầu thiết kế ký”, ông Thịnh nói.
Qua trường hợp công trình tại TP Hạ Long, cả mảng kính lớn của tòa nhà cao tầng tách ra, đổ ập xuống, ông Thịnh cho biết, trong ngành gọi đây là mặt dựng công trình. Theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) mặt dựng này về nguyên lý đều phải được thí nghiệm tỷ lệ 1:1 trong phòng thí nghiệm. Nhưng trong quy chuẩn lại không có điều khoản bắt buộc phải làm thí nghiệm.
Vị chuyên gia cho rằng, đây là kẽ hở. Việc làm thí nghiệm mặt dựng trước khi đưa vào đại trà, xây dựng công trình là cần thiết.
Một vấn đề nữa, theo ông Thịnh, sau khi công trình được nghiệm thu, bàn giao, các đơn vị phải bàn giao cho chủ đầu tư quy trình vận hành/sử dụng để hướng dẫn chủ hộ (cư dân) biết sử dụng cửa/vách kính trong trường hợp bình thường cũng như khi gió bão.
Như việc nên mở hay đóng cửa, cửa sổ khi có bão người dân cũng chưa được hướng dẫn.
Kính cường lực vỡ vụn trong cơn bão số 3 tại Hà Nội. Ảnh: Hạnh Thuý
Theo ông Thịnh, ở đây cũng cần xem xét đến trách nhiệm của đơn vị giám sát, nghiệm thu công trình khi để xảy ra những hiện tượng trên.
“Tất cả quy định, quy trình đều đã có, chỉ là con người thực thi như thế nào. Nếu làm đúng các quy trình trên thì chất lượng công trình được đảm bảo.
Bão số 3 Yagi là cảnh báo cho thấy nhiều vấn đề về chất lượng trong xây dựng các công trình hiện nay. Để giảm thiệt hại cho các công trình khi có mưa bão, các chủ sở hữu phải thực hiện đúng trách nhiệm, làm tốt từ thiết kế, chọn vật liệu đến thi công, giám sát và nghiệm thu chặt chẽ”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi khai thác sử dụng, công tác bảo trì rất quan trọng. Nếu công tác kiểm tra, bảo trì được thực hiện định kỳ, thường xuyên có thể tránh được các trường hợp đáng tiếc. Trước cơn bão, việc kiểm tra, gia cố được thực hiện cũng sẽ góp phần làm giảm thiệt hại.
Một dòng suối tự nhiên từ trên đầu nguồn chảy về nhưng quanh năm lại có màu vàng đen như màu nước thải. Hiện tượng lạ trên khiến nhiều người tò mò, trong khi chính quyền địa phương chưa biết cụ thể nguyên nhân do đâu.
Tối 25/4, buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã diễn ra trang trọng trên trục đường Lê Duẩn (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Lần đầu tiên, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Quân đội Nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia cùng hơn 13.000 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Việt Nam tham gia diễu binh.
Ngày 6-4, trên mạng xã hội xôn xao với đoạn clip ghi lại hành động vô cùng thông minh của một bé trai 3 tuổi ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, (Nghệ An). Nhờ hành động gọi người kịp thời của cháu bé đã cứu sống một bé trai 5 tuổi.
Lực lượng CSGT Đồng Nai phát hiện người đàn ông có dấu hiệu co giật, sùi bọt mép, nằm bất tỉnh trên quốc lộ 56 nên nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Dự báo mới nhất cho thấy bão Trà Mi (bão số 6) đi vào vùng biển ven bờ các tỉnh Trung Trung Bộ rồi đổi hướng. Dự báo bão số 6 gây mưa lớn ở miền Trung, có nơi trên 700mm.
Kẻ cướp taxi ở TP Cần Thơ tuy hết đường tẩu thoát nhưng vẫn có hành vi manh động nên buộc công an phải nổ nhiều phát súng để truy bắt tại tỉnh Tiền Giang
9h30 sáng nay (12/9), chiếc trực thăng Mi-171 số hiệu 03 của Trung đoàn Trực thăng 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn và vận chuyển nhu yếu phẩm, phao cứu sinh giúp đỡ đồng bào vùng lũ ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.