Phát huy truyền thống yêu nước thương nòi, cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3

Thứ hai, 09/09/2024 06:22

Sáng 8-9, chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi bão số 3, trên tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn".

Sau Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã về kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Quảng Ninh, Hải Phòng; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Nam Định; các Phó Thủ tướng khác cũng về chỉ đạo khắc phục thiệt hại tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng.

Niềm xúc động của ngư dân sau khi được Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) cứu nạn đưa vào bờ an toàn.
Chiều 8-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh - nơi bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nhất theo thống kê tới sáng 8-9.

Bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Cập nhật đến sáng 8-9, bão số 3 làm 9 người thiệt mạng, 187 người bị thương; 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu; 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ, cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ; 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi…

Hội nghị đã tập trung đánh giá công tác dự báo, cảnh báo, thông tin; công tác chỉ đạo, chuẩn bị ứng phó; tổ chức ứng trực phòng, chống lụt bão; dự báo tình hình diễn biến tiếp theo và công tác hỗ trợ, huy động sự chung tay hỗ trợ khắc phục thiệt hại.

Theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan có mặt tại điểm cầu Quảng Ninh và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của người dân trong tỉnh; trong đó, toàn tỉnh mất điện, mất thông tin, liên lạc. Tỉnh Quảng Ninh đang tích cực tổ chức khắc phục hậu quả song gặp nhiều khó khăn.

Do đó, Quảng Ninh cần sự chung tay của các ngành, trước mắt hỗ trợ tỉnh khôi phục được điện, viễn thông; điều tàu hải quân, trực thăng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với những người bị mất tích hoặc đang bị mắc kẹt ở các tàu thuyền, công trình ngoài biển. Về lâu dài, phải tính toán, thiết kế các công trình, phương án chống chịu được bão trên cấp 12 để giảm thiểu thiệt hại khi có những cơn bão tương tự đổ bộ.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, Hải Phòng là một trong những địa phương trọng điểm bị bão số 3 đổ bộ, song mức thiệt hại không lớn lắm do đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc lập Sở chỉ huy tiền phương và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo công tác phòng, chống bão; đề nghị ngành Điện lực, Viễn thông hỗ trợ nhân lực, vật tư khắc phục tình trạng mất điện, mất mạng viễn thông trên diện rộng tại thành phố, để triển khai hiệu quả hơn công tác khắc phục hậu quả bão số 3.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, nhờ chủ động triển khai nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 trên địa bàn được giảm thiểu. Thiệt hại đáng kể nhất tại thành phố là có hơn 17.000 cây xanh bị gãy, đổ, gây ách tắc giao thông, mất điện cục bộ tại một số quận, huyện, xã, phường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng hoạt động của các trạm bơm thoát nước… Đến nay, thành phố đã chỉ đạo, huy động toàn bộ lực lượng, người dân triển khai thu dọn cây đổ để đảm bảo giao thông thông suốt; khắc phục sự cố mất điện, đảm bảo điện sinh hoạt, sản xuất bình thường trở lại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bão số 3 ảnh hưởng tới hệ thống truyền tải điện, ngành Điện lực phải dừng hoàn toàn hoặc một phần 10 nhà máy điện phía Bắc, ảnh hưởng tới khoảng 1 triệu khách hàng. Ngành Điện đã rà soát, khắc phục sự cố cung ứng điện trở lại phục vụ sản xuất, tiêu dùng, tuy nhiên hiện nay 63% phụ tải vẫn chưa được cấp điện do hạ tầng lưới điện chưa đủ điều kiện.

Về hàng hóa tiêu dùng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tại một số đô thị, như Hà Nội, Hải Phòng thiếu hàng hóa cục bộ do tâm lý tích trữ của người dân. Việc cung ứng hàng hóa đã ổn định trở lại…

Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Tào Đức Thắng cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, Tập đoàn bị mất kết nối tại 8.000/26.000 trạm BTS tại 15 tỉnh, thành phố. Tập đoàn đã huy động nhân lực, phương tiện để khắc phục sự cố, song việc khắc phục có phần khó khăn do lực lượng, phương tiện di chuyển tới các điểm trạm BTS khó khăn về giao thông, cùng với đó nguồn điện cấp cho các trạm BTS.

Lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho biết, do bão số 3 thiệt hại không lớn, trong đó 15% vùng phủ sóng và một số tuyến cáp quang internet. Đến sáng 8-9, cáp quang Internet vẫn còn 2 tỉnh, thành phố có địa phương bị cô lập (Cát Bà- Hải Phòng; Bình Liêu, Ba Chẽ - Quảng Ninh) sẽ khắc phục trong ngày 8-9. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phấn đấu khắc phục hoàn toàn sóng di động và Internet trong khoảng từ 4 – 5 ngày.

Sau khi các Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3, đồng thời phòng, chống ảnh hưởng mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu của bão, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, bão số 3 là cơn bão có cường độ tăng nhanh, mạnh nhất trong vòng 30 năm qua, tăng cấp không theo quy luật, lưu bão lâu, diễn ra trên diện rộng. Trước tình hình đó, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực, quyết liệt phòng, chống bão. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh.

Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương có thiệt hại, mất mát về người, tài sản do bão số 3 gây ra.

Thủ tướng biểu dương Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp; cấp ủy, chính quyền các cấp; lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng, các bộ, ngành có liên quan đã tập trung lực lượng cùng các địa phương, nhân dân tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn liên quan đến điện, viễn thông, nước, y tế… thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo cung cấp tốt nhất và khắc phục hậu quả để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu. Thủ tướng Chính phủ cảm ơn nhân dân, doanh nghiệp đã cơ bản chấp hành chỉ đạo, lãnh đạo của cấp có thẩm quyền; chấp hành các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tự giác tham gia phòng, chống bão, hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Chiều 8-9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tặng quà một số hộ dân ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, có nhà ở cũ nát, xuống cấp, không bảo đảm an toàn.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chia buồn cùng gia đình nạn nhân bị sạt lở vùi lấp ngôi nhà làm 4 người tử vong tại Hòa Bình. Trước đó, khoảng 0h ngày 8-9, tại xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã xảy ra sạt lở đất từ trên đồi vào nhà của gia đình ông Xa Văn Sộm (sinh năm 1973) làm ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Vụ sạt lở đã làm 4 người tử vong, 1 người bị thương.

Thủ tướng cho biết, sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ về tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình xuống các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng; Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đi các tỉnh miền núi phía Bắc, các Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn sẽ đi các địa phương còn lại để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3.

Chỉ rõ các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; huy động lực lượng; việc tổ chức thực hiện; thông tin, truyền thông; công tác khen thưởng, kỷ luật…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các ngành, địa phương tập trung rà soát số người thiệt mạng, bị thương, mất tích để cứu giúp, hỗ trợ lo hậu sự; rà soát các gia đình bị thiệt hại về vật chất để hỗ trợ, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh nào thiếu thuốc, thiếu nơi chữa bệnh; tập trung khắc phục sự cố về điện, nước, viễn thông và các dịch vụ thiết yếu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất, tiêu dùng; tổ chức thống kê thiệt hại khách quan, chính xác để có phương án xử lý kịp thời; tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở, sụt lún do hoàn lưu bão gây ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động, tích cực để khắc phục hậu quả bão số 3.

Các Bộ Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, NN và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, LĐ-TB và XH, Xây dựng thực hiện nghiêm quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền, hướng dẫn quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn việc khắc phục hậu quả.

Các Bộ Quốc phòng, Công an, lực lượng cứu nạn, cứu hộ tiếp tục ứng trực để kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ sau bão, đặc biệt là sạt lở, lũ ống, lũ quét, sụt lún… Các cơ quan truyền thông duy trì, cập nhật thường xuyên cho đến khi mưa bão thực sự kết thúc, đặc biệt hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bão lũ cho người dân.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế, xử lý các nguồn dự phòng về tài chính, vật tư, lương thực…, phục vụ khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống người dân; đề xuất hỗ trợ từ Trung ương để xử lý kịp thời, đảm bảo khôi phục nhanh đời sống, sản xuất, xong trước 24 giờ ngày 8-9.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng, trên tinh thần “có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều; có của giúp của, có công giúp công”, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”.

B.T – TTXVN

Hơn 100.000 lượt cán bộ chiến sĩ Công an dầm mình trong mưa gió, sát cánh cùng người dân vượt qua cơn bão số 3

Cảnh sát giao thông dầm mưa bão giúp người dân di chuyển an toàn trên đường.
Xe chữa cháy Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội di chuyển chậm để cản gió, che chắn, hỗ trợ khoảng 30 xe máy lưu thông an toàn qua gió bão.
Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu Cơ quan đại diện Ngoại giao, Bộ Tư lệnh CSCĐ giúp dân khắc phục hậu quả, sáng 8-9.

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Bộ Công an đã tham mưu Ban Chỉ đạo ƯPTT BCA và lãnh đạo Bộ ban hành 3 Công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ bảo đảm ANTT, ứng phó khẩn cấp với bão số 3, mưa lũ; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định, chủ động cập nhật thông tin, nắm chắc tình hình, diễn biến của bão, mưa lũ sau bão; phối hợp các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương tuyên truyền, thông báo cho nhân dân về tình hình, biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ. Bộ Công an đã huy động hơn 100.000 lượt cán bộ chiến sĩ của Công an 35 tỉnh, thành phố dự báo bị ảnh hưởng bởi bão số 3 giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, tuyên truyền, vận động nhân dân đến nơi tránh trú bão an toàn, sơ tán gần 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn. Phối hợp Bộ đội Biên phòng kiểm đếm, hướng dẫn hơn 51.000 tàu cá/gần 220.000 người về nơi tránh trú an toàn; bố trí các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống bão.

Giải cứu hàng trăm người dân trong siêu bão số 3

Niềm xúc động của ngư dân sau khi được Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) cứu nạn đưa vào bờ an toàn.

Ngày 8-9,Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã huy động tàu CSB 8004 và 2 xuồng CSB 721, 722 (BTL Vùng Cánh sát biển 1) xuất phát đi tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực Titop, hòn Pháo Trong, Pháo Ngoài (Quảng Ninh). các xuồng Cảnh sát biển đã tiếp cận tàu Duy Mạnh 19 (QN 7910) bị trôi dạt vào núi tại khu vực gần tàu Bạch Đằng 68; xà lan 02 cẩu HP 5618 đầu kéo bị hỏng máy trôi dạt vào hòn Pháo Ngoài; xà lan 2 cẩu HD 8698 bị va vào núi mắc cạn; xà lan Thành Lộc 01 (HD6588) bị trôi dạt và mắc cạn tại khu vực đuôi hòn Pháo Ngoài; xà lan Việt Thuận 10 bị mắc cạn va vào núi, đầu kéo bị chìm... Hiện 43 thuyền viên đã được đưa lên tàu CSB 8004 an toàn, sức khỏe các thuyền viên đều ổn định. Tàu CSB 8004 và 2 xuồng 721, 722 đang tiếp tục tìm kiếm cứu nạn ở các khu vực trên.

Trước đó, khoảng 10 giờ 30 ngày 7-9, trong khi tránh bão số 3 (Yagi) tại khu vực vụng Tùng Sâu, lực lượng của Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) đã cứu được 2 người dân làm việc tại Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long. Đó là anh Lê Quang Hòa (1989), phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và anh Nguyễn Chí Thành (1990), phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Khoảng 6 giờ 30, lực lượng của Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) đi tìm kiếm cứu nạn theo lệnh của Sở chỉ huy đã cứu được 11 người mắc kẹt trong núi khu vực Hòn Rằm Bắc, thuộc Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận.Cũng khoảng 6 giờ 30, lực lượng của Lữ đoàn 170 đi tìm kiếm cứu nạn theo lệnh của Sở chỉ huy đã cứu được 4 người mắc kẹt trong núi khu vực gần đường vào vụng Tùng Sâu để tránh bão, thuộc Tàu HY-0496 của Hưng Yên vận tải xi măng.11 giờ 30 ngày 8-9, tất cả 17 ngư dân trên đã được Lữ đoàn 170 bàn giao địa phương và đưa về nhà an toàn.Vào lúc 11 giờ ngày 8-9, tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, nhiều người dân có nhà bị ngập sâu vẫn tập trung tại những khu vực cao, không bị ngập mong chờ nước sớm rút để trở về nhà. Nước sông Thương chảy qua địa bàn huyện Chi Lăng dâng cao, đục ngầu, chảy rất mạnh. Nhiều người lo lắng cho tài sản của gia đình mình đang chìm sâu trong nước. Nước lũ lớn đã khiến nhà ở của hơn 200 hộ dân bị ngập; trong đó, nhiều hộ ở ven sông Thương thuộc thị trấn Đồng Mỏ và xã Mai Sao bị ngập sâu. Lực lượng chức năng của huyện đã kịp thời cứu hộ 35 công dân ở trong các ngôi nhà bị ngập nặng ra ngoài, đưa đến nơi an toàn.

Vì sao kính cao ốc đổ sập, vỡ vụn trong cuồng phong bão Yagi?

Bão số 3 Yagi quét qua đã cảnh báo nhiều nguy hiểm khôn lường về chất lượng xây dựng các công trình hiện nay.

Thủ tướng làm việc với tỉnh Quảng Ninh về công tác khắc phục hậu quả bão số 3

Thủ tướng đã thị sát nắm bắt tình hình phòng, chống bão; chứng kiến tình hình thiệt hại và công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra tại TP Hạ Long, TP Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.

Bão càn quét Hải Phòng, Quảng Ninh, nhiều nhà cửa bị tốc mái, bay cửa kính

Mưa to, gió lớn do siêu bão Yagi gây ra không chỉ làm thiệt hại về tài sản mà còn làm gián đoạn hoạt động cung cấp điện tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng…